Cần cơ chế đột phá cho phát triển nguồn điện đến 2030

Nếu không kịp thời tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy triển khai các dự án điện khí LNG, điện gió ngoài khơi, Việt Nam sẽ thiếu điện trong những năm tới. Vì vậy, cần có cơ chế đột phá cho phát triển nguồn điện. Việc xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi) hiện nay là một cơ hội cho cơ chế này.

Đó là nhận định chung được đưa ra tại Hội thảo “Cơ chế chính sách đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phát triển bền vững” do Hiệp hội năng lượng Việt Nam tổ chức ngày 20.9 tại Hà Nội.

Quy hoạch Điện VIII đặt mục tiêu nâng tổng công suất nguồn điện Việt Nam từ hơn 80.000 MW hiện nay lên gần gấp đôi 150.000 MW vào năm 2030. Tức là tăng thêm khoảng 70.000 MW trong 6 năm tới. Trong đó nhiệt điện than tăng thêm khoảng 6.000 MW, thủy điện khoảng 6.000 MW, điện khí LNG hơn 22.000 MW, điện gió ngoài khơi 6.000 MW, điện nhập khẩu khoảng 5000 MW và năng lượng tái tạo.

Các nguồn khả thi nhất hiện nay là thủy điện (chủ yếu là mở rộng các thủy điện lớn hiện hữu) sẽ vào hệ thống dự kiến từ 2026. Còn lại tất cả các nguồn khác như nhiệt điện than, khí LNG, điện gió ngoài khơi, điện tái tạo… đều đang bế tắc, khó có thể vào trước năm 2030 như Quy hoạch điện VIII đặt ra.

Để đảm bảo cung ứng điện cho đất nước giai đoạn tới, các chuyên gia kiến nghị, cần có cơ chế, chính sách đột phá cho phát triển nguồn điện được quy định trong Luật Điện lực (sửa đổi) và một số nghị quyết của Quốc hội để điều chỉnh các luật khác có liên quan. Đồng thời, cần nhìn nhận các dự án này thuộc loại “quan trọng, ưu tiên, cấp bách” với an ninh năng lượng quốc gia, được thực hiện với hình thức thí điểm, sau đó rút kinh nghiệm để chọn hình thức phù hợp cho các dự án tiếp theo.

Xuân Tiến - Đức Minh

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/can-co-che-dot-pha-cho-phat-trien-nguon-dien-den-2030-236841.htm
Zalo