Cận cảnh: Tấm bản đồ Bảo vật quốc gia của Chiến dịch Hồ Chí Minh
Tấm bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh được thực hiện tại Sở chỉ huy chiến dịch ở Tây Ninh vào tháng 4/1975 và được công nhận Bảo vật quốc gia vào tháng 1/2015.

Bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam. Đây là 1 trong 4 Bảo vật quốc gia đang được lưu giữ tại bảo tàng bên cạnh máy bay MiG-21 số hiệu 4324, máy bay MiG-21 số hiệu 5121 và xe tăng T-54B số hiệu 843.

Bản đồ hình chữ nhật, can 12 mảnh, có chữ “Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh”, được thực hiện từ ngày 15/4/1975 đến 21/4/1975 tại Sở chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh đóng tại Tà Thiết, Lộc Ninh, Tây Ninh.

Ngày 22/4/1975, Bộ chỉ huy Chiến dịch duyệt lần cuối kế hoạch chính thức Chiến dịch Hồ Chí Minh. Tư lệnh Chiến dịch - Đại tướng Văn Tiến Dũng và Chính ủy Chiến dịch Phạm Hùng cùng ký tên lên tấm bản đồ ở phía dưới góc bên phải.

Trên tấm bản đồ, các mũi tên vẽ màu đỏ thể hiện hướng tiến công của các quân, binh chủng, các đơn vị vào giải phóng Sài Gòn. Ngày 30/4/1975, các cánh quân hợp điểm giữa Sài Gòn. Quân đoàn 2 chiếm dinh Độc Lập; Quân đoàn 4 chiếm Bộ Quốc phòng VNCH, cảng Bạch Đằng và Đài phát thanh; Quân đoàn 1 chiếm Bộ Tổng tham mưu quân đội VNCH; Quân đoàn 3 chiếm sân bay Tân Sơn Nhất; Đoàn 232 chiếm Biệt khu Thủ đô và Tổng nha Cảnh sát.

Đại tướng Văn Tiến Dũng đã giữ tấm bản đồ này từ năm 1975 đến năm 1990 rồi trao tặng cho Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.

Trưng bày bên cạnh bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam là chiếc xe Jeep số hiệu 15770 quân ta thu được của địch và đã sử dụng để đưa Tổng thống VNCH Dương Văn Minh từ dinh Độc Lập tới Đài phát thanh đọc lời tuyên bố đầu hàng.

Bảo vật quốc gia, xe tăng T-54B số hiệu 843 đã húc vào cổng phụ dinh Độc Lập vào trưa 30/4/1975 được trưng bày kế bên chiếc xe Jeep số hiệu 15770 và bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Ngoài tấm bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam còn lưu giữ một tấm bản đồ rất đặc biệt. Đó là bản đồ má Sáu Ngẫu ở Thủ Dầu Một cung cấp cho Trung đoàn 27, Sư đoàn 320 chỉ đường cho đoàn quân tiến công vào Sài Gòn.

Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam cũng đang trưng bày nhiều hiện vật quý liên quan tới Chiến dịch Hồ Chí Minh và ngày 30/4/1975 như radio Bộ chỉ huy Chiến dịch đã sử dụng để nghe tin Dương Văn Minh đầu hàng, bản nhạc "Như có Bác trong ngày đại thắng", các vũ khí quân ta sử dụng khi tiến công Sài Gòn...