Cần chú trọng an toàn khi du lịch đường sông

Mặc dù có thế mạnh rất lớn nhưng đến nay, du lịch đường sông ở Việt Nam được đánh giá là phát triển chậm, chưa tương xứng với tiềm năng. Hiện chưa có nhiều tour du lịch đường sông được khai thác hiệu quả và không ít tour có rất ít khách du lịch, thậm chí có thể phải dừng khai thác. Vấn đề an toàn đường sông cũng khiến một số du khách lo ngại.

Cần có một đề án phát triển tổng thể du lịch đường sông. (Ảnh: Hoàng Tuyết)

Cần có một đề án phát triển tổng thể du lịch đường sông. (Ảnh: Hoàng Tuyết)

Cần có một đề án phát triển tổng thể du lịch đường sông

Việt Nam có mạng lưới sông ngòi phong phú, trải dài từ miền Bắc đến miền Nam, tạo nên những tuyến du lịch đường sông đa dạng và độc đáo. Hơn 2.360 con sông lớn nhỏ với tổng chiều dài khoảng 41.900km là thực tế cho thấy Việt Nam có rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch đường sông. Tại Hội thảo “Phát triển du lịch đường sông ở Việt Nam: Định hướng và giải pháp” do Viện Nghiên cứu phát triển du lịch tổ chức tại Hà Nội, PGS. TS Bùi Thanh Thủy - Trưởng Khoa Du lịch (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) nhận định, tài nguyên sông nước của Việt Nam gắn với truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời, cần được nhìn nhận, đánh giá để khai thác đúng hướng, phục vụ cho phát triển kinh tế và du lịch. Theo đó, Việt Nam được gọi là một quốc gia của sông nước và có rất nhiều địa phương nằm trong vùng sông nước. Ngoài ra, chúng ta có rất nhiều dòng sông gắn với các câu chuyện lịch sử, sản sinh ra những giá trị văn hóa của nhiều cộng đồng dân cư sống ven sông. Chúng ta cũng đã biết, dòng sông là một trong những con đường giao thương huyết mạch của người Việt Nam trong suốt nhiều triều đại lịch sử nên còn bảo lưu rất nhiều dấu tích của lịch sử Việt Nam.

Theo đánh giá của các chuyên gia du lịch, hiện nay, du lịch đường sông đã nổi lên như một trong các loại hình du lịch quan trọng của ngành du lịch toàn cầu, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, làm phong phú thêm các loại hình du lịch, từ du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm đến du lịch lịch sử và văn hóa thông qua trải nghiệm vẻ đẹp của thiên nhiên, hệ sinh thái và hệ thống di sản văn hóa ven sông. Việc phát triển du lịch đường sông góp phần thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng, như cảng du lịch, bến tàu và các khu vực xung quanh. Bên cạnh những đóng góp về kinh tế và văn hóa, bằng cách thúc đẩy các hoạt động du lịch có trách nhiệm, du lịch đường sông có thể góp phần bảo tồn các hệ sinh thái quan trọng dưới nước và quản lý bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Mặc dù có thế mạnh rất lớn nhưng đến nay, du lịch đường sông ở Việt Nam được đánh giá là phát triển chậm, chưa tương xứng với tiềm năng. Một số nguyên nhân chính cản trở sự phát triển du lịch đường sông có thể được nhận định: Hạ tầng giao thông đường thủy còn yếu kém; Hạ tầng du lịch còn nhiều hạn chế; Vấn đề ô nhiễm môi trường; Chưa có chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch đường sông một cách đồng bộ; Thiếu sự liên kết giữa các địa phương trong phát triển du lịch đường sông và công tác xúc tiến, quảng bá và xây dựng thương hiệu còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, công tác bảo tồn các giá trị tài nguyên du lịch còn nhiều bất cập, nhiều khu vực sông nước có giá trị văn hóa, lịch sử và sinh thái nhưng chưa được bảo tồn và quản lý đúng mức.

