Cán bộ miền núi Đà Nẵng: Không 'đi để về' mà 'đi để phục vụ'

Dù gặp nhiều khó khăn trong thời gian đầu vận hành chính quyền hai cấp, cán bộ miền núi TP Đà Nẵng vẫn quyết tâm, làm việc cống hiến, phục vụ nhân dân.

Từ đầu tháng 7, cả nước chính thức triển khai mô hình chính quyền 2 cấp. Nhiều xã sáp nhập thành một, trụ sở hành chính mới đặt tại các điểm trung tâm cách trụ sở cũ hàng chục km, kéo theo việc cán bộ phải di chuyển, làm việc và sinh hoạt trong điều kiện khó khăn.

Dù vậy, tất cả đều hướng đến mục tiêu chung: "đặt sự hài lòng của người dân lên hàng đầu".

 Nhiều cán bộ miền núi xã Phước Thành làm việc, sinh hoạt tại nhiệm sở. Ảnh: TN

Nhiều cán bộ miền núi xã Phước Thành làm việc, sinh hoạt tại nhiệm sở. Ảnh: TN

Năm cán bộ cùng ăn ở trong một phòng

Ba xã vùng cao Phước Kim, Phước Thành, Phước Lộc (thuộc huyện miền núi Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam trước đây) nay hợp nhất thành xã Phước Thành mới, trung tâm hành chính đặt tại xã Phước Thành. Vị trí này cách các xã cũ khoảng 15km, nhưng đường sá đi lại khó khăn, phần lớn cán bộ phải ở lại làm việc, sinh hoạt ngay tại nhiệm sở.

Chị Hồ Thị Thu Mỹ, nguyên là chuyên viên văn hóa xã Phước Lộc cũ, nay đảm nhận công việc văn phòng tại xã Phước Thành (TP Đà Nẵng). Chị Mỹ đã chuyển về trung tâm hành chính mới, tạm gác nỗi nhớ con nhỏ để cùng đồng nghiệp toàn tâm toàn ý thực hiện nhiệm vụ.

Giai đoạn đầu sau sáp nhập, xã chưa có nhà công vụ hay nhà ăn tập thể. Các phòng làm việc được tận dụng làm nơi ăn chốn ở cho cán bộ, điều kiện chật chội. Chị Mỹ và bốn nữ cán bộ khác cùng ở chung một phòng rộng khoảng 15m2, mọi sinh hoạt cá nhân như: giặt giũ, nấu nướng, tắm rửa đều ở khu vực bên ngoài.

 Căn phòng nhỏ được kê ba chiếc giường cho năm cán bộ nữ sinh hoạt. Ảnh: TN

Căn phòng nhỏ được kê ba chiếc giường cho năm cán bộ nữ sinh hoạt. Ảnh: TN

“Chị em trong phòng có người đã quen biết từ trước, có người mới gặp khi nhận việc. Do đường xa, chị em cùng làm việc và sinh hoạt tại chỗ, cuối tuần mới về nhà... Tôi đã dự lường được những khó khăn ban đầu nên tinh thần khá ổn, cố gắng hoàn thành tốt công việc. Còn về lâu dài chị em đều mong sẽ có nơi ăn ở, sinh hoạt ổn định hơn”, chị Mỹ chia sẻ.

Đánh giá về công việc, chị Mỹ cho hay tại xã cũ trước đây khá nhẹ nhàng, không đòi hỏi quá nhiều. Tuy nhiên, khi chuyển về đơn vị hành chính mới, khối lượng công việc tăng lên gấp nhiều lần, yêu cầu mỗi cán bộ phải học hỏi, thích nghi nhanh chóng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

“Trước đây tôi phụ trách văn hóa, giờ chuyển sang làm văn phòng, mọi thứ đều mới nên phải vừa làm vừa học, làm cả ngày lẫn đêm để theo kịp công việc”, chị Mỹ kể.

Tương tự, ông Đỗ Hoài Xoan, Chủ tịch UBND xã Phước Thành, hiện đang làm việc trong một phòng rộng khoảng 10m2. Căn phòng nhỏ này vừa là nơi tiếp khách, làm việc, đồng thời cũng là chỗ nghỉ ngơi với một chiếc giường được bố trí ở góc phòng.

Theo ông Xoan, do điều kiện miền núi, hầu hết cán bộ đều làm việc, nghỉ ngơi tại chỗ. Quy mô trụ sở xã Phước Thành cũ chưa đáp ứng được số lượng cán bộ xã mới. Do đó, chỗ làm việc, phòng ốc được tận dụng tối đa bố trí làm nơi ở tạm. Hiểu rõ điều kiện còn khó khăn, lãnh đạo xã động viên cán bộ làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất.

