Cần bổ sung tội phổ biến tài liệu khiêu dâm trẻ em trên mạng máy tính

TS Trần Thanh Thảo (Trường ĐH Luật TP.HCM) cho rằng nên bổ sung tội phổ biến tài liệu khiêu dâm trẻ em mạng máy tính, mạng viễn thông hay phương tiện điện tử vào BLHS để phù hợp với công ước quốc tế.

Ngày 13-3, khoa Luật Hình sự, Trường ĐH Luật TP.HCM tổ chức hội thảo tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), mạng viễn thông; những hạn chế trong quy định, thực tiễn áp dụng pháp luật và giải pháp khắc phục.

 Hội thảo do PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa (Trưởng Khoa Luật Hình sự) chủ trì. Ảnh: YC

Hội thảo do PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa (Trưởng Khoa Luật Hình sự) chủ trì. Ảnh: YC

Tại hội thảo, TS Trần Thanh Thảo (Trường ĐH Luật TP.HCM) trình bày tham luận quy định của các điều ước quốc tế về tội phạm CNTT và kinh nghiệm cho Việt Nam. Từ việc so sánh pháp luật Việt Nam về CNTT với một số công ước trên thế giới, TS Thảo đề xuất ba nội dung.

- Thứ nhất, một số tội phạm CNTT được quy định trong một số công ước, có tính nguy hiểm cao cho xã hội như tội phổ biến tài liệu khiêu dâm trẻ em, tội phổ biến tài liệu phân biệt chủng tộc, bài ngoại, tín ngưỡng, tôn giáo qua hệ thống máy tính... nhưng vẫn chưa được Việt Nam xem xét tội phạm hóa.

Trong đó, theo TS Thảo, cần phải nhanh chóng tội phạm hóa đối với hành vi phổ biến tài liệu khiêu dâm trẻ em qua mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử. Bởi lẽ, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em năm 1989 và Nghị định thư không bắt buộc bổ sung Công ước quyền trẻ em về việc buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hóa khiêu dâm trẻ em năm 2000. Các văn bản này yêu cầu các quốc gia thành viên phải bảo vệ trẻ em nói chung và bảo vệ trẻ em khỏi các hành vi xâm hại tình dục nói riêng.

Việc BLHS năm 2015 vẫn chưa tội phạm hóa cụ thể hành vi “phổ biến tài liệu khiêu dâm trẻ em qua mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử" được quy định trong các Công ước đã làm ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo vệ trẻ em cũng như không đáp ứng các nghĩa vụ được đặt ra trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Theo đó, trong trường hợp một người thực hiện hành vi này thì chỉ có thể áp dụng Điều 326 BLHS năm 2015 về tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy để truy cứu TNHS dù hành vi phổ biến tài liệu khiêu dâm trẻ em qua mạng máy tính, mạng viễn thông hay phương tiện điện tử có tính chất nguy hiểm cho xã hội cao hơn do xâm phạm trực tiếp đến danh dự, nhân phẩm của trẻ em.

Vì vậy, cần thiết phải bổ sung tội danh phổ biến tài liệu khiêu dâm trẻ em mạng máy tính, mạng viễn thông hay phương tiện điện tử trong BLHS năm 2015.

- Thứ hai, theo một số công ước, một số hành vi để thực hiện các hành vi phạm tội khác như: xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan, rửa tiền, đánh bạc, mua bán người, mua bán bộ phận cơ thể người, mua bán trái phép vũ khí đều bị coi là tội phạm CNTT và cần phải được hình sự hóa dưới tội phạm độc lập hoặc tình tiết định khung tăng nặng TNHS.

Trong khi đó, hiện nay, hầu hết các tội này BLHS năm 2015 quy định dưới hình thức tội phạm độc lập. Chỉ có tội đánh bạc (Điều 321 BLHS) và tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc (Điều 322 BLHS) có quy định tình tiết sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội là tình tiết định khung tăng nặng TNHS. Do đó, để phù hợp với các chuẩn mực quốc tế cũng như đảm bảo việc truy cứu TNHS phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi cần xem xét bổ sung tình tiết "Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông phương tiện điện tử để phạm tội" là tình tiết định khung tăng nặng đối với một số tội phạm trong BLHS Việt Nam.

- Thứ ba, cần bổ sung quy định về việc pháp nhân thương mại phải chịu TNHS về tội phạm CNTT. Vì các công ước về tội phạm CNTT hiện nay đều yêu cầu các quốc gia thành viên phải truy cứu TNHS đối với pháp nhân khi tội phạm CNTT do cá nhân thực hiện vì lợi ích của pháp nhân hoặc nhân danh pháp nhân và cá nhân phạm tội là người đại diện của pháp nhân đó.

Trong khi, thực tiễn tại Việt Nam đã xảy ra nhiều trường hợp pháp nhân được thành lập chỉ nhằm mục đích thực hiện một số tội phạm CNTT nhưng do BLHS năm 2015 chưa quy định pháp nhân là chủ thể của các tội phạm này nên việc truy cứu TNHS chỉ đặt ra đối với các cá nhân trực tiếp thực hiện tội phạm.

 TS Trần Thanh Thảo phát biểu tại hội thảo. Ảnh: YC

TS Trần Thanh Thảo phát biểu tại hội thảo. Ảnh: YC

PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa thì cho rằng nếu bổ sung tội phổ biến tài liệu khiêu dâm trẻ em mạng máy tính, mạng viễn thông hay phương tiện điện tử thì phải cân nhắc việc xếp vào đâu, vào sau tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy hay nếu xác định đối tượng xâm phạm ở đây là trẻ em thì xếp trong chương các tội phạm xâm phạm tính mạng sức khỏe, sau tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm. Tuy nhiên, các tài liệu khiêu dâm có thể là hoạt hình, hình ảnh sáng tạo nên không có một nạn nhân cụ thể, trong khi tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe phải có một nạn nhân cụ thể. Vì vậy, khi tội phạm hóa phải cân nhắc cả vấn đề này...

 Quang cảnh hội thảo. Ảnh: YC

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: YC

Nên quy định pháp nhân cũng phải chịu TNHS

Tại hội thảo, theo TS Nguyễn Thị Ánh Hồng, qua nghiên cứu các quy định của Luật Hình sự Trung Quốc thì các tội phạm liên quan đến mạng máy tính, mạng viễn thông theo BLHS Trung Quốc có thể do cá nhân hoặc pháp nhân thực hiện. BLHS Trung Quốc quy định công ty, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức công cộng thực hiện hành vi nguy hại cho xã hội mà hành vi đó được quy định là tội phạm thì phải chịu TNHS.

Theo BLHS Trung Quốc chủ thể pháp nhân bao gồm công ty, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức công cộng, nghĩa là không giới hạn phạm vi pháp nhân và giới hạn nhóm hay loại tội phạm mà pháp nhân phải chịu TNHS. Trong khi đó BLHS Việt Nam thì chủ thể pháp nhân thương mại không được quy định cho tội phạm lĩnh vực CNTT, mạng viễn thông.

Theo TS Hồng, chủ thể phạm tội nên được mở rộng ra cho pháp nhân và không có sự giới hạn về loại pháp nhân, loại tội phạm mà pháp nhân bị truy cứu TNHS.

YẾN CHÂU

Nguồn PLO: https://plo.vn/can-bo-sung-toi-pho-bien-tai-lieu-khieu-dam-tre-em-tren-mang-may-tinh-post780184.html
Zalo