Campuchia với chiến dịch nói không với tin giả
Chính phủ Hoàng gia Campuchia vừa ra cảnh báo về tình trạng tin giả có xu hướng gia tăng tại nước này, với việc cơ quan chức năng đã phát hiện trên 1.700 tin giả trong 6 tháng đầu năm nay, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Người phát ngôn Bộ Thông tin Campuchia Tep Asnarith cho biết, bộ này đã tiến hành điều tra, xử lý các tin phi pháp, căn cứ theo tính chất, mức độ nghiêm trọng.
Theo Bộ Thông tin Campcuhia ngày 6/9, tin giả là những thông tin sai lệch dưới dạng văn bản, hình ảnh, âm thanh và được chia sẻ, phát tán trên các nền tảng mạng xã hội, internet và những phương tiện truyền thông khác, nhằm phục vụ các mục đích phi pháp về chính trị, kinh tế,… gây tác động tiêu cực cho xã hội.
Ông Tep Asnarith đặc biệt lưu ý về tình trạng thông tin bịa đặt, xuyên tạc sự thật nhằm kích động bất ổn xã hội, chống phá Chính phủ Hoàng gia Campuchia, xúc phạm các nhà lãnh đạo của đất nước.
Theo ông Asnarith, nếu nguồn phát tán tin giả từ một tài khoản bên trong Campuchia, bộ Thông tin nước này sẽ yêu cầu chủ tài khoản xóa bỏ nội dung sai lệch, kết hợp các biện pháp giáo dục, chấn chỉnh và xử lý những người có trách nhiệm. Trong trường hợp vẫn có sai phạm, Chính phủ Campuchia sẽ phối hợp với bộ, ngành liên quan yêu cầu những công ty cung cấp dịch vụ mạng xã hội xóa bỏ nội dung hoặc tài khoản liên quan.
Đối với những tin giả liên quan đến các tổ chức truyền thông đăng ký hoạt động qua Bộ Thông tin, cơ quan chức năng sẽ quy trách nhiệm và xử lý như cho tạm ngừng hoạt động hoặc thu hồi giấy phép.
Người phát ngôn Bộ Thông tin Campuchia kêu gọi người dân tuân thủ các định hướng như: không chia sẻ những thông tin không xác thực, hình thành thói quen kiểm chứng thông tin từ các nguồn đáng tin cậy.
Bộ Thông tin Campuchia đang chuẩn bị triển khai chiến dịch “Nói không với tin giả” vào cuối năm nay để nâng cao nhận thức của người dân và xã hội về cuộc chiến chống tin giả.
Bộ Nội vụ Campuchia cũng yêu cầu người dân chủ động thông báo, phổ biến cho bạn bè, người thân trong gia đình được biết về loại tội phạm sử dụng tin giả, nhất là hướng dẫn những người lớn tuổi, ít tiếp xúc xã hội. Bất kỳ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của tội phạm sử dụng công nghệ cao nếu không nắm vững được các thông tin về loại tội phạm này.
Quan ngại vấn nạn tin giả trong khu vực, tháng 9 năm ngoái, ông Izzad Zalman, cán bộ cấp cao Văn hóa và Thông tin (Ban Thư ký ASEAN), cho rằng ứng phó tin giả - tin sai sự thật là cần có khung hướng dẫn để quản lý thông tin. Từ đó có bước tiến, trao quyền công bằng nhằm vừa đảm bảo quyền tự do ngôn luận, vừa đảm bảo tính chính xác minh bạch của thông tin. Để làm được điều đó, cần huy động sự tham gia của tất cả các nước thành viên và có định nghĩa chung và khung hướng dẫn.
Không chỉ vậy, người dân phải được nâng cao nhận thức về việc phát hiện thông tin giả qua nhiều cách thức, qua đó giảm thiểu thông tin giả và có trách nhiệm khi đăng thông tin trên mạng xã hội...