Cán bộ y tế kiên trì bám trạm, sẵn sàng cấp cứu bệnh nhân
Chiều 9/9, Đoàn Công tác của Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) do Tiến sĩ Dương Huy Lương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh làm Trưởng đoàn, cùng Tiến sĩ Nguyễn Thế Hào, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Yên Bái đã vào kiểm tra công tác phòng, chống bão và hoàn lưu bão số 3 của một số cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Cùng đi còn có bác sĩ Trần Quang Mạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Yên Bái.
Bác sĩ Trần Quang Mạnh cho biết, chịu ảnh hưởng của bão số 3, Trung tâm Y tế thành phố Yên Bái có 3 trạm y tế bị ngập nước là Trạm y tế Nam Cường, Hồng Hà và Nguyễn Thái Học. Đặc biệt, có hai trạm y tế bị cô lập hoàn toàn là Trạm y tế Tuy Lộc và Hợp Minh.
Hiện tại, đường vào Trạm y tế Nam Cường đang ngập gần 1,5 m, trạm mất điện hoàn toàn. Tầng một của trạm cũng đã ngập, các nhân viên y tế đã đưa toàn bộ các trang thiết bị y tế lên tầng hai để tránh hỏng hóc máy móc. Việc di chuyển, ra vào trạm phải sử dụng thuyền.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hường -Trưởng Trạm y tế Nam Cường cho biết, vì là vùng trũng, nên ngay sau khi nhận được các văn bản chỉ đạo của cấp trên như Bộ Y tế, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Sở Y tế tỉnh…, trạm đã chủ động tiến hành công tác phòng, chống bão và hoàn lưu bão.
Trạm chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, trang thiết bị, phương tiện phục vụ cấp cứu chấn thương trực tiếp, hoặc gián tiếp do sập, vùi lấp và ứng phó với tình huống thương vong hàng loạt. Đồng thời chuẩn bị các phương án, cơ số thuốc, trang thiết bị, phương tiện cấp cứu và nhân lực cho công tác cấp cứu đối với tình huống khẩn cấp.
“Chúng tôi đã chủ động di chuyển các trang thiết bị phục vụ công tác khám, chữa bệnh, cấp cứu lên tầng hai đề phòng tình huống ngập lụt gây hỏng hóc máy móc, gián đoạn công tác cứu chữa người bệnh. Các cán bộ y tế thường trực 24/24, chuẩn bị thuốc cơ động, dự phòng cho người dân bị tiêu chảy, ngã, dị ứng… Hiện, trạm không có bệnh nhân lưu trú. Vì thế các nhân viên y tế và lực lượng hỗ trợ đã được tổ chức thành hai tổ cấp cứu lưu động, một tổ trực ngay tại trạm và một tổ luôn sẵn sàng ngay khi có sự cố xảy ra...”, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hường cho biết.
Trước tình huống mất điện tại trạm, các cán bộ y tế của trạm đã linh hoạt sử dụng đèn pin, đèn dầu phục vụ công tác chuyên môn, bác sĩ Hường cho biết thêm.
Thăm hỏi và động viên các cán bộ y tế đã không quản ngại mưa bão nguy hiểm kiên trì bám trụ, khắc phục mọi khó khăn để phục vụ người dân, Tiến sĩ Dương Huy Lương chia sẻ khó khăn và đánh giá cao những nỗ lực của các cán bộ y tế trạm Nam Cường, đồng thời đề nghị trạm kiểm tra các thiết bị pin, lập danh mục thuốc, hộp nhựa bảo quản thuốc; chuẩn bị cơ số thuốc đáp ứng cấp cứu ban đầu, đặc biệt là các loại thuốc do người dân vùng ngập lụt như thuốc tiêu chảy, cảm lạnh, hen dị ứng...
Trước đó, ngày 8/9, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có Công văn số 1462/KCB-QLCL&CĐT gửi Sở Y tế các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Hà Nội và các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của bão số 3; các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế khu vực miền Bắc và miền Trung về công tác khắc phục tác động, hậu quả sau bão số 3 và triển khai công tác khám, chữa bệnh.
Thống kê ban đầu, một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã bị thiệt hại ở các mức độ khác nhau do hậu quả của bão số 3. Tuy vậy, công tác tiếp nhận cấp cứu, điều trị cho người bệnh vẫn bảo đảm duy trì, đặc biệt một số ca chấn thương nặng đã được cấp cứu kịp thời.
Các bệnh viện tập trung toàn bộ mọi nguồn lực để chủ động ứng phó với bão số 3, đảm bảo an toàn cao nhất cho người bệnh và nhân viên y tế, sẵn sàng tiếp nhận, xử trí các trường hợp cấp cứu hàng loạt do thảm họa, thiên tai. Trong đó có cả việc thành lập các đội cấp cứu lưu động hỗ trợ chuyên môn khi có yêu cầu từ các tỉnh chịu ảnh hưởng của bão.
Theo Sở Y tế Hải Phòng, một số cơ sở y tế trên địa bàn thành phố có thiệt hại như bay mái, bay biển hiệu, biển chỉ dẫn..., một số trạm y tế bị đổ tường bao. Tuy nhiên, các bệnh viện và cơ sở khám chữa bệnh bảo đảm công tác cấp cứu, khám chữa bệnh, điều trị; các thiết bị được di chuyển đề phòng ngập lụt sau bão.
Thông tin từ Sở Y tế Thái Bình cho thấy có một số tổn thất nhỏ (bay mái tôn, biển hiệu, đổ cây…) ở một số cơ sở y tế. Các bệnh viện và cơ sở khám chữa bệnh bảo đảm công tác cấp cứu, khám chữa bệnh, điều trị…
*Bộ Y tế hướng dẫn các biện pháp xử lý môi trường sau bão:
- Hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị y tế cơ sở và người dân thực hiện các biện pháp xử lý môi trường; thu gom, xử lý chất thải y tế, xử lý xác súc vật chết; xử lý các giếng khoan, giếng đào, bể nước bị ngập lụt theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
- Tổ chức phun hóa chất diệt côn trùng và véc tơ gây bệnh tại các khu vực bị ngập sau khi nước rút. Lên các phương án phòng chống dịch sau mưa lũ, lưu ý các dịch bệnh sởi, đau mắt đỏ, nước ăn chân, tiêu chảy...
- Tập trung phân loại người bị nạn để ưu tiên trong công tác cấp cứu đối với tình huống khẩn cấp, phân luồng người bệnh nguy cơ mắc các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp, đường tiêu hóa để tránh lây nhiễm dịch bệnh trong bệnh viện.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát vệ sinh chất lượng nước cấp cho ăn uống sinh hoạt từ các nhà máy nước, trạm cấp nước tập trung đảm bảo nồng độ clo dư theo quy định; tăng cường kiểm tra vệ sinh chất lượng nước hộ gia đình.