Camera gắn trên mũ bảo hiểm bị cấm ở Đức

Nước Đức cực kỳ nghiêm ngặt với máy quay camera hành động và máy bay không người lái, muốn dùng phải mua bảo hiểm và đăng ký phức tạp.

Ở nhiều nơi trên thế giới, người đi mô tô, xe máy, xe đạp gắn một camera hành động trên mũ bảo hiểm hoặc gắn vào tay lái, được dùng thoải mái.

Một số người có thể mang theo flycam để ghi hình trên không khi đi qua những vùng đất phong cảnh đẹp, nơi không bị lệnh cấm bay từ chính quyền.

Tuy nhiên ở CHLB Đức, các quy định khá nghiêm ngặt khi sử dụng flycam và máy quay hành động, khiến nhiều người bỏ cuộc khi muốn sử dụng những thiết bị này.

Camera hành động (action cam) không được phép sử dụng ở Đức, nhưng lại cho phép ô tô gắn camera hành trình. Ảnh: Motor1.

Camera hành động (action cam) không được phép sử dụng ở Đức, nhưng lại cho phép ô tô gắn camera hành trình. Ảnh: Motor1.

Theo Tòa án Liên bang Đức, quay phim trong giao thông bị coi là giám sát bằng video ở nơi công cộng, tương đương với việc thu thập dữ liệu cá nhân.

Hành vi này có thể bị phạt tiền rất nặng và thậm chí là án tù, ngoại trừ các trang thiết bị ghi hình chuyên dụng được lắp đặt bởi chính quyền.

Ngay cả khi người dùng mong muốn chỉ ghi lại cảnh đẹp của chuyến đi, chính quyền vẫn có thể tạm giữ bạn, tịch thu camera hành động vì lý do vi phạm quyền riêng tư của những người ngẫu nhiên.

Tuy nhiên, ô tô lắp camera hành trình lại được phép ở Đức, nhưng có một số hạn chế về mặt pháp lý.

Nhiều người dân Đức từng thắc mắc, camera hành động gắn trên mũ và camera hành trình trên xe ô tô thì khác gì nhau?

Theo lý giải, việc lưu trữ file hình ảnh từ camera hành trình vào điện thoại hoặc laptop để biến nó thành bản ghi vĩnh viễn, có thể gây ra vấn đề pháp lý nếu không có yêu cầu từ chính quyền.

Những người thường xuyên tải hình ảnh từ camera hành trình trong ô tô về máy tính hoặc điện thoại cá nhân, có thể bị coi là vi phạm quyền riêng tư của những người gặp ngẫu nhiên ngoài đường.

Sử dụng flycam ở Đức phải đăng ký với Cục hàng không liên bang và phải mua bảo hiểm. Ảnh: DJI.

Sử dụng flycam ở Đức phải đăng ký với Cục hàng không liên bang và phải mua bảo hiểm. Ảnh: DJI.

Đối với flycam, việc sử dụng phức tạp hơn nhiều. Người chơi flycam phải mua bảo hiểm máy bay không người lái và đăng ký người điều khiển máy bay không người lái với chính quyền.

Chiếc flycam sẽ được cấp số đăng ký, làm bằng chứng cho thấy nó đã được đăng ký với Cục hàng không liên bang Đức.

Không có gì ngạc nhiên khi phần lớn flycam được sử dụng ở Đức đều do các chuyên gia điều khiển, những người thực sự sử dụng như trang thiết bị cho công việc, được chính quyền giám sát, chứ không phải là những người đam mê chỉ quay cho vui để đăng TikTok.

Lam Anh

Nguồn Xe Giao Thông: https://xe.baogiaothong.vn/camera-gan-tren-mu-bao-hiem-bi-cam-o-duc-192240817213247658.htm
Zalo