Cán bộ Biên phòng chung tay giúp dân xây dựng kinh tế hộ gia đình
Thời gian qua, các đơn vị thuộc BĐBP Nghệ An đã triển khai nhiều mô hình phát triển kinh tế thiết thực, hiệu quả, trực tiếp hỗ trợ các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại khu vực biên giới. Những mô hình này không chỉ giúp người dân ổn định cuộc sống, từng bước thoát nghèo, mà còn góp phần thắt chặt tình đoàn kết quân - dân, giữ gìn an ninh trật tự nơi biên cương của Tổ quốc.

Cán bộ Đồn Biên phòng Tam Quang tặng giống rau cho người dân trên địa bàn phát triển kinh tế. Ảnh: Hải Thượng
Ngay sau khi được phân công tham gia sinh hoạt Đảng tại bản Pà Khốm, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong và nhận nhiệm vụ giúp đỡ các hộ gia đình khó khăn, Trung tá Bùi Đức Long, nhân viên Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Tri Lễ đã chủ động phối hợp với chi bộ và chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo tại địa phương. Anh tập trung khuyến khích người dân phát huy thế mạnh sẵn có như trồng đào, măng đắng, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trung tá Bùi Đức Long cho biết: “Với lợi thế đất đai rộng rãi, chúng tôi tham mưu cho các hộ gia đình triển khai chăn nuôi bò, gà đen bản địa, góp phần tạo nguồn thu nhập ổn định".
Cùng với Trung tá Bùi Đức Long, thực hiện Chỉ thị số 681-CT/ĐU ngày 8/10/2018 của Ban Thường vụ Đảng ủy BĐBP về việc phân công đảng viên đồn Biên phòng phụ trách các hộ gia đình ở khu vực biên giới, Đồn Biên phòng Tri Lễ đã triển khai và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ, nhân viên phụ trách các hộ gia đình trên địa bàn. Các đồng chí chỉ huy đơn vị phụ trách từ 5 đến 7 hộ gia đình, các thành viên khác trong đơn vị phụ trách từ 5 đến 10 hộ gia đình.
Thượng tá Hồ Thanh Quang, Chính trị viên Đồn Biên phòng Tri Lễ cho biết: “Các đảng viên Biên phòng được phân công phụ trách hộ gia đình thường xuyên bám địa bàn, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai nhiều giải pháp cụ thể, huy động nguồn hỗ trợ cây, con giống, vật tư sản xuất, giúp người dân xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp, từng bước ổn định cuộc sống, giảm nghèo bền vững”.
Là một trong những hộ dân được Trung tá Bùi Đức Long phụ trách, giúp đỡ xây dựng mô hình phát triển kinh tế gia đình, bà Quang Thị Hóa (bản Lam Hợp, xã Tri Lễ) xúc động chia sẻ: “Gia đình tôi được các chú bộ đội ở Đồn Biên phòng Tri Lễ hỗ trợ mô hình nuôi gà đen để phát triển kinh tế. Các chú không chỉ giúp chúng tôi con giống, mà còn làm chuồng trại chăn nuôi, hướng dẫn tận tình cách chăm sóc đàn gà. Chúng tôi rất biết ơn và cố gắng làm ăn để có cuộc sống khấm khá hơn”.
Xác định phát triển kinh tế là yếu tố then chốt để xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững chắc, các đồn Biên phòng trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương phân công thành viên phụ trách, giúp đỡ các hộ nghèo vươn lên ổn định cuộc sống. Đội ngũ đảng viên Biên phòng bám sát địa bàn, chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con để kịp thời đưa ra các giải pháp hỗ trợ phù hợp với hoàn cảnh của từng gia đình.
Một điển hình khác là gia đình ông Xồng Gà Lầu ở bản Na Cáng, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn. Trước đây, gia đình ông Lầu chủ yếu phát nương làm rẫy, đời sống còn nhiều khó khăn. Năm 2024, Đồn Biên phòng Na Ngoi phân công Thiếu tá Già Bá Ná, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng phụ trách, giúp gia đình ông phát triển kinh tế. Qua khảo sát, Thiếu tá Già Bá Ná đã tham mưu, hỗ trợ gia đình ông phát triển mô hình nuôi ngan và cá nước ngọt. Đồng thời, đơn vị hỗ trợ kinh phí ban đầu 2 triệu đồng mua cá giống và 100 con ngan giống; huy động cán bộ, chiến sĩ giúp đỡ gia đình đào ao thả cá, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi. Với sự tận tình hướng dẫn của Thiếu tá Già Bá Ná và quyết tâm vươn lên của gia đình, đến nay, gia đình ông Lầu đã có thu nhập ổn định, từng bước thoát nghèo.
Cùng với việc phân công đảng viên phụ trách hộ gia đình khu vực biên giới, Đảng ủy BĐBP Nghệ An tiếp tục duy trì 5 cán bộ đồn Biên phòng tham gia cấp ủy các huyện biên giới, 2 đồng chí tham gia HĐND cấp huyện, 23 đồng chí tham gia HĐND cấp xã; 27 đồng chí cán bộ tăng cường làm Phó Bí thư Đảng ủy các xã biên giới; giới thiệu 77 đảng viên BĐBP chuyển sinh hoạt Đảng tạm thời về các chi bộ thôn, bản. Chỉ tính trong năm 2024, đội ngũ này tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương củng cố, kiện toàn 118 chi bộ, 82 tổ chức chính trị - xã hội, kết nạp được 101 đảng viên.
Đại tá Lê Như Cương, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP Nghệ An cho biết: “Thời gian qua, đội ngũ cán bộ tăng cường, đảng viên chuyển sinh hoạt Đảng tạm thời và đảng viên đồn Biên phòng phụ trách hộ gia đình ở khu vực biên giới của BĐBP tỉnh đã phát huy vai trò, trách nhiệm, tham mưu hiệu quả cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, giúp dân phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo. Qua đó, góp phần thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ tại địa phương, đảm bảo "3 yên" (yên dân, yên địa bàn, yên biên giới)".
Đánh giá về vai trò của các đảng viên Biên phòng được tăng cường phụ trách các hộ gia đình trên địa bàn biên giới, ông Thò Bá Rê, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn khẳng định: “BĐBP không chỉ làm tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới, mà còn tham mưu giúp đỡ địa phương củng cố cơ sở chính trị, giúp nhân dân phát triển kinh tế-xã hội ở vùng biên. Sự có mặt thường xuyên của các cán bộ Biên phòng ở các bản làng biên giới đã giúp địa phương thực hiện hiệu quả công tác dân vận, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh tại cơ sở”.