Cần cải cách mạnh mẽ thủ tục cấp phép đầu tư nhà ở xã hội

Sáng 24/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Ảnh: Phạm Thắng

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Ảnh: Phạm Thắng

Tán thành áp dụng cho công chức, viên chức ở những địa phương sắp xếp lại

Các ĐBQH đều tán thành ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội, đồng thời hoàn thành mục tiêu đã được đề ra tại Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 24/5/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới.

ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông) phát biểu. Ảnh: Phạm Thắng

ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông) phát biểu. Ảnh: Phạm Thắng

ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông) lưu ý, hiện đang thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính, trong đó có 52 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc diện hợp nhất, sáp nhập. Số lượng cán bộ, công chức, viên chức ở các địa phương được hợp nhất, sáp nhập sẽ di chuyển đến các đơn vị mới để thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, số công chức trẻ trong các cơ quan nhà nước điều kiện để có tiền mua nhà, mua đất là rất khó khăn. Trước nhu cầu như này, đại biểu cho rằng, việc ban hành Nghị quyết này là hết sức kịp thời, cấp bách.

Cùng quan điểm này, ĐBQH Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cho rằng, nhu cầu mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội sẽ ngày càng tăng, nhất là sau thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính. Bởi, dù đã nỗ lực nhưng giá nhà ở xã hội còn cao so với người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất. Giá thuê nhà ở xã hội hiện khoảng 200 nghìn/m2, nên với diện tích 30m2 cũng mất khoảng 6 triệu/tháng. Trong khi đó, đối tượng có nhu cầu thuê nhà ở xã hội phần nhiều là người lao động trẻ, mới ra trường, thu nhập thấp, công việc bấp bênh nên với mức thuê như vậy họ rất khó tiếp cận.

ĐBQH Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Các đại biểu tán thành việc dự thảo Nghị quyết quy định mở rộng đối tượng áp dụng với cán bộ, công chức, viên chức tại những tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được sắp xếp lại và một số đối tượng khác được quy định cụ thể tại Điều 9 của dự thảo Nghị quyết.

Về thủ tục lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân mà không sử dụng vốn đầu tư công, đại biểu Dương Khắc Mai nhận thấy, toàn bộ các thủ tục thực hiện còn kéo dài, phức tạp.

Theo báo cáo của Chính phủ, thời gian thực hiện những dự án này khoảng 300 ngày, nhưng trong thực tế thì nhiều dự án còn kéo dài hơn. Đại biểu tán thành với đề xuất Chính phủ, đó là: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao chủ đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời giao chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an giao chủ đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời giao chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân sau khi được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thống nhất bằng văn bản danh mục dự án, vị trí khu đất để đầu tư xây dựng nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân.

Các đại biểu cũng tán thành với việc giao Chính phủ quy định trình tự, thủ tục chi tiết để đảm bảo linh hoạt.

Nên đưa ra giá trần để doanh nghiệp chủ động xác định giá bán

Về thủ tục giao dự án nhà ở xã hội (Điều 5), ĐBQH Phan Đức Hiếu (Thái Bình) nhận thấy, quy định tại dự thảo Nghị quyết đã có cải thiện một bước so với quy định pháp luật hiện hành, cho phép thủ tục chấp thuận đầu tư và giao đầu tư được thực hiện đồng thời.

ĐBQH Phan Đức Hiếu (Thái Bình) phát biểu. Ảnh: Phạm Thắng

ĐBQH Phan Đức Hiếu (Thái Bình) phát biểu. Ảnh: Phạm Thắng

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị, cần mạnh dạn bỏ thủ tục chấp thuận đầu tư, thiết kế thủ tục mới là giao dự án nhà ở xã hội. Theo đó, những nội dung có thể kế thừa và cần thiết trong thủ tục chấp thuận đầu tư thì quy định luôn tại dự thảo Nghị quyết.

“Nếu giữ hai thủ tục thực hiện đồng thời thì vẫn có thể dẫn đến nhiều đầu mối, nhiều khâu phải xin ý kiến các cơ quan có liên quan, chưa chắc đã đẩy nhanh tiến độ được”.

Nêu quan điểm trên, đại biểu Phan Đức Hiếu đề nghị, cần thiết kế thủ tục giao dự án nhà ở xã hội với một đầu mối, quy trình, bộ phận tham mưu và quy định thời gian rõ ràng. Như vậy mới thực sự là cải cách mạnh mẽ theo tinh thần Nghị quyết số 68 – NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.

