Cần có bước đưa võ cổ truyền Việt Nam đến với các quốc gia Đông Nam Á
Với rất nhiều chuyến đi dạy võ và tìm hiểu võ thuật ở nước ngoài trong nhiều năm nay, Đại võ sư Trương Văn Bảo nhận xét rằng, trong khi nhiều quốc gia ở châu Âu và châu Phi có các võ đường võ cổ truyền Việt Nam với lượng môn sinh rất đông đảo thì môn võ truyền thống của người Việt này dường như vẫn còn khá xa lạ với các nước trong vùng Đông Nam Á.

Đại võ sư Trương Văn Bảo (áo đen, đứng giữa) tại võ đường Vovinam Ouagadougou, Burkina Faso, châu Phi
• NHỮNG VÕ ĐƯỜNG VIỆT Ở TRỜI TÂY
Cao 1,75 m, nặng trên 90 kg, dù đã 75 tuổi nhưng Đại võ sư Trương Văn Bảo - Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Lâm Đồng, vẫn rất khỏe và vẫn tiếp tục có những chuyến đi dạy võ lẫn tìm hiểu về võ thuật tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có các nước tại châu Âu, châu Phi lẫn các quốc gia trong vùng Đông Nam Á. “Vẫn đủ sức để đi đây đi đó”, ông tươi cười khi đưa rất nhiều tấm ảnh kỷ niệm các chuyến đi cho tôi xem. “Có người bảo tôi có ngôi sao Thiên Di chiếu mệnh trong tử vi nên được đi nhiều nơi, nhưng tôi cho rằng đời mình cũng có phần may mắn”, ông nói.
Đại võ sư Trương Văn Bảo sinh năm 1950 tại Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh hiện nay), lúc 2 tuổi, cả nhà ông chuyển lên Đà Lạt sinh sống nên ông luôn coi mình là một người con của đất Đà Lạt. Ông học võ ta (võ cổ truyền Việt Nam) từ lúc 8 tuổi với một võ sư Đà Lạt và môn võ truyền thống của cha ông người Việt này vẫn luôn tuôn chảy trong trái tim ông từ đó đến nay. Dù sau này, khi có cơ hội học thêm rất nhiều môn võ khác từ nước ngoài du nhập vào Việt Nam như: quyền Anh, nhu đạo (Judo), không thủ đạo (karatedo), nhu thuật (Jujitsu), thái cực đạo (taekwondo) hay thiếu lâm Phật gia quyền… nhưng tất cả những môn võ này ông coi như cơ hội để mình mở rộng tầm nhìn, giúp ông có dịp nhìn lại võ thuật của cha ông mình, để ông bổ sung phát huy được những ưu điểm của võ cổ truyền Việt, hạn chế hay khắc phục những điểm khiếm khuyết còn sót lại trong lúc dạy võ.
Điểm “may mắn” như cách ông nói chính là việc ông được học và sử dụng thành thạo tiếng Anh trong thời học đại học lúc còn trẻ. Tiếng Anh lâu nay với ông chính là một phương tiện rất tốt dùng để dạy võ Việt cho các môn sinh người nước ngoài khi ông là Phó Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam. Cho đến nay, dù ông không còn làm việc trong Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam nữa nhưng những học viên, môn sinh, các võ sư thụ giáo với ông, được ông dạy tại nhiều nước trên thế giới vẫn giữ liên lạc với ông, hằng năm vẫn tài trợ mời ông sang các nước này tập huấn, dạy võ, bổ sung kiến thức về võ Việt. Trong các dịp hè hằng năm, họ cũng thường xuyên bay sang Việt Nam, đến Đà Lạt để thụ giáo với ông qua các khóa học ngắn hạn, chừng vài tuần hay chừng hơn tháng tại võ đường Trần Hưng Đạo ngay tại nhà riêng ông.
