Cần bổ sung điều khoản về tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập vào dự thảo Luật

Sáng 20-5, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức Hội thảo góp ý cho Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng phát biểu tại hội thảo

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng cho biết, ngày 22-12-2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia với yêu cầu: khẩn trương sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện đồng bộ các quy định pháp luật về khoa học, công nghệ.

Theo TSKH Phan Xuân Dũng, sửa đổi Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, bên cạnh việc thể chế hóa đầy đủ, kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Nghị quyết số 57-NQ/TW, còn tạo hành lang pháp lý để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng góp vào nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Bà Lê Thị Khánh Vân, Phó Chủ tịch Hội Thông tin khoa học và công nghệ Việt Nam phát biểu

Bà Lê Thị Khánh Vân, Phó Chủ tịch Hội Thông tin khoa học và công nghệ Việt Nam phát biểu

Bà Lê Thị Khánh Vân, Phó Chủ tịch Hội Thông tin khoa học và công nghệ Việt Nam đánh giá cao nỗ lực và quyết tâm của Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc khẩn trương xây dựng Hồ sơ dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đến nay, chỉ trong thời gian 6 tháng đã đưa ra Dự thảo lần 6. Dự thảo Luật đã bám sát các chủ trương của Đảng, các cơ sở pháp lý hiện hành. Hy vọng khi Luật được ban hành sẽ tạo cú hích mạnh mẽ để phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, là động lực chính nhằm phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Một trong những góp ý của bà Khánh Vân là tại Điều 59 về Xây dựng hạ tầng thông tin, thống kê khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo: Thiếu quy định trách nhiệm của các tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ điều tra kinh tế xã hội. Bà Khánh Vân đề nghị bổ sung như sau: “Các tổ chức được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để thực hiện điều tra kinh tế - xã hội có trách nhiệm công bố, chia sẻ, kịp thời đóng góp cơ sở dữ liệu thông tin, thống kê khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo lên hệ thống thông tin quốc gia về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”.

TS. Lê Công Lương, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Khoa học và Hợp tác quốc tế (VUSTA) phát biểu

TS. Lê Công Lương, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Khoa học và Hợp tác quốc tế (VUSTA) phát biểu

TS. Lê Công Lương, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Khoa học và Hợp tác quốc tế (VUSTA) nhận xét, dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã thể hiện nỗ lực đổi mới tư duy lập pháp, hướng đến thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế dựa trên tri thức, khoa học và công nghệ. Nhiều nội dung mới đã được bổ sung như khái niệm “hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia”, các cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, tổ chức trung gian, các định chế tài chính, tài sản trí tuệ… Tuy nhiên, dự thảo vẫn còn một số điểm chưa rõ ràng, thiếu tính khả thi hoặc có thể tạo rào cản trong triển khai thực tiễn.

Một trong số đó là việc dự thảo có 4 điều về Tổ chức khoa học và công nghệ nhưng không có điều riêng cho tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập. Nhiều quy định vẫn thiên lệch về tổ chức khoa học và công nghệ công lập. Do vậy ông đề xuất cần bổ sung điều khoản riêng về tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập, có sự bình đẳng trong tiếp nhận nguồn đầu tư, tài trợ, đấu thầu nhiệm vụ khoa học và công nghệ giữa các tổ chức.

Theo TS. Lê Công Lương, Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là bước chuyển quan trọng về tư duy chính sách, nhưng để khả thi trong thực tế, ông đề nghị Quốc hội chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu đầy đủ ý kiến phản biện từ các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các nhà khoa học và các chủ thể ngoài công lập. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có các văn bản hướng dẫn cụ thể, đồng bộ, tạo hành lang pháp lý thống nhất cho việc triển khai Luật, đặc biệt là các nội dung về cơ chế tài chính, đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ, công nhận tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập, phát triển báo chí khoa học...

Tin và ảnh Thu Hằng

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/can-bo-sung-dieu-khoan-ve-to-chuc-khoa-hoc-va-cong-nghe-ngoai-cong-lap-vao-du-thao-luat-702892.html
Zalo