Đảm bảo tính liên thông sau sắp xếp

Đại biểu Nguyễn Thị Yến đề nghị đơn vị sau sắp xếp, tinh gọn khi công bố phải có con dấu kèm theo để khi đi vào hoạt động đảm bảo tính liên thông, liên tục.

Sáng 14/2 tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về việc xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.

Trước đó vào sáng ngày 13/2, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại tổ về dự thảo trên. Trong phiên thảo luận tại các tổ, các đại biểu đã thống nhất cao cần ban hành Dự thảo Nghị quyết, điều này nhằm đảm tính thống nhất của pháp luật cũng như thẩm quyền được giao của các cơ quan.

Đảm bảo tính liên thông, liên tục sau sắp xếp

Trước đó vào sáng ngày 13/2 trong phiên họp tại Tổ, đại biểu Nguyễn Thị Yến – Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khẳng định: Cần thiết phải ban hành Nghị quyết của Quốc hội quy định về việc xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước. Điều này nhằm để thể chế hóa các chủ trương, kết luận của Trung ương tạo cơ sở pháp lý đồng bộ liên tục, liên thông và thông suốt không để gián đoạn đảm bảo quyền lợi, lợi ích hợp pháp cho tổ chức, cá nhân để khi sắp xếp lại không bị chồng chéo chức năng, nhiệm vụ. Đây là nghị quyết hết sức quan trọng trong việc sắp xếp, tổ chức tinh gọn bộ máy nhà nước theo Kết luận 121 về tổng kết Nghị quyết 18 của Ban chấp hành Trung ương Đảng.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến – Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Ảnh: Thu Hường

Đại biểu Nguyễn Thị Yến – Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Ảnh: Thu Hường

Góp ý vào nội dung quy định tại Điều 3, khoản 2 về đăng ký thu hồi con dấu, đại biểu đề nghị khi các tổ chức, đơn vị sau khi được sắp xếp, tinh gọn khi công bố phải có con dấu kèm theo để đi vào hoạt động ngay, không để gián đoạn.

Đối với quy định tại Điều 4 của dự thảo Nghị quyết về những việc còn làm dở dang, đại biểu đề nghị những đơn vị khi bàn giao thì nên bàn giao đầy đủ những nội dung, công việc còn làm dở dang, hoặc làm rồi nhưng chưa có kết luận của cấp trên… nhằm đảm bảo tính liên thông, thông suốt. Đồng thời những đơn vị, tổ chức mới khi tiếp nhận thì phải giải quyết ngay, không né tránh.

Bên cạnh đó, đối với Điều 5 quy định về thủ tục hành chính phải niêm yết công khai rõ ràng, minh bạch trên các cổng thông tin điện tử. Tuy nhiên theo đại biểu Nguyễn Thị Yến, nhiều trường hợp người dân không vào cổng thông tin điện tử để xem nhất là trong trường hợp có công việc cấp bách, vậy phải có giải pháp sử dụng công cụ truyền thông khác như: báo, đài, công khai tại cơ quan đơn vị mới của mình, trên bộ phận một cửa, một cửa liên thông... để người dân được biết để thực hiện quyền lợi chính đáng, hợp pháp của mình. Không chỉ công khai các quy định thủ tục hành chính mà còn phải công khai các việc mà trước đây các đơn vị, cơ quan trước khi sáp nhập đã làm để người dân được biết.

Đề nghị không đưa cán bộ diện thanh tra và cơ cấu

Đối với Điều 7, khoản 2 quy định chức năng thanh tra chuyên ngành, thanh tra chuyên ngành, đại biểu đề nghị khi đang thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành chưa có kết luận thì phải bàn giao cụ thể cho những đơn vị mới để tiếp tục, hoặc theo như Đề án của Chính phủ thì Thanh tra cấp huyện không còn nữa, giờ Thanh tra cấp huyện đang tiến hành thanh tra thì có hướng dẫn bàn giao cho thanh tra cấp trên để tiếp tục thực hiện công việc đó do vậy phải giải quyết liên tục và bàn giao cho kịp thời.

Sáng 14/2 Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước. Ảnh: QH

Sáng 14/2 Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước. Ảnh: QH

Chuẩn bị đại hội đảng các cấp sắp tới nó liên quan đến công tác cán bộ, những cán bộ nào còn trong diện thanh tra, kiểm tra kiểm toán chưa giải quyết được những vấn đề có liên quan thì không đưa vào cơ cấu”- đại biểu Nguyễn Thị Yến đề xuất.

Ngoài ra, đối với khoản 3 Điều 10 quy định về bãi bỏ các thủ tục văn bản không còn hiệu lực, theo đại biểu nên quy định rõ: Thủ tướng bãi bỏ các thủ tục của các bộ ngành không còn hiệu lực, đồng thời đề nghị bổ sung chủ thể có quyền bãi bỏ các văn bản ở địa phương.

Báo cáo Quốc hội, chiều 12/2, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, việc ban hành Nghị quyết nhằm tạo cơ sở pháp lý thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương. Qua đó xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, tránh khoảng trống pháp luật, bảo đảm hoạt động bình thường, liên tục, thông suốt của bộ máy nhà nước và toàn xã hội; không làm gián đoạn việc thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế; bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo quy định của pháp luật.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dam-bao-tinh-lien-thong-sau-sap-xep-373780.html
Zalo