Cán bộ, hội viên phụ nữ đặt ra nhiều vấn đề thiết thực, chính đáng tại buổi đối thoại với Bí thư Tỉnh ủy
Các vấn đề thiết thực, chính đáng đối với phụ nữ từ chuyển đổi số, an toàn mạng xã hội, việc làm, tinh giản biên chế và sắp xếp bộ máy… được đề cập tại buổi đối thoại giữa cán bộ, hội viên phụ nữ với Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên diễn ra sáng 24-4 tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku).

Quang cảnh buổi đối thoại. Ảnh: Hoàng Ngọc
Buổi đối thoại do Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên và Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Gia Lai Rơ Chăm H’Hồng chủ trì, với sự tham gia của gần 150 đại biểu đại diện cho hàng chục ngàn hội viên phụ nữ trong toàn tỉnh.
Buổi đối thoại còn có sự tham dự của Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Lương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp và đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương.

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên tặng quà cho hội viên phụ nữ khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Minh Châu
Phản ánh nhiều vấn đề bức thiết
Tại buổi đối thoại, các cán bộ, hội viên phụ nữ đã đề cập nhiều vấn đề thiết thực, đậm tính thời sự liên quan đến đời sống, quyền lợi, công việc, sức khỏe, an toàn và vị thế của phụ nữ trong xã hội hiện nay, gồm 3 nhóm vấn đề.
Trong đó, nhóm thứ nhất liên quan đến chính sách đặc thù hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ đơn thân, khuyết tật, cao tuổi, phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ, lao động nữ di cư; các giải pháp chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em; phòng-chống tệ nạn xã hội và các hành vi bạo lực, mua bán, xâm hại phụ nữ và trẻ em gái; hỗ trợ phụ nữ trong chuyển đổi số; công tác bảo vệ phụ nữ trên không gian mạng; thúc đẩy bình đẳng giới.
Nhóm vấn đề thứ 2 và 3 tập trung vào công tác cán bộ nữ, nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ Hội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; các chính sách hỗ trợ cán bộ Hội sau khi tổ chức lại bộ máy.
Dịp này, Thường trực Tỉnh ủy đã trao tặng 20 suất quà (2,5 triệu đồng/suất) cho các hội viên phụ nữ là đối tượng chính sách, phụ nữ nghèo, khuyết tật, đơn thân và có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên (thứ 7 từ trái sang) và Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Lương tặng quà cho hội viên phụ nữ là đối tượng chính sách và có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: H.N
Đại diện cho hội viên phụ nữ xã An Thành (huyện Đak Pơ), chị Đinh Thị Đắp phản ánh: “Phụ nữ dân tộc thiểu số rất dễ bị lừa đảo qua môi trường mạng vì thiếu kỹ năng nhận biết. Trong khi tội phạm công nghệ cao ngày càng tinh vi, xin hỏi đồng chí Bí thư Tỉnh ủy có chỉ đạo gì để bảo vệ hội viên phụ nữ trên không gian mạng?”.
Chung mối quan tâm đến an toàn đối với phụ nữ, chị Rơ Chăm H’Thanh-Chủ tịch Hội LHPN huyện Đức Cơ đề cập tình trạng xâm hại tình dục trẻ em ngày càng trở nên nhức nhối, đặc biệt là những vụ việc nghiêm trọng xảy ra trong chính gia đình như cha dượng hãm hiếp con riêng, chú ruột xâm hại cháu gái.
Về đào tạo nghề, việc làm cho phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bà Nguyễn Thị Liên-Chủ tịch Hội LHPN huyện Đak Pơ đề nghị tỉnh cần có định hướng chuyển đổi nghề phù hợp với hoàn cảnh hội viên; có chính sách đặc thù giúp phụ nữ dân tộc thiểu số tự chủ kinh tế, vươn lên trong cuộc sống.
Trong khi đó, bà Tưởng Thị Bích Vân-Phó Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo xã Nghĩa An (huyện Kbang) nêu thực trạng: “Nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng với bằng khá giỏi nhưng khó xin việc. Vậy thời gian tới, các cấp, ngành trong tỉnh có những giải pháp gì để giải quyết việc làm cho sinh viên mới ra trường, nhất là nữ sinh viên người dân tộc thiểu số”.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Lương tặng quà cho hội viên phụ nữ thuộc gia đình chính sách, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn tại hội nghị đối thoại. Ảnh: Minh Châu
Vấn đề chăm sóc sức khỏe được bà Trương Thị Thanh Hòa-Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Pết (huyện Đak Đoa) đề cập: “Phụ nữ vùng sâu, vùng xa khó tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng. Mong tỉnh đầu tư trang-thiết bị, nhân lực y tế cho cơ sở, đảm bảo hội viên phụ nữ được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm”.
Ngoài ra, nhiều hội viên cũng lo ngại việc áp dụng dịch vụ công trực tuyến còn bất cập. Ở các xã vùng sâu, vùng xa, người dân không có điện thoại thông minh, hạn chế kỹ năng công nghệ, dẫn đến khó tiếp cận các dịch vụ hành chính hiện đại.
Vấn đề được chị em đặc biệt quan tâm xoay quanh công tác cán bộ nữ là quy hoạch, bồi dưỡng, sử dụng, luân chuyển, bố trí trong hệ thống chính trị các cấp. Bên cạnh đó, nhiều cán bộ Hội bày tỏ sự lo lắng về việc tinh giản biên chế, điều động công tác xa nhà, ảnh hưởng đến đời sống, công việc, vai trò trong gia đình.
Chị Lưu Thị Tâm-Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Ia Grai-đặt câu hỏi: Nhiều phụ nữ có thể mất việc hoặc bị điều động công tác xa nhà trong đợt sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Tỉnh sẽ có chính sách gì hỗ trợ để nữ cán bộ thích nghi, phát huy năng lực mà vẫn chu toàn việc gia đình?”.

