Căn bệnh khiến Giáo hoàng Francis phải nhập viện

Người phát ngôn của Vatican, Matteo Bruni, cho biết Giáo hoàng Francis bị nhiễm trùng đường hô hấp đa vi khuẩn, cần phải nằm viện thêm và thay đổi liệu pháp dùng thuốc.

 Giáo hoàng Francis phải hủy bỏ nhiều sự kiện do nhập viện điều trị bệnh nhiễm trùng đường hô hấp đa vi khuẩn. Ảnh: Reuters.

Giáo hoàng Francis phải hủy bỏ nhiều sự kiện do nhập viện điều trị bệnh nhiễm trùng đường hô hấp đa vi khuẩn. Ảnh: Reuters.

Tình hình sức khỏe của Giáo hoàng Francis trở thành mối quan tâm lớn những ngày qua. Ngày 14/2, Giáo hoàng Francis nhập viện điều trị viêm phế quản và phải hủy bỏ lịch trình tham gia nhiều sự kiện.

Tuy nhiên, theo CNN, do bệnh tình của ông diễn biến phức tạp, các bác sĩ buộc phải thay đổi phương pháp điều trị, đồng thời ông phải nằm viện lâu hơn dự kiến.

Nhiễm trùng đa vi khuẩn là gì?

"Các kết quả kiểm tra được thực hiện trong vài ngày qua và hôm nay cho thấy Giáo hoàng bị bội nhiễm đường hô hấp. Ngài đã chụp CT ngực, cho thấy có tình trạng viêm phổi hai bên, cần điều trị bằng thuốc thêm", Vatican thông báo.

Hiện chưa rõ cụ thể phương pháp điều trị mới của Giáo hoàng 88 tuổi, nhưng việc tình trạng bệnh trở nên phức tạp đã làm dấy lên lo ngại về sức khỏe của ông. Trước khi nhập viện, Giáo hoàng Francis đã bị khó thở trong hơn một tuần và nhiều lần phải nhờ trợ lý đọc phát biểu thay.

Theo phát ngôn viên Vatican Matteo Bruni, sau khi nhập viện, người đứng đầu Tòa thánh được chẩn đoán bị nhiễm trùng đường hô hấp và bị sốt. "Bệnh nhiễm trùng đa vi khuẩn của Giáo hoàng phát sinh trong bối cảnh bệnh giãn phế quản và viêm phế quản do hen suyễn, và đòi hỏi phải sử dụng corticosteroid và kháng sinh, điều này khiến quá trình điều trị trở nên phức tạp hơn", Bruni cho hay.

Dù vậy, tinh thần của Giáo hoàng vẫn tốt, ông ngủ ngon và vẫn đọc báo. Những người thân cận với ông cũng khẳng định không có dấu hiệu đáng báo động kể từ khi ông nhập viện tại Bệnh viện Gemelli, Rome, vào ngày 14/2.

 Giáo hoàng Francis đọc bài giảng trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần tại Hội trường Paul VI ở Vatican hôm 12/2. Ảnh: Vatican Media.

Giáo hoàng Francis đọc bài giảng trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần tại Hội trường Paul VI ở Vatican hôm 12/2. Ảnh: Vatican Media.

Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, nhiễm trùng đa vi khuẩn là bệnh cấp tính và mạn tính có thể do sự kết hợp của virus, vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng gây ra. Theo CBS News, TS Maor Sauler, chuyên gia về y học chăm sóc đặc biệt và phổi ở người lớn tại khoa Y của Đại học Yale, cho biết điều này có thể có nghĩa là trong phổi của Giáo hoàng có nhiều hơn một loại vi khuẩn.

Theo TS Sauler, các bác sĩ của Đức Giáo hoàng có thể phải điều chỉnh phương pháp điều trị để đảm bảo thuốc kháng sinh có thể tiêu diệt được tất cả loại vi khuẩn khác nhau.

TS Nick Hopkinson, Giám đốc y khoa của Asthma + Lung UK, cho biết hầu hết người khỏe mạnh có thể phục hồi nhanh chóng sau bệnh viêm phế quản. "Nhưng ở những người bị tổn thương phổi, vi khuẩn có thể xâm nhập và xâm chiếm đường thở và bạn bắt đầu thấy nhiễm trùng khiến việc điều trị trở nên khó khăn hơn", TS Hopkinson cho hay.

