Cần 20 nghìn tỉ đồng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao đến năm 2030

Nếu được phê duyệt, Đề án đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao giai đoạn 2025 - 2035 và định hướng tới năm 2045 cần kinh phí dự kiến khoảng 20 nghìn tỉ đồng để thực hiện.

Sáng nay, Bộ GD&ĐT phối hợp cùng Trường Đại học (ĐH) Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức lấy ý kiến góp ý dự thảo đề án Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao giai đoạn 2025 - 2035 và định hướng tới 2045.

Thay mặt ban soạn thảo, TS Đặng Văn Huấn, Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT thông tin một số nội dung quan trọng của dự thảo đề án.

Bên cạnh căn cứ từ chính trị, pháp lí, thực tế đã đặt ra bài toán cấp thiết đối với phát triển kinh tế, xã hội tại Việt Nam.

Nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong ngành công nghệ cao tại thế giới và Việt Nam ngày càng cao.

Do đó dự án đặt ra mục tiêu cụ thể giai đoạn 2025 - 2030 tỉ lệ người theo học các ngành STEM (khoa học, công nghệ, kĩ thuật, Toán) đạt 35% ở mỗi trình độ đào tạo. Số người tốt nghiệp các chương trình đào tạo về công nghệ thông tin và truyền thông đạt 80 nghìn người/năm; số người tốt nghiệp các chương trình chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo đạt 20 nghìn người/năm.

Ở giai đoạn 2030 - 2035, mục tiêu cụ thể lần lượt là 40%; 100 nghìn người/năm và 30 nghìn người/năm.

Theo ông Huấn, dự thảo đề án đưa ra một số giải pháp như tăng cường giáo dục và hướng nghiệp STEM đối với học sinh phổ thông; hiện đại hóa chương trình và phương thức đào tạo STEM; triển khai các chương trình đào tạo tài năng STEM gắn với phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh trong các lĩnh vực công nghệ then chốt; hoàn thiện và triển khai các chính sách hỗ trợ người học, thu hút nhiều người giỏi theo học các ngành STEM; hoàn thiện và triển khai các chính sách đào tạo, thu hút và giữ chân đội ngũ giảng viên giỏi; tăng cường đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu; mở rộng hợp tác, liên kết trong nước và quốc tế, tăng cường khai thác các nguồn lực xã hội trong đào tạo nhân lực công nghệ cao.

Dự kiến tổng kinh phí thực hiện đề án đến năm 2030 khoảng 20 nghìn tỉ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước khoảng 16 nghìn tỉ đồng và nguồn vốn hợp pháp khác khoảng 4 nghìn tỉ đồng. 25 cơ sở giáo dục ĐH công lập và 3 cơ sở giáo dục ĐH ngoài công lập được ưu tiên đề án đầu tư và triển khai chương trình đào tạo tài năng.

Nghiêm Huê

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/can-20-nghin-ti-dong-dao-tao-nguon-nhan-luc-phuc-vu-phat-trien-cong-nghe-cao-den-nam-2030-post1677294.tpo
Zalo