Cần chính sách đãi ngộ đủ mạnh để thu hút người DTTS học trình độ đại học
Các trường đại học cần có những cơ chế phù hợp từ cơ quan quản lý nhà nước mà ở đó nhà trường được linh hoạt hơn trong đào tạo đặt hàng của địa phương.
Trước những chính sách từ Đảng, Nhà nước, công tác bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đào tạo đối với người dân tộc thiểu số đã đạt được nhiều kết quả đáng kể.
Tuy nhiên, hiện nay nguồn nhân lực chất lượng cao người dân tộc thiểu số còn hạn chế, thiếu sinh viên trình đại học trở lên trong các ngành/nhóm ngành/lĩnh vực Sức khỏe, Công nghệ thông tin, Nông nghiệp, Tài chính - Ngân hàng, đào tạo giáo viên.
Trở ngại với nhóm ngành đào tạo giáo viên, công nghệ thông tin
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Thắng, Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, hiện tại, quy mô đào tạo trình độ đại học của nhà trường khoảng 11.849 người học (11.725 sinh viên và 124 học viên cao học).
Trong đó, người dân tộc thiểu số chiếm khoảng 4,2% quy mô đào tạo đại học và nhỏ hơn 3% quy mô đào tạo sau đại học. Riêng nhóm ngành đào tạo giáo viên và công nghệ thông tin chiếm 1,9% trên tổng quy mô đào tạo của trường trình độ đại học.
Đối các ngành đào tạo giáo viên, sinh viên dân tộc thiểu số theo học ngành này chiếm khoảng 7,6% trên quy mô sinh viên nhóm ngành đào tạo giáo viên.
Với các ngành lĩnh vực công nghệ thông tin, tỷ lệ sinh viên dân tộc thiểu số ở ngành này còn chiếm khoảng 2,3% trên quy mô sinh viên đại học của nhóm ngành.
Từ kết quả thống kê cho thấy mặc dù số lượng người học là người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn, nhưng tỷ lệ người học tham gia đào tạo tại trường có sự khác biệt rõ ràng giữa nhóm ngành đào tạo.
Sự khác biệt này có thể do nhu cầu nghề nghiệp của người học cũng như tác động từ các chính sách ưu tiên giữa các ngành nghề đào tạo, như Nghị định 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.
Bên cạnh đó, thực tế có nhiều nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao người dân tộc thiểu số của các nhóm ngành đào tạo nói chung và nhóm ngành đào tạo giáo viên, công nghệ thông tin nói riêng.
Theo thầy Thắng, nhận thấy sự khác biệt về quy mô đào tạo người học là người dân tộc thiểu số, qua tìm hiểu và có thực hiện các khảo sát nhanh đối với người học, một số nguyên nhân gây khó khăn trong việc phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao người dân tộc thiểu số có thể kể đến như:
Thứ nhất, mức sống của đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn thấp, điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn nên không đủ trang trải để cho con em học lên trình độ cao. Bên cạnh đó, khu vực sinh sống của các dân tộc thiểu số thường nằm ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn nên hạn chế việc tiếp cận các dịch vụ xã hội.
Thứ hai, một số người dân tộc thiểu số vẫn còn quan niệm truyền thống về giáo dục, đặc biệt là nhận thức về giáo dục đại học còn hạn chế. Bản thân các em và gia đình không mặn mà với việc học tiếp lên đại học.
Thứ ba, các em còn thiếu tự tin trong học tập và rào cản về ngôn ngữ, nhất là chuẩn đầu ra ngoại ngữ. Đồng thời, nhiều sinh viên người dân tộc thiểu số gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm tại địa phương sau khi tốt nghiệp.
Ngoài những nguyên nhân trên, theo thầy Thắng, nhóm ngành đào tạo giáo viên đang đối mặt với những trở ngại lớn trong việc thu hút người học tiếp tục học ở trình độ cao hơn.
