Cần 900.000 tỷ đồng đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ đến năm 2030
Báo cáo quy hoạch điều chỉnh mạng lưới đường bộ vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhu cầu vốn đầu tư mạng lưới đường bộ đến năm 2030 khoảng 900.000 tỷ đồng.
Tại báo cáo điều chỉnh quy hoạch kèm theo Quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ GTVT cho biết, kết quả tính toán sơ bộ nhu cầu vốn đầu tư mạng lưới đường bộ đến năm 2030 khoảng 900.000 tỷ đồng.
Theo Bộ GTVT, thời gian qua ngành GTVT đã tạo được nhiều đột phá về kết cấu hạ tầng giao thông, đầu tư các công trình trọng điểm có sức lan tỏa lớn, giai đoạn 2016-2020 đã hoàn thành nhiều công trình, dự án quan trọng như: Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Hải Phòng - Quảng Ninh...
Nhiều quốc lộ trọng yếu, cầu lớn, hầm lớn, cảng biển được đầu tư, nâng cấp như cảng cửa ngõ Hải Phòng, cầu Cao Lãnh, Vàm Cống, hầm Đèo Cả, đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện...

Tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo dài 78km qua địa phận của 3 tỉnh khu vực Nam Trung Bộ là Bình Thuận, Ninh Thuận và Khánh Hòa đưa vào khai thác vào dịp 30/4/2024.
Tuy nhiên, do nguồn lực còn hạn chế, việc đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng còn chậm, một số mục tiêu quan trọng đặt ra tới năm 2020 chưa thực hiện được như hoàn thành khoảng 2.000km đường bộ cao tốc, tiêu chuẩn kỹ thuật hệ thống quốc lộ còn thấp chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải tại một số khu vực.
Đánh giá về khả năng huy động nguồn lực tài chính cho đầu tư phát triển hạ tầng giao thông thời gian qua, Bộ GTVT cho biết, có 3 nguồn lực chính gồm: Huy động từ ngân sách nhà nước; từ nguồn tài trợ nước ngoài (tập trung vào ODA) và vay ưu đãi; huy động từ khu vực tư nhân.
Các nguồn lực tài chính ngày một khó khăn đặc biệt là nguồn huy động từ tài trợ nước ngoài (ODA) và vay ưu đãi, nhất là khi Việt Nam đã gia nhập vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình, những khoản vay ưu đãi sẽ giảm dần và mang tính thương mại cao hơn. Việc huy động nguồn lực tài chính cho phát triển hạ tầng giao thông cần điều chỉnh phù hợp.
"Dự báo nguồn lực đầu tư cho hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông sẽ còn khó khăn, trong khi nhu cầu phát triển của nền kinh tế, tổng nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển hạ tầng giao thông có xu hướng ngày một tăng", Bộ GTVT cho hay.
Từ thực tế trên, Bộ GTVT cho rằng, cần có những cơ chế đặc thù, các kế hoạch cụ thể để tập trung nguồn lực ưu tiên, tập trung đầu tư các dự án tạo ra “đột phá”, thực sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững như hoàn thiện đường bộ cao tốc Bắc - Nam từ Lạng Sơn tới Cà Mau, một số tuyến đường bộ cao tốc quan trọng… tăng cường mặt đường, ATGT hệ thống quốc lộ.
Cũng theo Bộ GTVT, theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới và các định hướng phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam thời gian tới cần thiết phải huy động với nguồn lực 3,54,4% GDP/năm. Tuy nhiên, những năm gần đây mức vốn đầu tư vào kết cấu hạ tầng GTVT của Việt Nam chỉ đạt 1-1,5% GDP/năm.
Cho biết nhu cầu cho ngành GTVT giai đoạn 2021-2030 là khoảng 1,8 triệu tỷ đồng, Bộ GTVT đánh giá, với lĩnh vực đường bộ để đảm bảo mục tiêu theo Nghị quyết Đại hội thứ XIII của Đảng là đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000km đường bộ cao tốc và “Nghiên cứu, xây dựng một số tuyến đường bộ cao tốc như Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng...” cần thiết phải tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng các dự án quan trọng quốc gia, các dự án ưu tiên đầu tư.
Cùng đó, việc sắp xếp và sơ bộ nguồn lực đầu tư trong các thời kỳ có cân đối và xem xét phù hợp với tiến trình đầu tư với các phương thức vận tải khác đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của quy hoạch.
Tại quy hoạch điều chỉnh có thay đổi tiến trình các dự án, tuy nhiên về cơ bản là việc điều chỉnh đầu tư sớm một số tuyến và đẩy lùi tiến độ một số tuyến (như cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành…) là cân bằng. Do vậy, theo kết quả tính toán sơ bộ nhu cầu vốn đầu tư mạng lưới đường bộ đến năm 2030 yêu cầu giữ nguyên theo Quy hoạch đã được phê duyệt khoảng 900.000 tỷ đồng.
Bàn về các mục tiêu trên, PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ VN (VARSI), cho rằng, doanh nghiệp có thể huy động vốn từ phát hành trái phiếu, khơi thông nguồn lực tài chính trong xã hội, từ chính các chủ thể quan tâm tới dự án thông qua trái phiếu thay vì chỉ chờ đợi vốn tín dụng.
Theo ông Chủng, các nhà đầu tư có thể góp vốn với tư cách là nhà thầu thi công, doanh nghiệp xây khu đô thị, khu công nghiệp cạnh cao tốc, đầu tư các dự án khác hình thành do chính con đường cao tốc tạo ra. Để xây dựng 5.000km cao tốc đến năm 2030, chúng ta cần có đột phá huy động nguồn lực xã hội và cơ chế chính sách.