Nhiều vấn đề được hội viên phụ nữ đặt ra trong buổi đối thoại với lãnh đạo tỉnh. Ảnh: Minh Châu
Chia sẻ và hành động
Trước các vấn đề đặt ra, đại diện Công an tỉnh và các sở, ngành liên quan đã trực tiếp giải đáp nhiều nội dung. Thượng tá Trần Trọng Sơn-Trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao (Công an tỉnh) phân tích những nguyên nhân phụ nữ có nguy cơ lừa đảo qua mạng cao hơn nam giới, đồng thời thông tin thêm về công tác tuyên truyền phòng-chống tội phạm mạng, các thủ đoạn mới và khuyến cáo phòng ngừa.

Cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia buổi đối thoại. Ảnh: Minh Châu
Phát biểu kết luận buổi đối thoại, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên khẳng định: Những vấn đề các hội viên phụ nữ đặt ra là hoàn toàn chính đáng và thiết thực. Lãnh đạo tỉnh luôn lắng nghe, ghi nhận, tiếp thu ý kiến từ cơ sở để có định hướng và giải pháp cụ thể, thiết thực. Đối với các loại tội phạm công nghệ cao, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các ngành chức năng tăng cường tuyên truyền, phổ biến kỹ năng nhận diện, cảnh giác cho người dân, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số.
Về đào tạo nghề, giải quyết việc làm, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các cấp Hội cần chủ động định hướng cho chị em, nhất là phụ nữ vùng sâu, vùng xa, trên tinh thần đồng hành, chia sẻ. Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: “Chúng ta không nhất thiết phải vào cơ quan nhà nước. Cơ hội nghề nghiệp trong xã hội rất đa dạng, miễn là hợp pháp và có ích cho cộng đồng”.
Liên quan đến việc tinh giản biên chế và sắp xếp bộ máy, Bí thư Tỉnh ủy cho biết tỉnh thực hiện theo chỉ đạo chung của Trung ương, song sẽ có giải pháp phù hợp để bảo đảm quyền lợi chính đáng của cán bộ nữ. Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Tỉnh đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ nữ. Hiện tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy đạt hơn 15% cấp tỉnh và trên 20% cấp huyện.
Trong nhiệm kỳ tới, việc tăng cường nữ cán bộ trong ban thường vụ cấp xã, đặc biệt là ở bộ phận thường trực, sẽ tiếp tục được chú trọng. Bí thư Tỉnh ủy cũng giao nhiệm vụ cho Hội LHPN các cấp chủ động tham mưu, đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao vai trò, vị thế phụ nữ trong hệ thống chính trị và trong đời sống xã hội.