Campuchia sẵn sàng đập tan âm mưu biểu tình chống phá của thế lực từ bên ngoài
Trung tướng Chuon Narin, Cảnh sát trưởng thành phố Phnom Penh kiêm Phó Cảnh sát trưởng quốc gia, khẳng định lực lượng an ninh 'đã sẵn sàng trấn áp bất kỳ nhóm cực đoan nào cố gắng tổ chức cuộc biểu tình bất hợp pháp vào ngày 18/8 hoặc những ngày tiếp theo'.
Trước đó ngày 17/8, hơn 1.000 nhân viên an ninh Campuchia đã được triển khai tại thủ đô Phnom Penh ngày 17/8 nhằm đối phó với kế hoạch biểu tình chống chính phủ do phe đối lập ở nước ngoài kêu gọi.
Ông Chuon Narin nói người dân bình tĩnh, không lo lắng về trật tự và an toàn công cộng, đồng thời cho biết hoạt động đi lại bình thường trong thủ đô vẫn được đảm bảo.
Ngày 15/8, Thủ tướng Hun Manet cảnh báo phe đối lập ở nước ngoài đang kêu gọi người dân tập trung tại Phnom Penh vào ngày 18/8 để phản đối sáng kiến Khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam.
Theo ông, đây là âm mưu nhằm lật đổ chính phủ hợp pháp của Campuchia. Thủ tướng Hun Manet tuyên bố sẽ có "hành động cứng rắn đối với những kẻ cố gắng chống phá đất nước" và khẳng định "sẽ không cho phép âm mưu do một số ít thế lực thù địch thực hiện hòng chia rẽ đất nước".
Ý tưởng về “Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam” hình thành tại cuộc gặp giữa Thủ tướng 3 nước Campuchia, Lào, Việt Nam vào tháng 12/1999 tại Vientiane và tháng 1/2002 tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhằm thúc đẩy tăng trưởng và ổn định tại các khu vực biên giới giữa Campuchia, Lào và Việt Nam.
Tại cuộc gặp lần thứ 3 ở Siem Reap (Campuchia, tháng 7/2004), Thủ tướng 3 nước đã thông qua Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tam giác ba nước. Đến tháng 11/2004, tại Lào, Tuyên bố Vientiane về việc thiết lập Tam giác phát triển và định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tam giác ba nước đã được phê chuẩn.
Tam giác Phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam là một khu vực ngã ba biên giới của ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Phạm vi của Tam giác phát triển này bao gồm 13 tỉnh, đó là Ratanakiri, Stung Treng, Mondulkiri và Kratíe ở miền Đông Campuchia, Attapu, Salavan, Sekong và Champasak ở miền Nam Lào và Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Bình Phước ở vùng Tây Nguyên của Việt Nam.