Cần có bộ quy tắc trách nhiệm giám sát của nhà đầu tư tổ chức
Sự hiện diện ngày càng gia tăng của nhà đầu tư tổ chức trên thị trường vốn Việt Nam, đặc biệt dự kiến sau khi thị trường chứng khoán được nâng hạng sẽ đặt ra nhiều thách thức cho các công ty có nhu cầu huy động vốn cổ phần.
Vai trò quan trọng của nhà đầu tư tổ chức
Theo báo cáo của MSCI về xu hướng vốn, tỷ lệ của dòng vốn đầu tư vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương của các nhà đầu tư tổ chức trong quý III/2024 đã tăng lên 53% so với mức 45% ở quý liền trước. Các nhà đầu tư tổ chức này ngoài vai trò là nhà cung cấp vốn, họ còn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy những thay đổi trong quản trị công ty, hướng tới một môi trường kinh doanh minh bạch và bền vững hơn.
Để có thể thực thi vai trò giám sát, nhà đầu tư tổ chức liên tục theo dõi và đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhằm bảo vệ quyền lợi cổ đông. Họ không chỉ yêu cầu doanh nghiệp đạt hiệu quả cao hơn, mà còn phải tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về minh bạch và trách nhiệm. Chính sự xuất hiện của các nhà đầu tư tổ chức là động lực chính giúp nâng cao chất lượng quản trị tại các doanh nghiệp. Họ kỳ vọng các doanh nghiệp được rót vốn sẽ đảm bảo hiệu quả trong việc quản lý rủi ro, đặc biệt là rủi ro tài chính và các yếu tố liên quan đến môi trường, xã hội và quản trị (ESG).
Trước khi quyết định đầu tư, tổ chức đầu tư tiến hành thẩm định chi tiết về mọi khía cạnh của doanh nghiệp, bao gồm tình hình tài chính, chiến lược kinh doanh, năng lực quản trị và tình hình thực thi ESG của doanh nghiệp dựa trên các bộ tiêu chí mà họ đã thiết lập sẵn để lựa chọn ra doanh nghiệp có tiềm năng và trách nhiệm.
Trong suốt quá trình đầu tư, nhà đầu tư tổ chức không dừng lại ở vai trò cổ đông thụ động, mà thường xuyên tham gia vào các hoạt động quản trị. Họ có thể cử thành viên đại diện tham gia trực tiếp vào hội đồng quản trị hoặc các ủy ban trực thuộc có vai trò giám sát, tích cực đưa ra các ý kiến về chiến lược phát triển, quản trị rủi ro và đảm bảo doanh nghiệp tuân thủ các cam kết với cổ đông. Ngoài ra, họ đặt ra các mục tiêu cụ thể để doanh nghiệp cải thiện hiệu quả hoạt động, tăng cường minh bạch và tuân thủ các quy định pháp lý và phát triển bền vững.
Tại Malaysia, Quỹ đầu tư Khazanah Nasional luôn giám sát các khoản đầu tư để đảm bảo tuân thủ theo 3 bộ nguyên tắc: “Các tuyên bố về chính sách đầu tư”, “Chính sách đầu tư bền vững” và “Kỳ vọng của cổ đông và quản lý đầu tư”. Trong đó, một nguyên tắc nêu rõ, nếu doanh nghiệp được Khazanah Nasional đầu tư gặp phải vấn đề quản trị nói chung hoặc vấn đề về ESG, Quỹ sẽ thông qua quyền sở hữu của mình hoặc các hình thức can thiệp/tham gia khác trong phạm vi có thể được quy định trong điều lệ công ty hoặc các luật sở tại có liên quan đến quyền cổ đông để tác động đến hội đồng quản trị và ban điều hành doanh nghiệp, nhằm xây dựng và thực hiện các kế hoạch cải thiện và áp dụng các biện pháp khắc phục. Điều này không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi cổ đông, mà còn thúc đẩy doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị và uy tín trên thị trường.
Mặc dù có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quản trị công ty, các nhà đầu tư tổ chức cũng đối mặt với không ít thách thức. Một trong những khó khăn lớn nhất là việc thiếu thông tin hoặc thông tin kém minh bạch từ phía doanh nghiệp. Đặc biệt, tại các thị trường cận biên như Việt Nam, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa xây dựng được quy trình và hệ thống công bố thông tin đầy đủ và đáng tin cậy, dẫn đến việc nhà đầu tư gặp khó khăn khi giám sát.
Các nhà đầu tư tổ chức còn phải đối mặt với xung đột lợi ích giữa việc đạt được lợi nhuận ngắn hạn và duy trì sự phát triển dài hạn cho doanh nghiệp, trước áp lực tối đa hóa lợi nhuận nhanh chóng mà đánh đổi với các chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các bộ quy tắc trách nhiệm giám sát của các quỹ đầu tư tại một số quốc gia ASEAN vẫn chưa được xây dựng, chưa thúc đẩy hầu hết các quỹ đầu tư hành động có trách nhiệm và tích cực.
