Cán bộ tâm huyết với công tác hội
'Nghe phụ nữ nói, nói cho phụ nữ hiểu, làm cho phụ nữ tin' là phương châm hành động của chị Trương Thị An, Chủ tịch Hội LHPN xã Hoằng Đại (TP Thanh Hóa).
Từ “tay ngang” là công chức tư pháp, năm 2001, chị An được bầu làm Phó Chủ tịch Hội LHPN xã, đến năm 2009 làm Chủ tịch Hội LHPN xã cho đến nay. Đảm nhận vai trò chủ tịch hội nhiều năm liền, chị An luôn trăn trở phải làm sao để giữ vững thành tích và đưa phong trào phụ nữ của xã ngày càng phát triển. Xã Hoằng Đại trước đây thuộc huyện Hoằng Hóa, năm 2019 sáp nhập đơn vị hành chính về TP Thanh Hóa nên phong trào, hoạt động hội cũng có một số thuận lợi, khó khăn nhất định. Xác định rõ phương châm hoạt động của tổ chức hội và vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, chị An không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao năng lực, trình độ của bản thân và tích lũy kinh nghiệm, gặp gỡ, sâu sát đời sống của chị em để thấu hiểu tâm tư, tình cảm, nguyện vọng chính đáng của chị em. Từ đó tìm cách thay đổi nội dung, hình thức hoạt động hội cho phù hợp.
Chị An chia sẻ: “Tôi thường xuyên bám cơ sở, thông qua tiếp xúc, trò chuyện, trực tiếp tham gia sinh hoạt để nắm bắt tình hình tư tưởng của hội viên phụ nữ kịp thời hơn. Từ đó, tôi cùng với ban thường vụ, ban chấp hành hội bàn bạc, trao đổi để xây dựng chương trình, kế hoạch, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động phù hợp với thực tế, phát hiện và xây dựng nhiều mô hình mới, cách làm hay để triển khai thực hiện”.
Trong tổ chức các hoạt động, phong trào của hội khó nhất là tập hợp hội viên. Hội có hơn 1.400 hội viên tham gia sinh hoạt, trong đó có hơn 600 hội viên làm công ty nên khi tập hợp chị em để tổ chức phong trào rất khó. Nhiều buổi sinh hoạt, triển khai nhiệm vụ phải tổ chức vào buổi tối chị em mới tham gia được. Chị An đã lồng ghép tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao để tạo khí thế thúc đẩy phong trào thi đua của hội ngày càng đi vào chiều sâu, từ đó thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của hội đạt hiệu quả.
Giúp đỡ hội viên khó khăn vươn lên phát triển kinh tế và chăm sóc trẻ mồ côi, trẻ đặc biệt khó khăn là điều mà chị An luôn trăn trở. Với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ được triển khai bằng nhiều hình thức và thực hiện sâu rộng ở các chi, tổ. Nhiều trường hợp được hội giúp đỡ đã có điều kiện vươn lên. Tiêu biểu, như chị Lê Thị Hòa, thôn Kiều Tiến là hộ nghèo, con bị suy thận được hội tạo điều kiện vay 80 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để làm nghề mộc, nay gia đình chị đã ổn định và còn tạo việc làm cho 4 lao động khác; hay như chị Nguyễn Thị Mai, thôn Đồng Tiến được vay vốn phát triển mô hình trồng hoa, rau màu...
Ngoài ra, chị An cùng với ban chấp hành nỗ lực đưa nghề đan bóng đèn du nhập về xã khá hiệu quả; vận động hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; thực hiện hiệu quả mô hình “Biến rác thành tiền” để gây quỹ mỗi năm đạt hơn 10 triệu đồng tặng quà cho phụ nữ, trẻ em nghèo; vận động hỗ trợ xây 5 nhà mái ấm cho hội viên khó khăn (từ năm 2015 đến nay). Hằng năm, chị còn chỉ đạo làm tốt công tác quản lý nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Năm 2024, dư nợ nguồn vốn hai ngân hàng đạt hơn 5,8 tỷ đồng giúp cho 87 hộ vay; 1 tổ tiết kiệm tín dụng; tiết kiệm trao vàng (28 thành viên) với số tiền hơn 235 triệu đồng; 14 tổ hùn vốn với số tiền trên 2,3 tỷ đồng; vận động nguồn lực tham gia chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”... Năm 2024, hội giúp thêm 6 hộ gia đình đạt 8 tiêu chí “gia đình 5 không, 3 sạch” nâng tổng số hộ đạt 8 tiêu chí lên hơn 1.200 hộ; giúp thoát nghèo, cận nghèo 4 hộ.
Trong XDNTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, hội đảm nhận công tác vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Các chi hội đã trồng hơn 4.000m đường hoa, 135 chậu hoa trên các trục đường liên thôn, liên xã; xây dựng và được công nhận 3/7 tuyến đường kiểu mẫu về vệ sinh môi trường; 6/6 chi hội kiểu mẫu.
Chị An tâm sự: "Thời gian đầu khi mới tham gia công tác hội, bản thân tôi không khỏi băn khoăn, lo lắng. Nhưng với tinh thần ham học hỏi và được sự giúp đỡ của các bà, các chị đã giúp tôi nhanh chóng tiếp cận với công việc và thể hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình trên cương vị mới mà tổ chức phân công. Nhờ đó nhiều năm liên tục Hội LHPN xã và bản thân tôi được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; nhiều năm nhận Bằng khen của Trung ương Hội LHPN Việt Nam".
Với những cố gắng nỗ lực, tinh thần nhiệt huyết, chị An nhiều năm liên tục được tặng bằng khen, giấy khen của tổ chức hội và đảng ủy các cấp, đặc biệt chị có 5 lần được tặng Bằng khen của Trung ương Hội LHPN Việt Nam.
Hoằng Đại hôm nay đang từng ngày đổi mới, bức tranh quê hương với muôn màu sắc rực rỡ được thêu dệt nên bởi bàn tay của những hội viên phụ nữ và tâm huyết say mê với công tác hội của chị An. Tin tưởng rằng, công tác hội và phong trào phụ nữ trên địa bàn xã sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công hơn nữa để hội phụ nữ cơ sở thật sự là mái nhà chung, là nơi gửi gắm sự tin yêu của các tầng lớp hội viên phụ nữ từ trẻ đến già, chung tay góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, hiện đại, văn minh.