Việc khai thác quá mức các tài nguyên du lịch mà không chú trọng đến bảo vệ môi trường đã dẫn đến tình trạng suy thoái tài nguyên, ảnh hưởng đến tiềm năng phát triển bền vững. Trước những khó khăn, bất cập còn tồn tại, theo Tiến sĩ Lê Văn Minh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển du lịch Việt cần phải có ngay giải pháp khắc phục những vấn đề này: “Điểm nghẽn đầu tiên là chúng ta phải có hoạch định, chiến lược, qui hoạch để xác định tuyến đường sông nào chúng ta khai thác được. Việc thứ hai là chúng ta phải đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng, các bến bãi vì nếu thiếu hạ tầng này thì chắc chắn là không phát triển được, gây khó khăn cho khách du lịch cũng như các nhà đầu tư kinh doanh đi vào khai thác đường sông. Đấy là hai vấn đề rất quan trọng”.

Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch) nhận định: “Hiện nay rất cần có một đề án phát triển tổng thể du lịch đường sông có thể gọi rộng hơn nữa là du lịch thủy nội địa bao gồm sông, hồ, biển trong khu vực nội địa, để mà thúc đẩy, khai thác được những tiềm năng, lợi thế lớn của loại hình này. Cấp thiết phải có một đề án. Trên cơ sở đề án đấy sẽ đề xuất những cơ chế, chính sách với Chính phủ và các Bộ, ngành để tạo nên một cơ chế, chính sách đồng bộ cho loại hình này”.

Du khách mặc áo phao để có trải nghiệm tour du lịch đường sông an toàn. (Ảnh : Bảo Châu)

Du khách mặc áo phao để có trải nghiệm tour du lịch đường sông an toàn. (Ảnh : Bảo Châu)

Mặc áo phao để chuyến đi an toàn

Một vấn đề du khách lo ngại đó là sự an toàn khi trải nghiệm du lịch đường sông. Clip khách rơi xuống sông, không mặc áo phao được tài khoản mạng xã hội chia sẻ ngày 16/2/2025 tại Trung tâm đặc sản miền Tây Khởi My - một nhà bè bán hàng đặc sản ở chợ nổi Cái Răng (TP Cần Thơ). Theo cảnh ghi trong clip, thời điểm đó khu vực nhà bè rất nhốn nháo, nhiều người trên bè hỗ trợ kéo những người rơi xuống sông lên bờ, trên các thuyền khác nhân viên nhà tàu ném áo phao xuống cho khách. Đại diện Sở VH,TT&DL Cần Thơ cho biết: “Ngay sau khi vụ việc xảy ra, đơn vị đã vào cuộc xác minh. Nguyên nhân dẫn đến vụ việc trên được xác định là do khách sau khi tham quan cửa hàng đặc sản đã đi xuống tàu một lượt quá đông. Bến tàu không chịu được sức nặng nên đã bị sụp, khiến nhiều hành khách rớt xuống sông. Lúc này các hành khách không mặc áo phao”. Sự việc mất an toàn này khiến nhiều du khách rơi xuống sông là rất đáng tiếc, vì ít nhiều ảnh hưởng tới hình ảnh du lịch TP Cần Thơ.

Trước đó, khoảng 8h50 ngày 5/2/2023, phương tiện chở 12 người di chuyển từ hướng chùa Phước Long (thuộc cù lao Bà Sang, TP HCM) đến bến đò Xưa (phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) để trả khách. Phương tiện rời bến và cách chùa Phước Long khoảng 60m thì xảy ra va chạm với phương tiện chở container trọng tải hơn 2.000 tấn đi từ hướng hạ lưu lên cảng Đồng Nai giao hàng hóa. Vụ va chạm khiến một người phụ nữ tử vong.