Ví dụ, tại Indonesia là nơi chưa có bộ quy tắc trách nhiệm giám sát, mặc dù các doanh nghiệp lớn đã áp dụng khá tốt các tiêu chuẩn quản trị tốt, nhưng nhiều doanh nghiệp nhỏ vẫn chưa thực sự cam kết thực hiện, gây trở ngại lớn cho các nhà đầu tư trong việc quản lý và đánh giá hiệu quả đầu tư.
Việt Nam cũng nằm trong danh sách các thị trường chưa có bộ quy tắc trách nhiệm giám sát cho các quỹ đầu tư.
Thực hành trách nhiệm nhà đầu tư tổ chức tại các thị trường ASEAN
Ông Wira Ismitz Matthew De Alwis, Phó chủ tịch Ủy ban Nhà đầu tư tổ chức Malaysia
Chúng tôi tự hào là thị trường xây dựng Bộ quy tắc ứng xử dành cho các nhà đầu tư tổ chức sớm nhất trong khu vực ASEAN. Kể từ khi có Bộ quy tắc vào năm 2014, chúng tôi nhận thấy sự chuyển biến sâu sắc về chất lượng quản trị tại các doanh nghiệp Malaysia. Chúng tôi tự hào vì các quỹ đầu tư, công ty quản lý tài sản, các quỹ bảo hiểm, quỹ hưu trí tại thị trường Malaysia với tổng giá trị tài sản nắm giữ là hơn 520 tỷ USD (chiếm hơn 65% giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán Malaysia) đã ủng hộ, ký cam kết áp dụng chung Bộ quy tắc này.
(Trích phát biểu tại Diễn đàn Bộ quy tắc trách nhiệm giám sát, Quản trị công ty và Phát triển bền vững, Hà Nội tháng 12/2024)
Mạng lưới Quản trị công ty quốc tế (ICGN) đã đưa ra Các nguyên tắc quản lý đầu tư toàn cầu (The Global Stewardship Code), cung cấp một khung trách nhiệm và nghĩa vụ ủy thác của các nhà đầu tư tổ chức trong việc đảm bảo quyền lợi cổ đông và thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp thông qua việc xem xét và triển khai các chiến lược, chính sách, quy trình và thực hành quản lý. Theo đó, nhà đầu tư tổ chức cần tham gia tích cực vào quản trị công ty, không chỉ với vai trò giám sát mà còn là người đồng hành thúc đẩy cải thiện các chuẩn mực quản trị và quản lý rủi ro.
Trong khu vực ASEAN, các nhà đầu tư tổ chức đã triển khai nhiều thực hành tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp và bảo vệ quyền lợi cổ đông. Tại Malaysia, các quỹ đầu tư thường yêu cầu doanh nghiệp thực hiện báo cáo tích hợp, kết hợp các yếu tố tài chính và phi tài chính để cung cấp cái nhìn toàn diện về hoạt động kinh doanh. Điều này được nhìn thấy rất rõ sau khi Malaysia ban hành Bộ quy tắc ứng xử dành cho các nhà đầu tư tổ chức của Malaysia (MCII).
Tại Singapore, các quỹ đầu tư được khuyến khích cam kết áp dụng Bộ nguyên tắc quản lý đầu tư của Singapore dành cho nhà đầu tư trách nhiệm (SSP) năm 2016. Điều này đã tạo nên một môi trường kinh doanh minh bạch, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế.
Tại Thái Lan, nhiều nhà đầu tư tổ chức đã tích hợp các yếu tố ESG vào quá trình ra quyết định đầu tư, đặc biệt sau khi Thái Lan có Bộ quy tắc đối với nhà đầu tư tổ chức (I-code) vào năm 2016.
Với Việt Nam, các quỹ đầu tư có trách nhiệm dần cho thấy vai trò tác động đáng kể đến định hướng minh bạch hóa thị trường. Các tổ chức đầu tư như Vietnam Holding và Dragon Capital tích hợp các khung ESG vào các chiến lược lựa chọn danh mục đầu tư để đảm bảo tính bền vững lâu dài, giảm thiểu các rủi ro đầu tư và đặt ra các yêu cầu minh bạch thông tin về ESG. Các nhà đầu tư tổ chức cũng áp dụng ngày càng nhiều các nguyên tắc đầu tư có trách nhiệm (PRI) của Liên hiệp quốc, nhằm hướng tới các hoạt động đầu tư có trách nhiệm và bền vững.
Trước dự báo sẽ có sự gia tăng áp lực từ các nhà đầu tư tổ chức tại thị trường vốn của Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng nâng cao năng lực quản trị để sẵn sàng thích nghi với một thị trường có đòi hỏi cao hơn nhiều về minh bạch và bền vững.