Cần cân nhắc rủi ro ngoại hối
Đối với bất kỳ công ty nào, khối kinh tế Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đại diện cho cơ hội kinh doanh không thể bỏ qua, với tổng dân số 684 triệu người và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở mức 3,8 nghìn tỷ USD, trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới.
Các quốc gia trong khu vực cũng đang phát triển nhanh chóng, GDP của ASEAN đã đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 4% trong thập kỷ qua. Ngược lại, nền kinh tế thế giới ghi nhận tăng trưởng với tốc độ 3% trong cùng kỳ.
Khi các công ty mở rộng ra ngoài thị trường nội địa để tận dụng cơ hội tăng trưởng này của ASEAN, họ thường gặp phải thách thức và phải đối mặt với nhiều rủi ro khác nhau. “Một trong những thách thức lớn nhất đối với các công ty là biến động ngoại hối”, ông Ravi Murthy, chuyên gia tại Ngân hàng HSBC cho biết.
Năm nay, trong khi đồng rupiah của Indonesia và đồng peso của Philippines mất giá, thì đồng ringgit của Malaysia lại tăng giá đáng kể. Những biến động tiền tệ như vậy rất khó để dự báo.
Bên cạnh đó, quỹ đạo của các loại tiền tệ của ASEAN đã bị ảnh hưởng đáng kể trong vài tháng qua; bởi có nhiều kỳ vọng cho rằng, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đang chuyển sang giai đoạn nới lỏng chính sách tiền tệ. Về lý thuyết, việc nới lỏng này sẽ xảy ra cùng với sự suy yếu của đồng USD so với các loại tiền tệ của ASEAN. Tuy nhiên, biến động tiền tệ không bao giờ chỉ chịu ảnh hưởng bởi một yếu tố.
Thách thức thứ hai là tình trạng thiếu thanh khoản ngoại hối đối với một số loại tiền tệ. Thị trường tiền tệ của khu vực đang ở các giai đoạn phát triển khác nhau, các công ty có thể nhận thấy việc phòng ngừa rủi ro ngoại hối là một thách thức khi thanh khoản bị hạn chế.
Ngoài tình trạng thiếu thanh khoản tiền tệ, cũng có thể thiếu các sản phẩm phòng ngừa rủi ro. Chẳng hạn như tại Singapore, các công ty có thể tiếp cận nhiều sản phẩm phòng ngừa rủi ro; tuy nhiên, những sản phẩm này không phải lúc nào cũng có sẵn ở các nơi khác.
Phòng ngừa rủi ro ngoại hối hiệu quả
Việc phòng ngừa rủi ro ngoại hối hiệu quả có thể đòi hỏi sự hiểu biết về một số vấn đề kỹ thuật và yêu cầu pháp lý nhất định.
Trong số 300 giám đốc tài chính và hơn 500 chuyên gia kho bạc cấp cao được khảo sát trong Khảo sát Quản lý rủi ro doanh nghiệp năm 2024 của HSBC, 68% cho biết kho bạc đóng vai trò quan trọng trong các quyết định chiến lược. Ngoài ra, 47% số người được hỏi nhận định, quản lý rủi ro tiền tệ là lĩnh vực mà họ cảm thấy doanh nghiệp được trang bị ít nhất.
Rõ ràng, việc quản lý rủi ro ngoại hối đòi hỏi các công ty phải theo dõi các diễn biến kinh tế vĩ mô và chính trị trong khu vực, và thậm chí trên toàn cầu. Tuy nhiên, thay vì chỉ đạo các chiến lược phòng ngừa chủ yếu dựa trên những dự báo về ngoại hối, chuyên gia của HSBC cho rằng, các công ty cần tập trung hoạt động quản lý rủi ro ngoại hối vào việc đáp ứng các mục tiêu tài chính và kinh doanh cụ thể. Sau khi các mục tiêu tài chính hoặc các chỉ số hiệu suất chính được thiết lập, các công ty có thể quyết định sản phẩm nào họ muốn sử dụng để đạt được những mục tiêu đó.
Những giải pháp tối ưu
Các công ty nên lựa chọn sự kết hợp phù hợp giữa các chiến lược phòng ngừa rủi ro, sử dụng nhiều công cụ phòng ngừa rủi ro khác nhau để đạt được kết quả đáp ứng tốt nhất đối với mục tiêu đề ra.
Những giải pháp tốt nhất trong quản lý rủi ro ngoại hối bao gồm đa dạng hóa các rủi ro tiền tệ, cũng như tối ưu hóa thời điểm giao dịch ngoại hối. Các công ty cũng cần cân nhắc tận dụng công nghệ để vận hành ngoại hối hiệu quả, áp dụng công cụ và nền tảng kỹ thuật số cho phép giám sát và phòng ngừa rủi ro ngoại hối theo thời gian thực và có thể tích hợp liền mạch với các hệ thống quản lý kho bạc nội bộ.
Để tận dụng các công cụ này, cần tìm kiếm và thiết lập quan hệ đối tác chặt chẽ với các đối tác có thể cung cấp giải pháp phù hợp, thông tin thị trường và hỗ trợ hoạt động để điều hướng sự phức tạp của bối cảnh ngoại hối ASEAN.
Tiếp đó, các công ty cũng cần cân nhắc xem các đối tác được chọn có sự hiện diện ở những thị trường mà họ hoạt động hoặc có ý định mở rộng hay không, cũng như chuyên môn cần thiết. Quản lý ngoại hối cần được tích hợp với các hoạt động kinh doanh cốt lõi của một công ty, chẳng hạn như xuất khẩu hoặc nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ và thanh toán.