Căn bệnh khiến người phụ nữ 'đóng băng' mọi cử động chân tay
Ban đầu, chân tay bà Y. cử động chậm rồi dần 'đóng băng', cứng đơ không như ý muốn. Người phụ nữ này cũng xuất hiện triệu chứng loạn động ở tay và dáng đi.
Nữ bệnh nhân là bà N.T.H.Y., 60 tuổi, quê Quảng Ninh. Những triệu chứng lạ xuất hiện với bà 7 năm trước. Bà được chẩn đoán parkinson. Căn bệnh làm ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cuộc sống, hơn hết là tâm lý chán nản, tự ti, tách biệt với mọi người xung quanh. Bà Y. phải sống phụ thuộc vào thuốc.
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Đình Văn, khoa Phẫu thuật Thần kinh I, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), cho biết bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật đặt điện cực kích thích não sâu mà không cần gây mê. Việc này giúp bà hoàn toàn tỉnh táo trong suốt cuộc mổ để có thể kiểm tra các triệu chứng vận động và hiệu quả của điều trị trong mổ.
Vì tính chất đặc biệt của ca mổ, trước khi lên bàn phẫu thuật, bệnh nhân đã được tư vấn kỹ, hướng dẫn các diễn biến trong mổ để có thể hợp tác tốt nhất với ê-kíp phẫu thuật.
"Sự tỉnh táo cao nhất của bệnh nhân sẽ góp phần vào thành công cuộc mổ", bác sĩ Văn cho biết. Đặc biệt, ca phẫu thuật này còn ứng dụng hệ thống AI (trí tuệ nhân tạo) hỗ trợ trong việc xác định chính xác tọa độ đạt điện cực.
Bệnh nhân cũng được sử dụng các trang thiết bị hiện đại nhất trong mổ như: Hệ thống máy định sinh lý thần kinh phát hiện sóng hoạt động của các nhân xám trung ương, khung định vị chính xác tọa độ…
Theo dõi kết quả sau phẫu thuật, bà Y. có những thay đổi tích cực trong việc kiểm soát các triệu chứng như: Run tay chân, cải thiện tốc độ, độ chính xác các chuyển động của cơ thể, tinh thần lạc quan hơn.
Bác sĩ Văn khuyến cáo sau phẫu thuật, người bệnh parkinson cần tuân thủ phác đồ điều trị để theo dõi, đánh giá tình trạng, đảm bảo hiệu quả tối ưu. Bên cạnh đó, người bệnh cần tăng cường chế độ dinh dưỡng, thực hiện các biện pháp tập luyện thể dục thể thao, vật lý trị liệu, tâm lý trị liệu để cải thiện sự linh hoạt, chất lượng cuộc sống.