Cần bổ sung khái niệm và giao Chính phủ quy định danh mục hàng hóa nguy hiểm cháy nổ
Phát biểu thảo luận về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại Hội nghị ĐBQH chuyên trách sáng nay, 28.8, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho rằng, cần bổ sung khái niệm hàng hóa nguy hiểm cháy nổ trong nội dung quy định về phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh và giao Chính phủ quy định danh mục cụ thể về loại hàng hóa này.
Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà đánh giá cao việc dự thảo đã được tiếp thu, chỉnh lý rất kỹ lưỡng, chi tiết. Đồng thời, cũng tham góp nhiều ý kiến nhằm hoàn chính dự án Luật quan trọng này.
Cụ thể, về giải thích từ ngữ tại Điều 2, liên quan đến huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) - Điều 46, đại biểu cho biết: Khoản 1, Điểm d quy định “Người làm việc trong môi trường nguy hiểm cháy, nổ hoặc thường xuyên tiếp xúc với chất, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ” là đối tượng được huấn luyện về PCCC và CNCH. Tuy nhiên, dự thảo chưa quy định khái niệm về môi trường nguy hiểm cháy, dẫn đến có thể khó phân định đối tượng thuộc diện phải thực hiện trong thực tế. Do đó, cần bổ sung khái niệm, danh mục trong Luật hoặc giao Chính phủ quy định khái niệm, danh mục môi trường nguy hiểm cháy, nổ.
Về quy định phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh (Điều 19), theo phân tích của đại biểu, Khoản 2 quy định điều kiện an toàn PCCC đối với nhà ở kinh doanh hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ. Tuy nhiên, dự thảo chưa quy định khái niệm hàng hóa nguy hiểm về cháy nổ; bên cạnh đó, thực tế số lượng nhà ở kết hợp kinh doanh rất lớn, nếu không xác định rõ thì sẽ khó xác định nhà nào là kinh doanh hay không kinh doanh hàng hóa nguy hiểm về cháy nổ. Vì vậy, cần bổ sung khái niệm hàng hóa nguy hiểm cháy nổ và giao Chính phủ quy định danh mục hàng hóa này.
Đối với quy định về áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy (Điều 10), theo phân tích của đại biểu: Khoản 5 quy định “Trường hợp áp dụng tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cơ quan, tổ chức, cá nhân lựa chọn áp dụng tiêu chuẩn phải có đánh giá bảo đảm tính tương thích, đồng bộ, tuân thủ với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia”. Khoản này mới quy định trường hợp áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài trong trường hợp Việt Nam đã có tiêu chuẩn tương tự để có thể đánh giá tính tương thích mà chưa quy định trường hợp áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài trong trường hợp Việt Nam chưa có tiêu chuẩn tương ứng. Do đó, cần thiết phải bổ sung quy định việc áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài trong trường hợp Việt Nam chưa có quy chuẩn tương ứng.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà cũng đề nghị, bổ sung thêm 1 điểm về quy định về thiết bị truyền tin báo sự cố tại Khoản 1, Điều 15 với lý do "khi lập, điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình, thiết kế xây dựng mới, thay đổi công năng sử dụng hoặc cải tạo công trình phải có giải pháp, thiết kế về phòng cháy và chữa cháy phù hợp với công năng, đặc điểm của công trình và bảo đảm các yêu cầu từ Điểm a đến Điểm g thì việc trang bị thiết bị truyền tin báo sự cố cũng cần được bố trí, thiết kế từ ban đầu để đảm bảo thông tin báo sự cố (cháy, tai nạn, báo lỗi của hệ thống thiết bị báo cháy) của các cơ sở được thực hiện thông qua thiết bị truyền tin báo sự cố đến hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về PCCC của cơ quan Công an kịp thời”. Việc bổ sung quy định này cũng phù hợp với thực tế và quy định hiện hành tại Điều 11, Thông tư số 149/2020/TT-BCA ngày 31.12.2020 của Bộ Công an.
Liên quan đến quy định tại Điều 16 về thẩm tra, thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy, đại biểu cho rằng, Khoản 2 Điểm a quy định “Cơ quan chuyên môn về xây dựng tổ chức thẩm định nội dung quy định tại các Điểm a, b, c, d khoản 1 Điều 15 của Luật này đối với dự án thuộc diện phải thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy khi thực hiện thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng” (tức thẩm định ở bước thiết kế cơ sở). Khoản 2, Điểm đ quy định “Chủ đầu tư tổ chức thẩm định nội dung quy định tại các điểm a, b, c, d khoản 1 Điều 15 của Luật này đối với thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở của công trình”.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, chủ đầu tư thường không có chuyên môn về tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC nên rất khó thực hiện đặc biệt là các công trình lớn, phức tạp như nhà cao tầng, nhà máy do đó đề xuất cơ quan chuyên môn về xây dựng tổ chức thẩm định các nội dung quy định tại các điểm a, b, c, d khoản 1 Điều 15 cả bước thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng và bước sau thiết kế cơ sở của công trình.
Tương tự, về nghiệm thu, kiểm tra công tác nghiệm thu về PCCC (Điều 17), Khoản 2 dự thảo quy định “Chủ đầu tư công trình, chủ phương tiện giao thông chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả nghiệm thu phòng cháy và chữa cháy đối với công trình, hạng mục công trình, phương tiện giao thông”. Tuy nhiên, chủ đầu tư thường không có chuyên môn về tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC nên rất khó thực hiện. Do đó, nên quy định Chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức nghiệm thu, thuê các đơn vị có năng lực thẩm tra thực hiện nghiệm thu về PCCC.
Về thành lập, quản lý lực lượng PCCC và CNCH cơ sở, lực lượng PCCC và CNCH chuyên ngành và lực lượng dân phòng (Điều 38), đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà cho biết: Khoản 3, Điểm d quy định “Ưu tiên thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở theo quy định của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở tham gia Đội dân phòng”.
Trong khi đó, theo Luật Bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở thì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự tại khu dân cư đã có Tổ trưởng, Tổ phó Tổ bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở là Đội trưởng, Đội phó Đội dân phòng và có các tổ viên. Về nhiệm vụ lực lượng này hỗ trợ thực hiện công tác PCCC ở khu dân cư. Do đó, để không làm tăng biên chế, gây chồng chéo nhiệm vụ, đại biểu đề xuất quy định lực lượng dân phòng là lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở. Đồng thời, có quy định cụ thể về chế độ chính sách đối với lực lượng PCCC, cứu hộ cứu nạn cơ sở, chuyên ngành và lực lượng dân phòng; tương tự như Điều 48 đối với người được huy động tham gia và Điều 49 đối với lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH.