Cần có giải pháp phòng, chống sạt lở tại một số vùng có nguy cơ ở Bắc Mê

BHG - Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Hà Giang do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3 gây ra cùng với những đợt mưa lớn kéo dài đã gây thiệt hại không nhỏ về người, tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Hiện nay, công tác giải quyết hậu quả do thiên tai để lại là bài toán hết sức nan giải, không chỉ của cấp ủy, chính quyền sở tại mà rất cần sự chung tay, đồng lòng của cả xã hội.

Thiệt hại về thiên tai không thể tránh khỏi nhưng nhờ cấp ủy, chính quyền các cấp xác định công tác phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Do đó, các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án phòng ngừa, ứng phó với thiên tai; kịp thời triển khai Công điện của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo quyết liệt đến các cấp những phương án, giải pháp ứng phó và được thực hiện rất tốt nên giúp giảm thiểu tối đa các thiệt hại về người. Tuy nhiên, hiện nay còn nhiều khu vực của tỉnh đang trong tình trạng báo động, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở.

Khu phố thuộc tổ 4, thị trấn Yên Phú, trên Quốc lộ 34 đang trong nguy cơ sạt lở rất cao.

Khu phố thuộc tổ 4, thị trấn Yên Phú, trên Quốc lộ 34 đang trong nguy cơ sạt lở rất cao.

Đơn cử như trên địa bàn huyện Bắc Mê, qua nắm bắt từ thực tế hiện, toàn huyện đang có gần 10 khu vực với hàng trăm hộ dân đã, đang đối diện với nguy cơ sạt lở, đe dọa tới tính mạng, tài sản. Tại tổ 4 thị trấn Yên Phú đã bị sạt lở, vùi lấp 15 nhà. Tại thôn Pắc Mìa, thị trấn Yên Phú, hiện nay phía taluy dương xuất hiện nhiều vết nứt có chiều dài khoảng 150m, taluy âm bên bờ sông Gâm cũng có các vết nứt với chiều dài 20m xuất hiện dọc theo Quốc lộ 34.

Trưởng thôn Pác Mìa, thị trấn Yên Phú Nguyễn Xuân Hồng cho biết: “Vết nứt rộng từ 20 – 70cm kéo dài hơn 200m trên taluy dương chạy dọc theo tuyến Quốc lộ 34 cùng dấu hiệu của sụt đất đồi khoảng 3m gây nguy hiểm cho gần 20 hộ dân. Trước nguy cơ sạt lở cao, nhất là trong những ngày mưa to kéo dài, với cương vị Trưởng thôn tôi đã cùng các lực lượng dân quân tự vệ, thanh niên trong thôn thường xuyên lên kiểm tra trực tiếp tại các vị trí có nguy cơ để kịp thời đưa ra những cảnh báo cho người dân cũng như báo cáo kịp thời lên cấp trên. Đồng thời, thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở bà con chỉ được kinh doanh, sản xuất, không được ngủ qua đêm nhất là những đêm mưa to, kéo dài”.

Không chỉ ở thị trấn Yên Phú, tại xã Yên Cường cũng xuất hiện những vết sụt, lún trên diện rộng tại khu vực đồi đất phía sau Trường Tiểu học và THCS xã Yên Cường. Qua thực tế nhận thấy: Khu đồi ngay sát bờ kè phía sau Trường Tiểu học và THCS xã Yên Cường do ảnh hưởng của những trận mưa lớn, kéo dài từ đầu năm 2024 đến nay, nhất là đợt mưa do hoàn lưu cơn bão số 3 gây ra đã xuất hiện vết sụt lún, nứt đất ở độ cao khoảng 25m, dài gần 100m. Hiện tại đã sạt khoảng 35m3 đất, đá vào nhà 2 tầng. Trước tình trạng trên, Ban Giám hiệu nhà trường đã khẩn trương di chuyển nhà lưu trú của hơn 300 học sinh bán trú phía chân bờ kè đến nơi an toàn và thường xuyên tuyên truyền, giáo dục học sinh không tụ tập, vui chơi phía chân bờ kè.

Khu đồi có nguy cơ sạt lở cao xuống Trường Tiểu học và THCS xã Yên Cường.

Khu đồi có nguy cơ sạt lở cao xuống Trường Tiểu học và THCS xã Yên Cường.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS xã Yên Cường Nguyễn Công Hoan cho biết: “Ngay khi phát hiện vết sạt, lún, nhà trường đã báo cáo với cấp ủy, chính quyền xã và khẩn trương di dời nhà lưu trú học sinh sát bờ kè. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo đến học sinh toàn trường. Tuy nhiên, đây mới chỉ là giải pháp tạm thời, để đảm bảo an toàn cho hơn 500 học sinh của trường vẫn rất cần có giải pháp căn cơ hơn để phòng tránh sạt lở”.

Trao đổi với chúng tôi về thực trạng nguy cơ sạt lở cao trên địa bàn huyện Bắc Mê, đồng chí Đỗ Nguyễn Quyết, Phó trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện cho biết: “Trước nguy cơ sạt lở, Phòng đã làm báo cáo và UBND huyện Bắc Mê đã có thông tin và đề nghị tỉnh xem xét quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai cũng như cơ quan các cấp bố trí vốn đầu tư xây dựng kè chống sạt lở tại các khu vực có nguy cơ. Đồng thời, cũng mời các sở, ngành chức năng tiến hành đánh giá mức độ ảnh hưởng, huy động lực lượng hỗ trợ các hộ sinh sống trong vùng nguy cơ bị sạt lở di dời đến nơi an toàn”.

Trước những diễn biến bất thường của khí hậu, thời tiết cực đoan như hiện nay, những kinh nghiệm thực tiễn từng đợt phòng, chống thiên tai qua các năm như: Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc kiên trì vận động những hộ dân đang sinh sống tại vùng có nguy cơ sạt lở cao di chuyển khỏi vùng có nguy cơ và kiên quyết di dời với những hộ cố tình không di chuyển là rất quan trọng và cần được triển khai, áp dụng phù hợp, nhất là đối với địa bàn có nguy cơ cao, nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản cho Nhân dân.

Bài, ảnh: Phi Anh

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202410/can-co-giai-phap-phong-chong-sat-lo-tai-mot-so-vung-co-nguy-co-o-bac-me-70b64d9/
Zalo