 Phía sau ông Đỗ Hoài Xoan (ảnh) là chiếc giường ngủ đặt ngay trong phòng làm việc. Ảnh: TN

Phía sau ông Đỗ Hoài Xoan (ảnh) là chiếc giường ngủ đặt ngay trong phòng làm việc. Ảnh: TN

“Sau thời gian đầu triển khai chính quyền mới, điều thấy rõ nhất là tinh thần làm việc đầy trách nhiệm và nhiệt huyết của cán bộ, cũng như sự hài lòng của người dân. Bà con rất phấn khởi vì các thủ tục được giải quyết nhanh, khoa học. Cán bộ giờ không còn "đi để về" mà thực sự "đi để phục vụ”, ông Xoan chia sẻ.

Cần cán bộ chuyên môn sâu

TP Đà Nẵng mới có diện tích gần 12.000km2, các xã miền núi có diện tích hàng trăm km, đường sá đi lại khó khăn. Thời gian đầu vận hành còn một số tồn tại cần sự điều chỉnh để vận hành thông suốt hơn.

Ông Châu Ngọc Vĩnh, Chủ tịch UBND xã Bến Giằng, cho biết địa phương gặp một số khó khăn nhất định khi vận hành bộ máy chính quyền hai cấp. Hiện nay, không gian làm việc chật chội, thiếu nhân sự chuyên môn cao ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt là công nghệ thông tin.

“Trong những ngày vừa qua, anh em vừa làm vừa học, tự mày mò để đáp ứng công việc, phục vụ người dân được nhanh nhất”, ông Vĩnh nói và kiến nghị cần tăng cường, luân chuyển cán bộ có chuyên môn cao từ đồng bằng lên miền núi công tác.

 Xã Bến Giằng còn thiếu cán bộ chuyên môn sâu. Ảnh: TN

Xã Bến Giằng còn thiếu cán bộ chuyên môn sâu. Ảnh: TN

Cũng về câu chuyện cần cán bộ chuyên môn sâu, xã Thạnh Mỹ được tiếp nhận toàn bộ trang thiết bị, hạ tầng của HĐND và UBND huyện Nam Giang cũ. Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã này, cho hay hệ thống máy móc đã cũ chưa đáp ứng được yêu cầu mới. Do đó cần phải được đầu tư nâng cấp để phục vụ nhân dân được tốt hơn.

Ông Bình cho biết, cán bộ các phòng ban thuộc huyện trước đây khi phân bổ về xã mới, bắt tay vào công việc thực tế cũng chưa bao quát hết được.

“Trước đây trong phòng chuyên môn, người phụ trách lĩnh vực này, người lĩnh vực kia. Nhưng giờ sáp nhập đòi hỏi cán bộ phải đa năng để đáp ứng yêu cầu công việc. Cán bộ xã cũ chỉ đáp ứng được một nhiệm vụ công việc. Còn bây giờ phụ trách kiêm nhiệm 4-5 nhiệm vụ. Nhưng thời điểm này không tuyển thêm, cho nên chỉ có cách duy nhất là tập huấn chuyên môn để làm sao bộ máy được vận hành trơn tru”, ông Bình nói.

Chủ tịch UBND xã Thạnh Mỹ cũng trải lòng, công việc tại xã mới nhiều, do đó một số cán bộ quá tải. Xã phải cắt bớt các cuộc họp không quá cần thiết, tổ chức họp nhanh gọn nhất để dành thời gian giải quyết công việc, phục vụ người dân được tốt hơn.

 Lãnh đạo TP Đà Nẵng đang khuyến khích cán bộ trẻ đồng bằng lên miền núi công tác. Ảnh: TN

Lãnh đạo TP Đà Nẵng đang khuyến khích cán bộ trẻ đồng bằng lên miền núi công tác. Ảnh: TN

“Sau thời gian ngắn vận hành chính quyền hai cấp, người dân rất phấn khởi. Bởi vì cán bộ không thể làm như hồi xưa, trách nhiệm với dân phải rất cao. Ngay cả Bí thư, Chủ tịch cũng phải trực tiếp xắn tay vào làm việc, theo dõi, báo cáo hằng ngày. Dù còn khó khăn là vậy nhưng anh em đều quyết tâm làm việc để phục vụ người dân được tốt nhất”, ông Bình nói.

Mới đây, trong các buổi làm việc với chính quyền các xã mới, ông Trần Nam Hưng, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết hiện nay tình trạng phân bổ cán bộ giữa các xã miền núi và đồng bằng vẫn còn thiếu cân đối. Có nơi cán bộ dôi dư, trong khi nhiều xã lại thiếu.

Có xã miền núi một phòng phải bố trí tới tám cán bộ cùng làm việc. Cán bộ ăn ở cùng người dân để đảm bảo công việc. Vì vậy, ông Hưng cho biết, TP khuyến khích cán bộ trẻ đồng bằng đăng ký lên miền núi công tác.

THANH NHẬT

Nguồn PLO: https://plo.vn/can-bo-mien-nui-da-nang-khong-di-de-ve-ma-di-de-phuc-vu-post860294.html
Zalo