Cần cơ chế đặc thù để Thành phố Huế đi đầu trong đổi mới sáng tạo

Trong buổi thảo luận Tổ sáng 31/10, tán thành với việc thành lập Thành phố Huế trực thuộc Trung ương, song nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, với những đặc thù riêng có của mình, Huế cần có chính sách, cơ chế đột phá để không chỉ gìn giữ di sản và phát huy bản sắc văn hóa mà còn đi đầu trong đổi mới sáng tạo.

Nếu Nghị quyết được Quốc hội thông qua, Huế sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đầu tiên có đường biên giới khi có huyện A Lưới giáp Lào. Trước những điều kiện riêng có của Huế, các đại biểu đề nghị cần có sự quan tâm, bố trí nguồn lực cho địa phương này.

Di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế là 2 yếu tố quyết định để đưa Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Dự kiến vốn đầu tư cho các chương trình, dự án ưu tiên thời kỳ 2021 - 2030 liên quan trực tiếp đến Đề án Thành lập Thành phố Huế trực thuộc Trung ương, khoảng 65.000 - 70.000 tỷ đồng cho các nhóm chương trình, dự án về hạ tầng văn hóa, theo các đại biểu là chưa đủ.

Theo đại biểu Thạch Phước Bình, việc trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đòi hỏi Huế phải đề ra chiến lược quản lý và phát triển đô thị hiệu quả, tránh tình trạng phát triển đô thị gây ảnh hưởng đến các khu vực di sản, mất đi giá trị văn hóa đặc thù của Huế.

Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, Huế xứng đáng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và dự kiến sẽ là cực tăng trưởng, đi đầu trong đổi mới sáng tạo.

Việc thành lập Thành phố Huế trực thuộc Trung ương không chỉ là sự chuyển dịch về không gian đô thị mà còn tạo lập không gian kinh tế, động lực phát triển mới cho địa phương, do đó, các đại biểu cho rằng, ngay sau khi thành lập, Huế cần nhanh chóng thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp, giải quyết vấn đề việc làm, tạo sinh kế cho người dân.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/can-co-che-dac-thu-de-thanh-pho-hue-di-dau-trong-doi-moi-sang-tao-241473.htm
Zalo