Ngày 21/3/2009, vụ tai nạn lật ghe máy chở khách du lịch tham quan trên sông Cần Thơ làm 2 người chết đuối. Cụ thể, vào lúc gần 8 giờ sáng, tại khu vực chợ nổi Cái Răng thuộc phường An Bình, quận Ninh Kiều. Chiếc ghe máy do ông Hồ Trung Nam (ngụ tại phường Phú Thứ, quận Cái Răng) điều khiển chở 12 khách du lịch (gồm 9 du khách người Pháp, 2 Việt kiều và 1 phiên dịch) đã va chạm với sà lan. Ghe máy bị lật chìm làm chết 2 người là Lê Văn Khôi, sinh năm 1949, Việt kiều tại Mỹ và phiên dịch Nguyễn Hữu Quân, sinh năm 1969 (TP Hồ Chí Minh). 10 người khác cùng đi trên ghe máy được người dân địa phương cứu sống. Khi xảy ra tai nạn, tất cả khách trên ghe đều không mặc áo phao. Theo cơ quan điều tra, tài công ghe máy Hồ Trung Nam có bằng thuyền trưởng, nhưng phương tiện chở khách không có đủ điều kiện chở khách, không đăng ký, đăng kiểm, không trang bị phao cứu sinh.

Trước đó, một vụ chìm tàu Thảo Vân 2 vào năm 2016. Theo đó, gần 21h tối ngày 4/6 tàu du lịch tên Thảo Vân mang số hiệu ĐNa - 0016 đi từ hướng cầu Thuận Phước về Cầu Quay sông Hàn (Đà Nẵng) rồi bị lật. Khoảng 10 người trên tàu biết bơi ngoi được ra ngoài, số còn lại được lực lượng chức năng và các tàu du lịch cứu đưa lên bờ, chuyển vào bệnh viện cấp cứu. Riêng 2 em nhỏ và 1 người đàn ông mất tích. Chiều 5/6, thi thể 3 nạn nhân mất tích đã được tìm thấy.

Thời gian qua, các cơ quan chức năng thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở, vận động hành khách đi trên các phương tiện đường thủy phải mặc áo phao, nhưng không phải ai cũng tuân thủ và làm đúng quy định này. Thậm chí, có vị lãnh đạo Hội vận chuyển du lịch đường thủy đề xuất bỏ quy định việc bắt buộc du khách phải mặc áo phao khi lên tàu. “Quy định mặc áo phao thì đúng rồi, nhưng mà về mùa hè mặc áo phao mà ăn uống này kia thì khách vô cùng bức bối. Cho nên chúng tôi đề nghị thay vì mặc áo phao suốt hành trình thì để áo phao gần bên cạnh đó để sử dụng mà thôi”. Một số du khách không muốn mặc áo phao với lý do chủ tàu thuyền để áo phao quá bẩn, mặc áo phao lên người sợ bẩn trang phục. Nhiều chủ tàu đã lờ việc du khách không mặc áo phao trong suốt hành trình “lênh đênh” trên sông.

Hiện nay, vẫn còn một số doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch trên sông chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật đối với lĩnh vực kinh doanh này, phổ biến như người điều khiển phương tiện không có bằng cấp chuyên môn phù hợp với loại phương tiện điều khiển; nhân viên, người lao động chưa được tập huấn theo quy định; phương tiện quá hạn đăng ký, đăng kiểm; các trang thiết bị chưa đảm bảo đầy đủ theo quy định của pháp luật. Đó là lý do khiến một số du khách đã bị tai nạn gây thương tích và thiệt mạng khi đi du lịch trên sông.

An toàn là yếu tố quan trọng hàng đầu để phát triển du lịch bền vững. Do vậy, cùng với nỗ lực của các ngành chức năng, hơn ai hết, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh lữ hành và du khách cần tự giác chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật đối với hoạt động kinh doanh du lịch trên đường thủy nội địa.

Bảo Châu

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/can-chu-trong-an-toan-khi-du-lich-duong-song-post540493.html
Zalo