Đặc biệt, ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, cơ hội bố trí việc làm còn hạn chế, dẫn đến tâm lý lo ngại về việc đầu tư thời gian và công sức mà không đạt được giá trị mong muốn. Mặc dù đã có chính sách hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm như Nghị định 116/2020/NĐ-CP.
Với nhóm ngành công nghệ thông tin cũng gặp không ít khó khăn, đặc biệt đối với sinh viên người dân tộc thiểu số. Bởi nhiều người còn thiếu nền tảng kỹ năng công nghệ, ngoại ngữ và lo ngại rằng không tự tin đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của ngành.
Thêm vào đó, chi phí học tập, trang thiết bị với ngành công nghệ thông tin sẽ là gánh nặng tài chính bởi hầu hết mức sống và kinh tế của người dân tộc thiểu số còn hạn chế.
Cùng bàn về vấn đề này, theo Tiến sĩ Đỗ Trọng Đăng - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Phú Yên, với đồng bào dân tộc thiểu số thì cơ hội tiếp cận với nền giáo dục trình độ cao còn hạn chế.
Bên cạnh đó, về lực học, môi trường học tập của người dân tộc thiểu số còn khoảng cách khá xa so với học sinh, sinh viên ở các thành phố lớn dẫn đến việc khó cạnh tranh khi tham gia học tập các chương trình đào tạo...
Đồng thời, thu nhập bình quân đầu người thấp, quyết định cho con em đi học của nhiều hộ gia đình dân tộc thiểu số còn bị chi phối bởi nhiều yếu tố ngoài điều kiện kinh tế.
Cần có chính sách đãi ngộ đủ mạnh
Trong những năm qua, giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của của Đảng, Nhà nước. Các chủ trương, chính sách đối với đồng bào vùng dân tộc thiểu số được tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời, đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục và đào tạo.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Thắng, thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực cao người dân tộc thiểu số sẽ tác động tích cực đến không chỉ với khu vực miền núi mà còn có tác động tích cực đến sự phát triển chung của cả nước.
Điều này sẽ góp phần tạo ra một lực lượng lao động vững mạnh, sử dụng tri thức để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, góp phần đảm bảo an ninh chính trị đất nước.
Do đó, để nâng cao hiệu quả đào tạo nhân lực chất lượng cao người dân tộc thiểu số, cần thực hiện đúng, chính xác những chính sách hỗ trợ theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tiếp tục thực hiện rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao người dân tộc thiểu số.
Cần tăng cường phối hợp giữa các trường đại học với các địa phương có người dân tộc thiểu số sinh sống để triển khai các chương trình đào tạo dự bị, liên kết, tạo cơ hội cho sinh viên, học viên được tiếp cận với kiến thức tiên tiến.
Bên cạnh đó, có thể dành một số lượng chỉ tiêu nhất định cho sinh viên dân tộc thiểu số trong các trường đại học. Địa phương cũng cần quan tâm nhiều hơn để thực hiện một cách đồng bộ về đào tạo, đẩy mạnh công tác định hướng, hướng nghiệp hơn nữa.
Các trường đại học cần có những cơ chế phù hợp từ cơ quan quản lý nhà nước mà ở đó nhà trường được linh hoạt hơn trong đào tạo đặt hàng của địa phương.
Thêm vào đó, cần có những chương trình đào tạo ngắn hạn như vi chứng chỉ (micro-credential) nhằm cập nhật và nâng cao năng lực kịp thời cho người học nhất là người dân tộc thiểu số…
Còn theo thầy Đăng, cần có những chính sách đãi ngộ đủ mạnh, trợ cấp xã hội, miễn, giảm học phí, hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt, chỗ ở, tín dụng giáo dục và chính sách hỗ trợ học tập khác đối với người học người dân tộc thiểu số.
Đồng thời, có chính sách ưu tiên tuyển sinh cũng như đẩy mạnh sự tham gia của người dân tộc thiểu số vào quá trình giáo dục, phát triển giáo dục trên quê hương của họ cho chính đồng bào cùng dân tộc càng quan trọng.