Cần chính sách cụ thể với phân khúc nhà ở cho người thu nhập thấp

Tiếp tục thảo luận chuyên đề giám sát tối cao về thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội, chiều nay, 28.10, các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc phân bổ và xác định chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội cần được nghiên cứu, đánh giá xây dựng trên cơ sở căn cứ khoa học thực tiễn sao cho thực sự phù hợp với nhu cầu và tình hình thực tế tại các địa phương.

Nhiều quy định chưa có hướng dẫn cụ thể

ĐBQH Trần Thị Thanh Hương (An Giang) cho rằng, qua kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023” và thực tế tại các địa phương cho thấy, còn một số tồn tại, hạn chế, bất cập. Đặc biệt là nhiều quy định có hiệu lực thi hành nhưng vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể, dẫn đến tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc trong thi hành, nhất là đối với quy định chuyển tiếp.

 Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thanh Hương (An Giang) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thanh Hương (An Giang) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đơn cử như, việc thực hiện quy định dành 20% quỹ đất ở các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị vẫn còn nhiều bất cập do chưa phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của người dân. Điều này dẫn đến có nơi, nhà ở xã hội đã xây dựng thì bỏ không, trong khi đó, nơi có nhu cầu thì lại thiếu nguồn cung, do chưa có quy định bắt buộc về thời hạn, dẫn đến chủ đầu tư kéo dài thời gian xây dựng nhà ở xã hội. Nhiều dự án không cho thuê được phần diện tích theo quy định, phải chờ sau 5 năm mới được bán, gây nhiều lãng phí nguồn lực xã hội, giảm hiệu quả thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân cũng chưa đủ sức hấp dẫn, không thực chất, không thu hút, khuyến khích chủ đầu tư.

Do đó, đại biểu Trần Thị Thanh Hương đề nghị, cần nghiên cứu kỹ lưỡng và có biện pháp thiết thực, khả thi, hiệu quả nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế này.

Cần chính sách thiết thực hơn để thu hút các nguồn lực đầu tư xây dựng nhà ở xã hội

Đồng tình với đề xuất tại Điểm d, Khoản 2 dự thảo Nghị quyết là đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm của địa phương nhằm tập trung chỉ đạo và tạo sự quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu đề ra.

Tuy nhiên, đại biểu Trần Thị Thanh Hương đề xuất, việc phân bổ và xác định chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội cần được nghiên cứu, đánh giá xây dựng trên cơ sở căn cứ khoa học thực tiễn sao cho thực sự phù hợp với nhu cầu và tình hình thực tế tại các địa phương. Quan tâm bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước tương xứng và có chính sách ưu đãi, khuyến khích nhiều hơn, thiết thực hơn nữa để thu hút các nguồn lực đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp với giá cả hợp lý. Đồng thời, sớm có những giải pháp đồng bộ, thiết thực để cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ, công trình hết niên hạn sử dụng, tránh tình trạng bỏ hoang, lãng phí như hiện nay.

Ngoài ra, cần sớm nghiên cứu, cụ thể hóa chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân phù hợp với tình hình thực tế; chú trọng cải tiến thủ tục tiếp cận nguồn vốn tín dụng, góp phần hiện thực hóa mục tiêu người dân có chỗ ở, đáp ứng được yêu cầu công việc và phù hợp với thu nhập.

 Đại biểu Quốc hội Đinh Ngọc Minh (Cà Mau) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Quốc hội Đinh Ngọc Minh (Cà Mau) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Cùng quan điểm này, ĐBQH Đinh Ngọc Minh (Cà Mau) chỉ rõ, hiện nay vẫn đang có tình trạng thiếu hụt phân khúc nhà ở cho người có thu nhập thấp. Trong khi thực tế hiện nay, các chung cư mini, nhà trọ có diện tích rất nhỏ, chỉ khoảng 10m2 cho một hộ gia đình. Như vậy sẽ rất khó khăn và vất vả cho những người có thu nhập thấp, như công nhân.

Vì vậy, đại biểu Đinh Ngọc Minh đề nghị, cần giao cho Chính phủ xây dựng chính sách cụ thể về phân khúc nhà ở cho người có thu nhập thấp, cắt bớt các thủ tục hành chính, góp phần giảm chi phí đầu vào.

N. Thành

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/can-chinh-sach-cu-the-voi-phan-khuc-nha-o-cho-nguoi-thu-nhap-thap-post394603.html
Zalo