Ở những người bị tổn thương phổi trước đó, họ có thể cần hỗ trợ hô hấp, bao gồm hỗ trợ oxy hoặc vật lý trị liệu ngực để giúp loại bỏ chất lỏng tích tụ trong phổi.

Bệnh sử của Giáo hoàng Francis

Theo USA Today, trong nhiều năm qua, sức khỏe của Giáo hoàng Francis luôn là tâm điểm chú ý. Dưới đây là tổng quan về tình trạng sức khỏe và bệnh sử của Ngài trong những năm gần đây.

1957: Một phần phổi bị cắt bỏ do nhiễm trùng đường hô hấp

Theo Hội đồng Giám mục Công giáo Mỹ, vào độ tuổi ngoài 20, Giáo hoàng Francis đã trải qua ca phẫu thuật cắt bỏ một phần phổi bị ảnh hưởng bởi bệnh nhiễm trùng đường hô hấp nghiêm trọng tại quê nhà Argentina. Điều này khiến Giáo hoàng dễ bị cảm lạnh và các bệnh về đường hô hấp hơn.

Tháng 12/2020-1/2021: Đau thần kinh tọa

Cuối năm 2020, Giáo hoàng Francis buộc phải hủy bỏ một số lịch trình tại các lễ kỷ niệm cuối năm do đau thần kinh tọa. Trong các video lan truyền, có thể thấy Ngài gặp khó khăn khi đứng dậy, cần sự hỗ trợ từ các trợ lý trong các lần xuất hiện trước công chúng.

Theo Văn phòng Báo chí Tòa thánh, đến cuối tháng 1/2021, cơn đau thần kinh tọa tái phát, khiến Giáo hoàng tiếp tục hủy bỏ một số sự kiện.

 Giáo hoàng Francis thường xuất hiện khi ngồi xe lăn do đau khớp. Ảnh: Reuters.

Giáo hoàng Francis thường xuất hiện khi ngồi xe lăn do đau khớp. Ảnh: Reuters.

Tháng 7/2021: Cắt bỏ một phần đại tràng

Năm 2021, Giáo hoàng Francis đã trải qua ca phẫu thuật cắt bỏ túi thừa đại tràng và một phần đại tràng do bị hẹp đại tràng. Sau 10 ngày điều trị, Ngài đã sớm bình phục nhưng lại bị tái phát vào đầu năm 2023.

2022: Đau đầu gối tái phát

Trong suốt phần lớn năm 2022, Giáo hoàng Francis đã công khai tình trạng đau đầu gối và được nhìn thấy sử dụng xe tập đi hoặc xe lăn. Một vài lần, ông đã phải hủy bỏ các lần xuất hiện, Vatican News đưa tin.

2023: Viêm phế quản, phẫu thuật bụng và bệnh cúm

Giáo hoàng Francis đã phải đi khám và nhập viện nhiều lần trong suốt năm 2023. Vào mùa xuân năm 2023, Giáo hoàng nằm viện 3 ngày để điều trị viêm phế quản. Vài tháng sau, ông quay lại bệnh viện để kiểm tra theo dõi.

Vào tháng 6/2023, ông phải nhập viện trở lại để phẫu thuật nội soi ổ bụng và thành bụng do thoát vị. Tháng 11/2023, Giáo hoàng đã chụp CT phổi do các triệu chứng giống cúm. Các xét nghiệm cho thấy kết quả âm tính với bất kỳ biến chứng hô hấp nào.

2024: Triệu chứng giống cúm, cằm bầm tím do ngã

Khoảng một năm trước, Giáo hoàng Francis đã đến Bệnh viện Đại học Gemelli để xét nghiệm chẩn đoán do có các triệu chứng giống cúm. Sau đó, vào đầu tháng 12/2024, ông bị ngã, đập cằm vào tủ đầu giường. Cú ngã dẫn đến một khối máu tụ lớn (tụ máu cục bộ) ở phía dưới cằm.

Mai Phương

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/can-benh-khien-giao-hoang-francis-phai-nhap-vien-post1532662.html
Zalo