Như những năm vừa qua, Đại võ sư Trương Văn Bảo đã có nhiều chuyến đi dạy võ như vậy, sang Pháp, sang Italia, Bồ Đào Nha, qua các quốc gia châu Phi như Algeria, Morocco, Tunisia, Burkina Faso, Bờ Biển Ngà (Cote d’Ivoire). Tại châu Âu, có rất nhiều võ đường võ cổ truyền Việt Nam với một lượng học viên khá đông, mỗi võ đường như vậy chừng vài chục người tập luyện, có các võ sư người Việt lẫn người bản xứ phụ trách. Tại châu Phi cũng có các võ đường võ cổ truyền hoạt động, lúc đầu do các võ sư học từ Pháp hay Italia về mở, sau này, các võ đường này phát triển rất nhanh với lượng học viên rất đông, cả nam lẫn nữ, nhiều lứa tuổi đăng ký tập luyện với huấn luyện viên hay võ sư người bản xứ. “Các nước như Pháp và Ý hay cả vùng Bắc Phi cũng có rất nhiều võ đường các môn phái khác như: quyền Anh, karate, judo, taekwondo hay võ thiếu lâm, tuy nhiên võ cổ truyền Việt cũng được rất nhiều người chọn vì họ biết về Việt Nam, biết truyền thống chiến đấu kiên cường của người Việt để bảo vệ tự do, độc lập cho đất nước, họ thích tính thực chiến của võ Việt với các đòn đánh nhanh, đơn giản nhưng hiệu quả. Nét chung của phần lớn các nước tại châu Âu và châu Phi là không có một tổ chức võ cổ truyền Việt thống nhất, dù là cùng võ cổ truyền Việt Nam nhưng các võ đường thường vận hành theo các môn phái khác nhau tùy theo người thầy dạy”, Đại võ sư Trương Văn Bảo cho biết.
• “MUA LÁNG GIỀNG GẦN”
Là Trưởng Ban Văn hóa võ thuật cổ truyền Việt Nam thuộc Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển Văn hóa Đông Nam Á trong những năm gần đây, Đại võ sư Trương Văn Bảo cũng có dịp đến nhiều quốc gia trong vùng Đông Nam Á hằng năm để tìm hiểu, nghiên cứu về võ thuật của các nước. Có một điểm đáng suy nghĩ mà ông muốn chia sẻ với tôi, đó chính là việc các môn võ dân tộc của nhiều quốc gia trong vùng đã có mặt tại Việt Nam, trong khi võ cổ truyền Việt rất ít người trong các quốc gia vùng Đông Nam Á biết đến. “Chẳng hạn như môn Muay Thái của Thái Lan hiện khá phổ biến ở Việt Nam, từng có các võ đường hoạt động tại Lâm Đồng - Đà Lạt. Còn khi đi các nước Đông Nam Á, nếu có biết đến võ Việt, nhiều người biết đến vovinam nhiều hơn là biết võ vổ truyền Việt”, ông nói.
Tại Việt Nam hiện nay, cùng với Muay Thái khá nổi tiếng, có nhiều môn võ dân tộc các quốc gia khác cũng được tập luyện, học, thi đấu tại Việt Nam thông qua cánh cửa Đại hội Thể thao Đông Nam Á. Chẳng hạn như môn pencak silat của Indonesia và Malaysia; môn võ bokator và kun khmer của Cambodia; môn muay Lào; môn arnis của Phillipines hay môn võ lethwei của Myanmar. Thực chất, như Đại võ sư Trương Văn Bảo nhận xét, các môn võ dân tộc của các quốc gia trong vùng Đông Nam Á này trong tổng thể đều có những nét khá tương đồng với nhau, các đòn tay, đòn chân đều có kỹ thuật thi đấu khá giống nhau, chỉ khác nhau chính ở luật thi đấu.
Như võ sĩ, vận động viên, huấn luyện viên chuyên nghiệp Nguyễn Trần Duy Nhất (sinh 1989) xuất thân từ Lâm Đồng, rất nổi tiếng tại Việt Nam với muay Thái và đấu trường ONE Championship hiện nay, muay Thái cũng gần giống với môn võ cổ truyền Việt Nam mà anh học từ cha mẹ của mình từ nhỏ. Cha của võ sĩ này là võ sư Nguyễn Trần Diệu với võ đường Tấn Gia Quyền đang hoạt động rất tốt hiện nay tại thị trấn Cát Tiên, Đạ Huoai; mẹ anh cũng là một võ sĩ. Trên cái nền của võ cổ truyền Việt đó, Nguyễn Trần Duy Nhất đã học hỏi và thành danh trên đấu trường quốc tế. Hiện võ sĩ này không chỉ thi đấu, dạy muay Thái mà chơi cả luôn môn kun Khmer của Cambodia và lethwei của Myanmar (với đấu trường World Lethwei Championship).
Như Đại võ sư Trương Văn Bảo nhận xét, đã đến lúc võ cổ truyền Việt Nam cần có tiếng nói và vị trí tốt hơn trong vùng Đông Nam Á. “Mỗi dân tộc đều có bản sắc riêng của mình. Võ cổ truyền Việt đã có hằng ngàn năm tồn tại, ghi dấu ấn đậm nét trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của người Việt qua biết bao thế hệ. Chính vì vậy, rất cần sự hỗ trợ và chỉ đạo của Nhà nước, thông qua Ủy ban Olympic quốc gia để làm việc với các Ủy ban Olympic quốc gia các nước Đông Nam Á nhằm có bước phổ biến rộng hơn môn võ cổ truyền Việt Nam đến với các quốc gia láng giềng gần của mình”.