VRG: Tầm nhìn xa, chiến lược lớn và bước đi bền vững

Trải qua gần một thế kỷ hình thành và phát triển, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đã khẳng định vị thế là một trong những tập đoàn kinh tế hàng đầu của đất nước, đóng vai trò nòng cốt trong chiến lược phát triển ngành cao su Việt Nam và nâng tầm thương hiệu trên trường quốc tế. Giờ đây, với nền tảng truyền thống vững chắc, VRG đang từng bước chuyển mình mạnh mẽ, tiến vào một kỷ nguyên mới - hiện đại, xanh, trách nhiệm và hội nhập sâu rộng.

Từ cây cao su đến hệ sinh thái kinh tế đa ngành

Hiện quản lý gần 1/3 diện tích cao su cả nước với hơn 366.000 ha vườn cây tại Việt Nam, Lào và Campuchia, VRG là lực lượng chủ lực trong hoạch định và thực thi chiến lược phát triển ngành. Với hệ thống 115 công ty thành viên, VRG không ngừng mở rộng từ lĩnh vực cốt lõi là trồng, khai thác, chế biến cao su thiên nhiên sang các lĩnh vực mũi nhọn như công nghiệp cao su, chế biến gỗ, khu công nghiệp, năng lượng tái tạo và nông nghiệp công nghệ cao.

Công nhân khai thác, tập kết mủ cao su.

Công nhân khai thác, tập kết mủ cao su.

Mỗi năm, VRG cung ứng hơn 500.000 tấn cao su đa chủng loại tới hơn 70 quốc gia, trong đó có những thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, EU… Nhiều đơn vị thành viên đã đầu tư chiều sâu, phát triển các sản phẩm cao su sạch, thân thiện môi trường, có giá trị gia tăng cao, phục vụ cho cả công nghiệp, y tế và đời sống.

Trong lĩnh vực chế biến gỗ, VRG chiếm tới 50% sản lượng ván sợi MDF toàn quốc, với 16 nhà máy gỗ công nghiệp quy mô lớn, sử dụng nguyên liệu bền vững từ rừng cao su tái canh. Không dừng lại ở sản xuất, VRG còn tiên phong phát triển 14 khu công nghiệp xanh trên đất cao su chuyển đổi, thu hút hơn 800 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký 15 tỷ USD, tạo việc làm cho 260.000 lao động và đóng góp trên 20.000 tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước.

Chế biến cao su tại một nhà máy.

Chế biến cao su tại một nhà máy.

Kế hoạch năm 2025, VRG được Bộ Tài chính giao tăng trưởng 8%, VRG đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn mặt bằng ngành nông nghiệp.Cụ thể, doanh thu hợp nhất đạt 31.044 tỷ đồng (tăng 8,02% so với 2024); lợi nhuận trước thuế 5.840 tỷ đồng (tăng 4,17%).

6 tháng đầu năm 2025, Tập đoàn đạt được nhiều kết quả tích cực trong bối cảnh thị trường còn nhiều thách thức, tạo tiền đề quan trọng để hoàn thành toàn diện kế hoạch năm.

Cụ thể, tổng doanh thu đạt 11.393 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2024. Lợi nhuận trước thuế đạt 2.502 tỷ đồng, tăng 31,5% so với cùng kỳ năm 2024. Nộp ngân sách đạt 1.660 tỷ đồng, tăng 36% so với năm trước.

Riêng Công ty mẹ – Tập đoàn, 6 tháng đầu năm 2025, doanh thu đạt 2.305 tỷ đồng tăng 62,1% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 880 tỷ đồng, tăng 67,6%, nộp ngân sách đạt 98 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Sản xuất bóng thể thao Geru Star.

Sản xuất bóng thể thao Geru Star.

VRG vững vàng bứt phá trong kỷ nguyên xanh, số và hội nhập

Phát triển bền vững trên ba trụ cột: Kinh tế – Xã hội – Môi trường được VRG xác định là chiến lược lâu dài. Tập đoàn đã có 32 đơn vị xây dựng phương án quản lý rừng bền vững, trong đó 18 đơn vị đạt chứng chỉ VFCS/PEFC-FM và 38 nhà máy đạt chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm PEFC-CoC, điều kiện tiên quyết để tiếp cận các thị trường yêu cầu cao như EU theo quy định EUDR.

Song hành với phát triển kinh tế, VRG luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho người lao động. Với hơn 81.000 cán bộ, công nhân viên, tập đoàn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng cho các chương trình nhà ở, trường học, trạm y tế, khu sinh hoạt văn hóa thể thao tại các vùng sâu, vùng xa nơi đơn vị hoạt động.

Trong kỷ nguyên số, VRG tiên phong ứng dụng chuyển đổi số vào quản trị, truy xuất nguồn gốc, theo dõi vùng trồng, sản lượng, chất lượng sản phẩm. Nhiều đơn vị đã xây dựng hệ thống ERP, nền tảng quản trị hiện đại, giúp tối ưu chi phí và tăng hiệu quả vận hành.

Sản xuất gỗ phôi tại Công ty CP chế biến XNK gỗ Tây Ninh.

Sản xuất gỗ phôi tại Công ty CP chế biến XNK gỗ Tây Ninh.

Trong giai đoạn 2026 – 2030, VRG đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận hai con số. Các giải pháp trọng tâm bao gồm: Mở rộng thêm 8.300 ha khu công nghiệp xanh, ưu tiên Đông Nam Bộ. Mở rộng diện tích cao su tại Lào, Campuchia. Triển khai chiến lược tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, hướng tới 100% đơn vị xây dựng phương án quản lý rừng bền vững, ít nhất 90% diện tích đạt VFCS/PEFC, 100% nhà máy chế biến đạt PEFC-CoC. Tăng tỷ trọng sản phẩm chế biến sâu, nâng cao hàm lượng công nghệ và chuẩn quốc tế trong sản phẩm cao su Việt Nam.

Bằng tinh thần đổi mới, bản lĩnh hội nhập và tư duy phát triển bền vững, VRG đang viết tiếp hành trình mới, hành trình của những con người gắn bó với đất, với cây, với Tổ quốc. Tập đoàn không chỉ là doanh nghiệp sản xuất, mà là hình mẫu của mô hình kinh tế nhân văn, gắn kết hài hòa giữa lợi ích doanh nghiệp, cộng đồng và quốc gia. Vững vàng tiến vào kỷ nguyên mới, VRG đang khẳng định vai trò tiên phong trong công cuộc xây dựng ngành công nghiệp cao su xanh, số và hội nhập của Việt Nam.

PV

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doanh-nghiep/vrg-tam-nhin-xa-chien-luoc-lon-va-buoc-di-ben-vung-i774874/
Zalo