Cần chú trọng đầu tư cho công tác dạy nghề
Quan điểm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước là đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển KT-XH với kỳ vọng đến năm 2035, nước ta sẽ trở thành nước công nghiệp, đến năm 2045 là nước công nghiệp hiện đại. Để góp phần đạt được mục tiêu trên, giáo dục nghề nghiệp có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Để đáp ứng được nguồn nhân lực chất lượng, chuyên môn cao, các cơ sở dạy nghề cần phải có thiết bị hiện đại, đồng bộ và giáo viên giỏi. Tại Quảng Trị, đa số các cơ sở dạy nghề đều gặp khó khăn về những vấn đề này.
Những năm qua, hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh có bước phát triển về quy mô và chất lượng, cơ cấu nghề đào tạo được mở dần theo nhu cầu thực tế của xã hội. Cùng với việc đào tạo các nghề phục vụ khu kinh tế, các cơ sở đã đào tạo nghề phục vụ cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn và giải quyết việc làm cho người lao động theo các nghị quyết, chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về cơ cấu lại ngành nông nghiệp của địa phương. Một số cơ sở dạy nghề đã được đầu tư thiết bị hiện đại để dạy nghề.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định: “Phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển” được xem là một trong những chương trình, dự án trọng điểm của tỉnh, đòi hỏi cần có định hướng đúng đắn, giải pháp đồng bộ, sát thực tiễn với dạy nghề. Mục tiêu chung được đề ra là phát triển nhanh giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển.
Muốn làm được mục tiêu này, ít nhất phải thực hiện được 2 giải pháp phát triển giáo dục nghề nghiệp được xác định có tính đột phá. Đó là hiện đại hóa cơ sở vật chất thiết bị dạy nghề; chú trọng phát triển đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong giáo dục nghề nghiệp.
Đối chiếu 2 giải pháp đột phá này vào thực tế hệ thống mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh còn rất mỏng. Toàn tỉnh có 19 cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp nhưng chỉ có 6 cơ sở thực hiện chuyên về đào tạo nghề, gồm: Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quảng Trị, Trường Cao đẳng y tế, Trường Trung cấp Mai Lĩnh và 3 cơ sở chỉ đào tạo lái xe: Trung cấp nghề Giao thông vận tải, Trung cấp nghề Asean và Trung tâm giáo dục nghề nghiệp Mạnh Linh. Ngoài ra còn có 9 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện, hoạt động theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo có tham gia đào tạo nghề và 4 doanh nghiệp, cơ sở khác được cấp phép đào tạo nghề.
Bà Lê Thị Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Vĩnh Linh chia sẻ: Trung tâm thường xuyên liên kết với các trường cao đẳng nghề mở nhiều lớp học nghề. Tuy nhiên các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục nghề nghiệp đang còn nhiều hạn chế như thiếu phòng học, thiếu thiết bị dạy học hiện đại. Đơn cử như nghề công nghệ ô tô, công nghệ thông tin cần thiết bị máy móc hiện đại nhưng trung tâm chưa đáp ứng được, dẫn đến học viên còn đắn đo khi có nguyện vọng đăng ký học nghề tại đơn vị.
Số lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục chưa nhiều, các ngành nghề đào tạo còn hạn chế và chênh lệch về trình độ tuyển sinh đào tạo, chưa có sự phối hợp chặt chẽ trong xây dựng chương trình riêng cho doanh nghiệp, chỉ đào tạo dựa trên các chương trình sẵn có của đơn vị. Nhiều cơ sở chưa phối hợp xây dựng tiêu chuẩn đầu ra làm cơ sở tuyển dụng lao động sau khi tốt nghiệp...
Tìm hiểu các cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp của tỉnh cho thấy hai nội dung đang gặp khó khăn nhất là trang thiết bị đảm bảo cho dạy nghề và giáo viên có tay nghề giỏi. Đa số các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh đều được đầu tư máy móc thiêt bị nhưng đã quá lạc hậu, không đáp ứng kịp yêu cầu dạy nghề trong tình hình mới.
Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quảng Trị là đơn vị đào tạo nghề lớn nhất tỉnh nhưng máy móc thiết bị dạy học đã được đầu tư quá lâu dẫn đến lạc hậu; hằng năm do không có vốn nên trường bổ sung đầu tư nhỏ giọt, dẫn đến thiếu đồng bộ.
Xoay xở với thực tế này, nhà trường liên kết đưa học sinh đến doanh nghiệp để đào tạo, nhưng doanh nghiệp ở Quảng Trị đa số nhỏ và siêu nhỏ nên máy móc lạc hậu nên phải đưa học sinh ra ngoài tỉnh để liên kết đào tạo thực hành. Nếu trường muốn mở đào tạo nghề mới phù hợp với yêu cầu xã hội thì điều kiện đầu tiên phải có thiết bị, do vốn đầu tư không có nên chưa đáp ứng được yêu cầu.
Đội ngũ giáo viên, giảng viên dạy nghề của tỉnh không ngừng phát triển về số lượng, chất lượng với 300 nhà giáo. Nhưng thực tế giáo viên có tay nghề vượt trội, giáo viên giỏi để dạy nghề đang thiếu nhiều, nên các cơ sở phải mời thỉnh giảng.
Hiện trong xã hội có rất nhiều nghệ nhân, chuyên gia có tay nghề cao, sẵn sàng phối hợp với nhà trường, các cơ sở đào tạo nghề cho học viên.
Song theo quy định, người dạy nghề phải có chứng chỉ nghiệp vụ mới được dạy, trong lúc những người này tích lũy nghề qua kinh nghiệm thực tiễn, chưa có chứng chỉ được đào tạo, nên xã hội chưa tận dụng được nguồn lực đặc biệt này.
Để góp phần giải quyết được những khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy công tác dạy nghề đáp ứng yêu cầu mới, cần kêu gọi các nguồn vốn trong và ngoài nước đầu tư cơ sở, thiết bị hiện đại, đồng bộ cho các cơ sở dạy nghề được xác định quan trọng nhất. Cùng với đó, cần có cơ chế mở, kịp thời và phù hợp để các chuyên gia, nghệ nhân được tham gia dạy nghề, trao truyền kinh nghiệm nghề.
Địa phương cần ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục dạy nghề với các quy định về tổ chức, tài chính, thuế, phúc lợi xã hội, gắn kết với cơ sở đào tạo.
Đổi mới công tác quản lý nhà nước phù hợp với yêu cầu mới của dạy nghề và hành nghề. Tăng quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động về quy mô đào tạo, hình thức tuyển sinh, xây dựng chương trình đào tạo, thu chi nguồn tài chính.
Đồng thời khuyến khích cạnh tranh giữa các cơ sở giáo dục dạy nghề để tăng động lực phát triển về chất lượng sản phẩm đào tạo, uy tín cũng như hình ảnh, thương hiệu.