Căn bệnh Từ Hy Viên mắc phải trước khi qua đời vì biến chứng bệnh cúm nguy hiểm thế nào?
Từ Hy viên từng có tiền sử bệnh động kinh, đã nhiều lần phải nhập viện. Khi sinh con, cô cũng từng lên cơn động kinh, bị thiếu oxy, rơi vào trạng thái hôn mê...
Những ngày qua, sự ra đi đột ngột của Từ Hy Viên do biến chứng của bệnh cúm khiến người lo lắng. Theo Tiền phong, Từ Hy viên bắt đầu chuyến du lịch Nhật Bản từ ngày 29 Tết. Trước khi khởi hành, sức khỏe của cô đã có dấu hiệu không tốt, nhưng vì muốn sum vầy cùng gia đình, cô vẫn quyết định lên đường. Trong suốt 5 ngày liên tiếp, tình trạng sức khỏe không cải thiện, cho đến ngày 2/2, bệnh tình đột ngột chuyển biến xấu, cuối cùng không qua khỏi.
Người hướng dẫn viên đi cùng gia đình tiết lộ vào ngày 29/1, Từ Hy Viên đã có dấu hiệu ho và khàn giọng. Hôm đó, cô cùng gia đình đến thị trấn Hakone (tỉnh Kanagawa, Nhật Bản) tắm suối nước nóng. Từ hôm 30 và 31/1, sức khỏe cô ngày càng xấu đi. Đêm 31, tình trạng bệnh đã rất nghiêm trọng, buộc phải nhập viện khẩn cấp.
Đến ngày 1/2, gia đình tiếp tục đưa Từ Hy Viên đến phòng khám nhỏ ở Kyoto nhưng không thể chẩn đoán chính xác. Sau đó, cô được chuyển đến bệnh viện lớn, được bác sĩ xác nhận mắc cúm. Dù đã được kê đơn thuốc và trở về khách sạn nghỉ ngơi, tình trạng sức khỏe của cô không thuyên giảm mà nhanh chóng chuyển biến nguy kịch. Hướng dẫn viên lập tức gọi cấp cứu, nhưng đáng tiếc, Từ Hy Viên đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 7h sáng 2/2.
Từ Hy viên từng có tiền sử bệnh động kinh, đã nhiều lần phải nhập viện. Khi sinh con, cô cũng từng lên cơn động kinh, bị thiếu oxy, rơi vào trạng thái hôn mê, thậm chí có lúc tim ngừng đập, ngừng thở, suýt nữa mất mạng trên bàn mổ.
Bệnh động kinh nguy hiểm thế nào?
Bệnh động kinh là tình trạng bệnh lý ở não, đặc trưng hoạt động phóng điện quá mức và đồng thời của các tế bào thần kinh ở não (có thể khu trú hoặc lan tỏa), biểu hiện lâm sàng bởi những cơn co giật đột ngột, nhất thời và có tính chất lặp lại.
Bệnh động kinh có thể chữa được nhưng nếu không điều trị, biến chứng của bệnh sẽ vô cùng nguy hiểm, thậm chí đe dọa đến tính mạng.
Đối với trẻ sơ sinh bị động kinh, trẻ có nguy cơ bị ngạt chu sinh, nhiễm trùng hệ thần kinh, dị tật bẩm sinh, xuất huyết não, giảm canxi, giảm đường máu, rối loạn chuyển hóa.
Đối với trẻ nhỏ bị động kinh, trẻ có thể phải đối mặt với những di chứng tổn thương não.
Thanh thiếu niên bị động kinh (đặc biệt là động kinh thể vắng) có nguy cơ bị đuối nước khi bơi lội, ngã khi leo trèo, kết quả học tập bị sa sút nghiêm trọng do giảm khả năng tập trung.
Đối với những người trưởng thành, động kinh rất nguy hiểm nếu người bệnh bị tái phát khi đang lái xe, hoặc điều khiển những loại máy móc ở trên cao… Những tình huống như vậy có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Với phụ nữ và người cao tuổi, động kinh là một căn bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, công việc hằng ngày, thậm chí là thiên chức làm mẹ.
Bệnh động kinh không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn gây áp lực tâm lý rất lớn. Đối với nhiều người bệnh động kinh, chính thái độ tiêu cực của cộng đồng đã khiến họ luôn cảm thấy mặc cảm, tự ti và khó hòa nhập với cuộc sống.
Mắc bệnh động kinh, làm gì để giảm thiểu cơn động kinh tái phát
Ở bệnh nhân động kinh, việc phòng ngừa tái phát động kinh là cực kỳ quan trọng để đảm bảo được chức năng sống cũng như sinh hoạt của bệnh nhân diễn ra bình thường, tránh các biến chứng nguy hiểm.
Các biện pháp giúp giảm thiểu cơn động kinh tái phát như:
- Uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ: Đây là một biện pháp phòng ngừa cũng như cách điều trị hiệu quả, quan trọng nhất đối với bệnh nhân động kinh.
- Ngủ đủ giấc: Tình trạng mất ngủ được xem là một yếu tố khởi phát cơn động kinh. Do đó, bệnh nhân động kinh cần phải ngủ đủ giấc, đảm bảo được chất lượng giấc ngủ để phòng ngừa cơn động kinh tái phát.
- Tập thể dục: Đây là một biện pháp giúp bệnh nhân tăng cường sức khỏe, giảm lo lắng về tình trạng bệnh của bản thân.
- Thiết lập chế độ ăn lành mạnh: Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc thì chế độ dinh dưỡng cũng đóng một phần không nhỏ trong việc điều trị và phòng ngừa cơn động kinh. Chế độ dinh dưỡng hợp lý, đủ vitamin và khoáng chất giúp bệnh nhân chống chọi với bệnh tật tốt hơn.
- Hạn chế các chấn thương vùng não: Đây có thể là một yếu tố khởi phát và làm nặng nề lên tình trạng động kinh của bệnh nhân. Do đó, bệnh nhân cần có biện pháp phòng hộ, bảo vệ khi lao động cũng như tham gia giao thông để tránh các chấn thương, nhất là vùng đầu mặt cổ.