Về phương pháp xác định giá bán nhà ở xã hội, đại biểu Phan Đức Hiếu nhận thấy, thiết kế như dự thảo Nghị quyết hiện nay sẽ mất nhiều thời gian, công sức để xác định giá bán, khi phải tính toán chi phí, sau rồi lại kiểm toán lại; được cho bán trước kiểm sau với nhiều rủi ro…

“Chi phí đấy cũng là tiền. Thời gian chậm xác định giá bán cũng là tiền. Đây là một trong những yếu tố gây đội giá nhà ở xã hội”. Nhấn mạnh nguy cơ này, đại biểu Phan Đức Hiếu đề nghị, cần xác định mức giá trần để doanh nghiệp chủ động định giá bán cụ thể cho từng dự án.

Quy định mức giá trần, theo đại biểu, sẽ giúp tiết kiệm nhiều thời gian, công sức, và như vậy giúp nhà ở có giá thành rẻ hơn. “Thiết kế phương án xác định giá bán nhà ở xã hội hiện nay có nhiều rủi ro, doanh nghiệp chưa chắc đã dám làm”, đại biểu lưu ý.

UBND cấp tỉnh cần được phép linh hoạt hơn trong bố trí quỹ đất

Nhiều dự án nhà ở thương mại được quyết định chủ trương đầu tư trước ngày 1/8/2024, đã bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội tương ứng với 20% quỹ đất ở của dự án.

Tuy nhiên, thực tế việc xây dựng nhà ở xã hội tại các quỹ đất này không phù hợp với điều kiện của địa phương, vì vị trí xa nơi làm việc, không phù hợp với nhu cầu hoặc quy mô dự án quá lớn. Điều này dẫn đến khó thu hút người thuê, mua nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, Luật Nhà ở năm 2023, Nghị định 100/2024 không quy định rõ cơ chế cho phép UBND cấp tỉnh quyết định xử lý quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội đối với các dự án này.

ĐBQH Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) phát biểu. Ảnh: Phạm Thắng

ĐBQH Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) phát biểu. Ảnh: Phạm Thắng

Đưa ra thực tế trên, ĐBQH Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) đề xuất bổ sung quy định tạo điều kiện cho UBND cấp tỉnh linh hoạt trong việc bố trí quỹ đất và bổ sung Quỹ nhà ở quốc gia để phát triển nhà ở xã hội phù hợp với thực tế.

Theo đại biểu, một số địa phương đã bố trí đủ quỹ đất dành cho nhà ở xã hội nhưng lại thiếu nguồn lực triển khai xây dựng. Việc tiếp tục xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất do chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại bàn giao sẽ gây lãng phí, kém hiệu quả.

Vì vậy, đại biểu đề xuất cần có cơ chế cho UBND tỉnh được điều chỉnh các quỹ đất này thành đất xây dựng nhà ở thương mại và tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất để bổ sung Quỹ nhà ở quốc gia.

Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Phạm Thắng

Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Phạm Thắng

Từ những phân tích trên, đại biểu Trần Đình Gia đề nghị bổ sung khoản 6 tại Điều 12 Nghị quyết theo hướng UBND cấp tỉnh căn cứ vào điều kiện của địa phương xem xét và quyết định cho phép các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đã được quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, quyết định phê duyệt dự án, chấp thuận đầu tư trước ngày Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 có hiệu lực thi hành không phải bố trí quỹ đất ở đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại để xây dựng nhà ở xã hội và được đóng tiền tương đương giá trị quỹ đất đã đầu tư.

Đồng thời, UBND cấp tỉnh sẽ điều chỉnh quy hoạch đối với phần diện tích đất ở đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại do chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại bàn giao để xây dựng nhà ở xã hội sang xây dựng nhà ở thương mại và tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với quỹ đất này sau khi điều chỉnh quy hoạch để bổ sung vào Quỹ nhà ở quốc gia

Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Phạm Thắng

Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Phạm Thắng

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh đã giải trình, làm rõ về những nội dung trong dự thảo Nghị quyết được các đại biểu Quốc hội quan tâm.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, các ý kiến phát biểu rất thiết thực, đóng góp nhiều ý kiến cụ thể vào các điều khoản, chính sách của dự thảo Nghị quyết, với yêu cầu Nghị quyết này phải thể hiện chính sách tốt, đồng bộ, có tính khả thi cao và được tổ chức thực hiện nhanh chóng, người dân sớm được thụ hưởng các thành quả do công tác tổ chức thực hiện mang lại.

"Công việc rất khẩn trương và đây là một nghị quyết có ý nghĩa chính trị, nhân văn, ý nghĩa xã hội rất sâu sắc. Thủ tướng Chính phủ có văn bản đề nghị Quốc hội xem xét, ưu tiên ban hành sớm trong giai đoạn đầu của kỳ họp". Nhấn mạnh điều này, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Xây dựng khẩn trương phối hợp với Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tham mưu cho Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngay trong hai ngày tới hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết, để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào tối ngày 27/5.

Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để trình Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày họp cuối cùng Đợt 1 của Kỳ họp.

Thanh Hải

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/can-cai-cach-manh-me-thu-tuc-cap-phep-dau-tu-nha-o-xa-hoi-10373635.html
Zalo