Cần có giải pháp xử lý thấu tình, đạt lý về vi phạm hành lang đường Hồ Chí Minh

Nguyện vọng của nhiều người dân Hương Khê (Hà Tĩnh) là cần có giải pháp xử lý thấu tình, đạt lý về vi phạm hành lang giao thông đường Hồ Chí Minh để tạo điều kiện phát triển kinh tế.

Thời gian gần đây, tình trạng vi phạm hành lang đường bộ trên tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua huyện Hương Khê có dấu hiệu gia tăng. Đặc biệt, tình trạng san lấp mặt bằng trong hành lang an toàn đường bộ gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông, làm mất tác dụng công trình đường bộ tại các xã Điền Mỹ, Phúc Đồng, Hương Bình, Hương Long.

Số liệu từ Văn phòng QLĐB II.3, hiện có 11 trường hợp vi phạm hành lang đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn huyện Hương Khê. Trong đó, năm 2024, có 9 trường hợp vi phạm (3 trường hợp đã được xử lý, 6 trường hợp chưa được xử lý); 3 tháng đầu năm nay thêm 5 trường hợp vi phạm.

 Người dân xã Hương Long san lấp mặt bằng trong và ngoài hành lang an toàn đường Hồ Chí Minh.

Người dân xã Hương Long san lấp mặt bằng trong và ngoài hành lang an toàn đường Hồ Chí Minh.

Đáng nói, tại Km 823+380 (thuộc địa phận xã Hương Long), những ngày cuối tháng 3/2025, một người dân địa phương đã san lấp mặt bằng trong và ngoài hành lang an toàn đường bộ với diện tích 135m2; việc san lấp có thể dẫn đến bịt kín cống thoát nước công trình đường Hồ Chí Minh.

Ông Lê Thanh Hải – Phó Chủ tịch UBND xã Hương Long cho hay: Khi phát hiện sự việc, địa phương đã làm việc với hộ dân để tuyên truyền, thông báo về hành vi vi phạm. Hiện nay, gia đình này đã cam kết sẽ khắc phục hiện trạng trong khu vực hành lang an toàn giao thông. Để đảm bảo an toàn giao thông, địa phương tiếp tục theo dõi trên tuyến, đoạn đi qua địa bàn để kịp thời phát hiện, xử lý các vụ việc vi phạm.

Tại xã Hương Bình, tình trạng san lấp mặt bằng trong phạm vi hành lang an toàn đường Hồ Chí Minh diễn ra phức tạp hơn. Từ năm 2024 đến nay, toàn xã có đến 4 vụ việc san lấp được phát hiện.

Theo ông Lê Khắc Huân – cán bộ địa chính xã Hương Bình, các trường hợp vi phạm do người dân chưa hiểu hết quy định của pháp luật về hành lang an toàn giao thông. Trong khi đó, hiện trạng đất ở, đất vườn của các hộ dân ven tuyến đường Hồ Chí Minh thấp hơn mặt đường rất nhiều nên người dân thường có phát sinh nhu cầu san lấp để thuận tiện trong đi lại, sinh hoạt, sản xuất.

Đồng thời, đất hành lang đường lại đang thuộc quyền sở hữu của nhiều hộ dân (đã được cấp sổ đỏ, chưa được đền bù); phần lớn không có đường gom. Vì vậy, để thuận tiện khi san lấp đất vườn, một số người dân thực hiện san lấp hành lang đường để làm đường tạm hoặc với mục đích chống ngập úng. Với chính quyền địa phương, để xử lý vừa hợp tình, vừa hợp lý là rất khó khăn.

 Nhiều hộ dân xã Hương Bình thực hiện san lấp đất trên phạm vi hành lang an toàn đường bộ.

Nhiều hộ dân xã Hương Bình thực hiện san lấp đất trên phạm vi hành lang an toàn đường bộ.

Cũng theo ông Lê Khắc Huân, chính quyền địa phương sẽ tuyên truyền để người dân hiểu rõ thêm các quy định, khắc phục các vi phạm; đồng thời sẽ kiên quyết xử lý các trường hợp cố tình xây dựng công trình kiên cố hoặc ảnh hưởng đến mương, cống thoát nước…

Theo tìm hiểu, nguyên nhân phần lớn các trường hợp vi phạm hành lang đường bộ trên tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua huyện Hương Khê là do lịch sử để lại. Cụ thể, trong quy hoạch trước đó không bố trí hệ thống đường gom theo quy định; đất ở của nhiều hộ dân có từ trước khi xây dựng đường Hồ Chí Minh.

Điều này cũng làm cho đời sống người dân bị ảnh hưởng. Nguyện vọng của nhiều người dân sinh sống ven đường Hồ Chí Minh là Nhà nước nên có các dự án đường gom hoặc tạo cơ chế san lấp đất, cho phép xây dựng công trình tạm (xa tim đường, không ảnh hưởng đến công trình giao thông) để thuận tiện trong đi lại và phát triển kinh tế.

 Theo quy định với đường Hồ Chí Minh, hành lang an toàn mỗi bên là 20m.

Theo quy định với đường Hồ Chí Minh, hành lang an toàn mỗi bên là 20m.

Ông Lê Quang Vinh - Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng và đô thị huyện Hương Khê cho biết: UBND huyện đã yêu cầu các xã xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm hành lang an toàn đường bộ còn tồn đọng trên địa bàn; trong đó, chú trọng xử lý vụ việc san lấp, xây dựng trong hành lang an toàn đường bộ có nguy cơ bịt kín cống thoát nước. Đồng thời, yêu cầu các hộ vi phạm hoàn trả nguyên hiện trạng, không tiếp diễn hành vi vi phạm.

Thời gian tới, địa phương sẽ tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân dọc hai bên tuyến đường Hồ Chí Minh chấp hành các quy định của Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; phối hợp với các cơ quan quản lý đường bộ xử lý nghiêm, kịp thời các vụ việc vi phạm về kết cấu hạ tầng và hành lang đường bộ trên địa bàn.

Về nguyện vọng của Nhân dân, địa phương sẽ tiếp thu, tổng hợp và đề xuất lên cấp trên để có giải pháp tháo gỡ hợp tình, hợp lý. Đồng thời, quán triệt các xã, thị trấn không cấp đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong hành lang bảo vệ công trình cầu, cống, cửa xả thoát nước; kiểm tra, thu hồi, điều chỉnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp trong phạm vi trên và đất ngoài hành lang nếu ảnh hưởng đến công trình đường bộ.

Theo Quyết định số 16/2004/QĐ-BGTVT ngày 30/9/2004 của Bộ Giao thông vận tải, sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 4 “Quy chế quản lý, sử dụng, khai thác đảm bảo an toàn giao thông đường Hồ Chí Minh - giai đoạn I” quy định: Đối với đường ở ngoài khu vực đô thị, căn cứ vào cấp kỹ thuật của đường theo quy hoạch, phạm vi hành lang an toàn được tính từ mép chân mái đường đắp hoặc mép đỉnh mái đường đào hoặc mép ngoài rãnh dọc hoặc mép ngoài rãnh đỉnh của đường trở ra hai bên; đoạn đường từ Hòa Lạc (Hà Nội) đến Tân Cảnh (Kon Tum) trên đường Hồ Chí Minh (trong đó có đoạn qua Hà Tĩnh - PV), hành lang an toàn mỗi bên là 20m.

Dương Chiến

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/can-co-giai-phap-xu-ly-thau-tinh-dat-ly-ve-vi-pham-hanh-lang-duong-ho-chi-minh-post284987.html
Zalo