Cận cảnh nút giao nối 3 cao tốc nghìn tỷ trước ngày thông xe kỹ thuật
Sau ba năm thi công, nút giao Mỹ Yên đang hoàn thiện các hạng mục quan trọng, kết nối Vành đai 3 TP.HCM, cao tốc Bến Lức - Long Thành và TP.HCM - Trung Lương.

Nút giao Mỹ Yên (Long An cũ, nay thuộc địa phận tỉnh Tây Ninh) là điểm kết nối chiến lược giữa ba trục giao thông huyết mạch gồm cao tốc TP.HCM – Trung Lương, cao tốc Bến Lức – Long Thành và Vành đai 3 TP.HCM.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 115.000 tỷ đồng, được triển khai từ năm 2022 nhằm tăng cường liên kết vùng, rút ngắn thời gian di chuyển giữa các tỉnh miền Tây, TP.HCM và khu vực Đông Nam Bộ.



Ghi nhận của PV Báo điện tử VTC News trong những ngày giữa tháng 7, các tuyến nhánh và cầu vượt thuộc nút giao đã hoàn thành thi công phần bản mặt cầu. Trên công trường, các đơn vị thi công đang khẩn trương thảm nhựa mặt đường, kẻ vạch sơn, lắp đặt hệ thống biển báo, lan can, nhằm sớm đưa công trình vào khai thác, phục vụ kết nối giao thông liên vùng.

Đoạn đường kết nối giữa cao tốc TP.HCM – Trung Lương và cao tốc Bến Lức – Long Thành (từ Km0+000 đến Km3+420) đã được thông xe tạm từ ngày 28/4. Tuy nhiên, tuyến này hiện chỉ cho phép lưu thông một chiều, áp dụng đối với ôtô con và xe tải có tải trọng dưới hoặc bằng 10 tấn, do nút giao với Vành đai 3 TP.HCM vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.

Nhiều hạng mục tại nút giao Mỹ Yên đang được thi công khẩn trương với tinh thần chạy đua tiến độ. Các đơn vị thi công duy trì nhiều mũi triển khai đồng loạt, tranh thủ thời tiết thuận lợi, đồng thời bám sát kế hoạch từng mốc thời gian nhằm đảm bảo công trình được hoàn thành và đưa vào khai thác đúng tiến độ đề ra.

Bất chấp thời tiết nắng gắt, nhiều nhóm công nhân vẫn miệt mài thi công các hạng mục như lắp đặt cốp pha, buộc thép, hoàn thiện lan can bảo vệ mép cầu. Phía dưới, mặt đường được lu lèn kỹ lưỡng, chuẩn bị cho công đoạn cấp phối đá dăm và thảm nhựa, tạo nền móng vững chắc cho việc hoàn thiện toàn bộ tuyến kết nối trong thời gian tới.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Long An (trực thuộc tỉnh Tây Ninh) cho biết, đến tháng 7, tuyến đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua địa bàn tỉnh đã đạt 78,01% giá trị hợp đồng thi công. Hiện dự án đang được đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành và thông xe kỹ thuật trước tháng 10 năm nay.

Dự án được chia thành nhiều gói thầu, trong đó ba gói chính đang được triển khai gồm XL1, XL2 và XL3. Riêng gói thầu XL1, phần đường cao tốc đã hoàn thiện phần lớn nền móng, hoàn tất cấp phối đá dăm và hiện đang tiến hành thảm nhựa mặt đường.

Tại hạng mục cầu bắc qua sông Tân Bửu trên tuyến Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua địa bàn tỉnh Tây Ninh, các nhà thầu đang tăng tốc thi công, huy động nhân lực, thiết bị làm việc xuyên suốt nhằm đảm bảo tiến độ và hoàn thành mục tiêu thông xe kỹ thuật vào tháng 10 tới.

Gói thầu XL2, bao gồm hạng mục cầu vượt sông và đường song hành, hiện đã hoàn thành 36 trụ cầu, thi công xong 30/35 nhịp và đang tiếp tục đổ bê tông mặt cầu để đảm bảo tiến độ chung của dự án.

Gói thầu XL3 tại nút giao với cao tốc Bến Lức – Long Thành hiện đã đạt gần 80% khối lượng thi công. Các hạng mục quan trọng như cầu vượt, nhánh H và nhánh A1 đã cơ bản hoàn thiện phần nền, chuẩn bị bước vào giai đoạn thi công kế tiếp. Bên cạnh đó, các gói thầu bổ sung gồm XL3A, XL4B, XL5, XL6A và XL6B cũng đang được triển khai đúng tiến độ.

Riêng gói thầu XL3A, với nhiệm vụ hoàn thiện nút giao, đã được điều chỉnh rút ngắn thời gian thi công xuống 3 tháng. Theo kế hoạch mới, gói thầu này sẽ hoàn thành trước tháng 5/2026, góp phần đẩy nhanh tiến độ chung của toàn dự án.

Tổng mức đầu tư cho hai dự án thành phần đoạn qua tỉnh Tây Ninh là 4.208 tỷ đồng, trong đó 75% được bố trí từ ngân sách Trung ương. Tính đến thời điểm hiện tại, dự án đã giải ngân được 1.436 tỷ đồng, đạt hơn 63% tổng vốn. Riêng kế hoạch vốn năm 2023 và 2024 đã hoàn thành 100%, trong khi năm 2025 đến nay mới đạt tỷ lệ giải ngân khoảng 18%.

Dự án Vành đai 3 TP.HCM là công trình giao thông trọng điểm cấp quốc gia, với tổng chiều dài hơn 76 km, đi qua địa bàn TP.HCM, Đồng Nai và Tây Ninh. Riêng đoạn tuyến qua tỉnh Tây Ninh dài 6,84 km, được thiết kế theo tiêu chuẩn cao tốc với quy mô hoàn chỉnh gồm 8 làn xe, tốc độ thiết kế 100 km/h và có đường song hành bố trí hai bên, đáp ứng nhu cầu lưu thông liên vùng trong tương lai.

Khi hoàn thành, tuyến Vành đai 3 TP.HCM kết hợp với hai cao tốc Bến Lức – Long Thành và TP.HCM – Trung Lương sẽ hình thành trục giao thông liên hoàn bao quanh TP.HCM, góp phần hạn chế lượng xe lưu thông xuyên tâm, giảm áp lực cho khu vực nội đô. Dự án không chỉ rút ngắn thời gian di chuyển, giảm chi phí logistics mà còn tạo liên kết vùng chặt chẽ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.