Cần có giải pháp căn cơ
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1-1-2025. Theo đó, tại Điều 42 bổ sung quy định: Xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ phải được kiểm định theo quy định của pháp luật. Việc kiểm định đối với môtô, xe gắn máy chỉ thực hiện đối với khí thải theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường được thực hiện tại các cơ sở kiểm định khí thải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Quy định mới nêu trên đã nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân trong cả nước, bởi vấn đề khí thải từ xe cơ giới, trong đó có môtô, xe gắn máy đang là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường trầm trọng trong đô thị, nhất là cử tri ở các thành phố lớn. Đây cũng là xu thế tất yếu, bắt buộc phải kiểm soát càng sớm càng tốt khí thải phương tiện cơ giới để bảo đảm các cam kết kiểm soát khí thải, ô nhiễm môi trường mà Việt Nam đã tham gia. Hơn nữa, nhiều nghiên cứu đã chỉ rõ, nếu người sử dụng xe thực hiện chế độ bảo dưỡng định kỳ theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất có thể kiểm soát tốt lượng khí thải, giảm mức tiêu hao nhiên liệu của phương tiện.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là việc tiến hành kiểm định thế nào để kiểm soát được khí thải xe môtô, xe gắn máy hiệu quả mà ít ảnh hưởng, không làm xáo trộn đời sống người dân? Để giải quyết vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, các bộ, ngành liên quan cần tham mưu Chính phủ các giải pháp khoa học và căn cơ. Trước hết là kiểm soát khí thải đối với xe máy mới sản xuất, lắp ráp trong nước cũng như nhập khẩu. Với các xe máy mới đạt chuẩn về phát thải sẽ từng bước thay thế xe cũ nát, hướng tới loại bỏ dòng xe đã “hết đát” và quá cũ. Khi đã hết thời hạn quy định để thanh lý dòng xe này thì bắt buộc không cho sử dụng trong các thành phố lớn.
Song song với kiểm soát khí thải các xe máy mới, việc tiếp theo là tiến hành kiểm định khí thải các xe đang lưu hành và yêu cầu phải có mức chất lượng khí thải ở ngưỡng nhất định mới được tham gia giao thông. Với các phương tiện có mức khí thải kém yêu cầu phải bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế các bộ phận, động cơ. Khi việc kiểm soát thực hiện hợp lý sẽ đạt được đích cuối cùng là kiểm soát được ô nhiễm môi trường do khí thải xe máy gây ra.
Để việc kiểm soát khí thải đạt hiệu quả cao, thì vấn đề quan trọng nhất là cơ quan quản lý chuyên ngành phải nghiên cứu, đánh giá và đưa ra ngưỡng phù hợp về chất lượng khí thải đối với xe máy đang sử dụng. Nếu đặt ra ngưỡng quá cao có thể dẫn đến nhiều phương tiện phải sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế phụ tùng và động cơ, gây khó khăn cho người dân, làm xáo trộn đời sống xã hội. Và khi đưa ra được ngưỡng khí thải chuẩn đối với xe máy thì cần có giải pháp tổ chức các trạm kiểm định khí thải. Muốn đáp ứng yêu cầu này, có thể thực hiện xã hội hóa bằng việc thu hút các doanh nghiệp tư nhân đầu tư. Các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng xe máy đạt yêu cầu cũng có thể tham gia thực hiện. Như vậy sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân, vì trước khi đo kiểm, chủ xe có thể bảo dưỡng hoặc nếu đo kiểm không đạt có thể được sửa chữa, khắc phục tại chỗ.
Cuối cùng là Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ người dân hoàn cảnh khó khăn khi chuyển đổi sang các "phương tiện xanh", sạch và phát triển mạng lưới giao thông công cộng để hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, nhất là xe máy. Bởi cả nước hiện có hơn 70 triệu xe máy, nếu không có giải pháp tổ chức thực hiện phù hợp cho việc kiểm định khí thải có thể dẫn tới ùn tắc, gây nhiều hệ lụy bất lợi cho xã hội và người dân.