Cần 23.300 tỉ đồng để đầu tư các cảng biển Đà Nẵng
Đà Nẵng sẽ có khu bến cảng Tiên Sa, Liên Chiểu, Thọ Quang, Mỹ Khê và bến cảng biển huyện đảo Hoàng Sa.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng vừa phê duyệt quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển TP Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050.
Theo đó, cảng biển Đà Nẵng gồm khu khu bến Tiên Sa, Liên Chiểu, Thọ Quang, Mỹ Khê, bến cảng biển huyện đảo Hoàng Sa và các khu neo đậu, khu chuyển tải, khu tránh, trú bão.
Đến năm 2030, Cảng biển Đà Nẵng được quy hoạch có hàng hóa từ 23 - 29 triệu tấn hàng hóa thông qua (trong đó hàng container từ 1,33 - 1,71 triệu TEU, chưa bao gồm hàng container trung chuyển quốc tế); hành khách từ 532.300 - 597.000 lượt khách.
Giai đoạn này, cảng có tổng số 12 - 15 bến cảng gồm 20 - 23 cầu cảng với tổng chiều dài từ 4.220,3 - 5.745,3 m (chưa bao gồm các bến cảng khác).
Tầm nhìn đến năm 2050, Cảng biển Đà Nẵng tiếp tục phát triển các bến cảng mới đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 4,5 - 5,5%/năm.

Toàn cảnh dự án cảng Liên Chiểu đang thi công. Ảnh: TẤN VIỆT
Trong giai đoạn trên Đà Nẵng hoàn thành đầu tư khu bến cảng Liên Chiểu có quy mô định hướng phát triển tổng thể 22 bến cảng đáp ứng nhu cầu tăng trưởng hàng hóa gồm: 8 bến cảng lỏng/khí; 8 bến cảng container; 6 bến cảng tổng hợp, hàng rời, phát triển hàng container theo kỳ quy hoạch khi có nhu cầu.
Sau năm 2030, chuyển đổi công năng khu bến Tiên Sa thành bến cảng du lịch phù hợp với tiến trình đầu tư, khai thác khu bến Liên Chiểu.
Với quy mô trên, Bộ Xây dựng ước tính nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển đến năm 2030 khoảng 23.335 tỉ đồng. Trong đó, vốn đầu tư cho hạ tầng hàng hải công cộng khoảng 6.505 tỉ đồng và nhu cầu vốn đầu tư cho bến cảng khoảng 16.830 tỉ đồng (chỉ bao gồm các bến cảng kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa).