Cần chính sách hấp dẫn cho doanh nghiệp đầu tư vào giáo dục

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết năm 2013, tỉ lệ phòng học kiên cố hóa rất thấp, đặc biệt là ở cấp học mầm non.

Báo cáo về công tác xã hội hóa việc kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết năm 2013, tỉ lệ phòng học kiên cố hóa rất thấp, đặc biệt là ở cấp học mầm non.

Tỉ lệ kiên cố hóa trung bình cả nước chỉ là 47,7%. Đến hết năm 2023, tỉ lệ phòng học kiên cố hóa bình quân của cả nước từ 83% trở lên (theo từng cấp học).

"Trong giai đoạn 10 năm, từ 2013 đến 2023, hệ thống cơ sở vật chất trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên đã có những bước phát triển đáng kể nhờ vào sự quan tâm và đầu tư từ Chính phủ, Bộ GD-ĐT, các địa phương, bộ, ngành. Bên cạnh đó, việc xã hội hóa trong giáo dục cũng đóng vai trò quan trọng" - Bộ GD-ĐT khẳng định.

Giai đoạn này, nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư xây dựng phòng học và nhà công vụ cho giáo viên là rất lớn. Tổng số kinh phí xã hội hóa để đầu tư kiên cố hóa, xây dựng phòng học, phòng công vụ cho giáo viên ước khoảng 33.000 tỉ đồng. Tổng diện tích đất đã sử dụng để đầu tư xây dựng mới, kiên cố hóa phòng học, phòng công vụ cho giáo viên từ các địa phương khoảng 521,9 ha.

Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cũng cho rằng việc kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên vẫn còn những hạn chế. Việc huy động nguồn lực xã hội hóa còn gặp khó khăn, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa và các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Sự hợp tác giữa chính quyền địa phương và doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục chưa được tối ưu, dẫn đến khó khăn trong việc triển khai các dự án giáo dục và huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ xã hội.

Bộ GD-ĐT nhận định quy hoạch mạng lưới trường, lớp học tại các địa phương là giải pháp trọng tâm để thu hút được đầu tư cho giáo dục từ nguồn xã hội hóa. Trong đó, kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên... là giải pháp quan trọng. Các chính sách ưu đãi nên được cụ thể hóa và minh bạch, tạo động lực cho các nhà đầu tư; khuyến khích mô hình hợp tác công tư để tận dụng tối đa nguồn lực từ khu vực tư nhân.

Bộ GD-ĐT kiến nghị Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu và sửa đổi các văn bản pháp lý liên quan việc xã hội hóa giáo dục, cụ thể là Nghị định 69/2008/NĐ-CP về khuyến khích xã hội hóa, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư. Cần bổ sung các chính sách ưu đãi rõ ràng về thuế, tín dụng và đất đai để thu hút đầu tư vào lĩnh vực giáo dục.

Bộ GD-ĐT cũng kiến nghị chỉ đạo cắt giảm các thủ tục hành chính liên quan việc tiếp cận quỹ đất và các ưu đãi về thuế, tín dụng cho cơ sở giáo dục ngoài công lập. Cần có các chính sách miễn giảm chi phí sử dụng đất, tiền thuê đất và các thủ tục pháp lý khác để hỗ trợ nhà đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục tại khu vực có điều kiện phát triển mạnh; có chính sách hấp dẫn về thuế cho doanh nghiệp khi tham gia hỗ trợ, xã hội hóa giáo dục.

Lan Anh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/can-chinh-sach-hap-dan-cho-doanh-nghiep-dau-tu-vao-giao-duc-19624102422093046.htm
Zalo