Cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông

Với 79,84% đại biểu Quốc hội (ĐBQH) biểu quyết tán thành, sáng 27/6, Quốc hội đã thông qua dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ, gồm 9 chương, 89 điều, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025. Riêng quy định sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao 1,35m khi ngồi xe ôtô có hiệu lực từ 1/1/2026.

Bố trí khoản thu từ xử phạt vi phạm hành chính, đấu giá biển số xe để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông

Trước khi biểu quyết toàn bộ dự án luật, Quốc hội biểu quyết thông qua khoản 2 Điều 9 về quy định cấm: "Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn" với 357/448 (chiếm 73,46%) tổng số ĐBQH biểu quyết tán thành.

Báo cáo giải trình, tiếp thu do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) Lê Tấn Tới trình bày cho biết, về chính sách của Nhà nước về TTATGT đường bộ (Điều 4), nhiều ý kiến nhất trí với quy định về trích lại một phần khoản tiền xử phạt vi phạm hành chính về TTATGT đường bộ sau khi nộp vào ngân sách Nhà nước (NSNN) để phục vụ công tác bảo đảm TTATGT đường bộ; có ý kiến đề nghị quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về NSNN; có ý kiến đề nghị bổ sung quy định trích lại tiền thu được từ đấu giá biển số xe. Tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo trao đổi với Chính phủ để thống nhất chỉnh sửa quy định này tại khoản 1 Điều 4 của dự thảo luật bảo đảm tính khả thi, tạo thuận lợi trong quá trình thực hiện.

Bộ trưởng Lương Tam Quang phát biểu tại phiên thảo luận.

Bộ trưởng Lương Tam Quang phát biểu tại phiên thảo luận.

Có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định trích lại một phần khoản tiền xử phạt vi phạm hành chính về TTATGT đường bộ sau khi nộp vào NSNN; đề nghị quy định rõ trích lại bao nhiêu phần trăm; đề nghị sửa đổi Luật NSNN. UBTVQH thấy rằng, thực tế, trong những năm gần đây, Quốc hội đã phân bổ ngân sách theo hướng bố trí dự toán chi ngân sách 100% nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực TTATGT đường bộ sau khi nộp vào NSNN để tăng cường công tác bảo đảm TTATGT. Tỷ lệ phân bổ cho Bộ Công an và địa phương tùy thuộc vào nhu cầu từng năm. "Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng còn có khó khăn, vướng mắc, do chưa được quy định trong luật. Đến nay, nguồn kinh phí xử phạt vi phạm hành chính năm 2024 được Quốc hội quyết định bố trí, nhưng vẫn chưa được cấp do chưa rõ văn bản hướng dẫn cụ thể về nội dung này", Chủ nhiệm UBQPAN Lê Tấn Tới lý giải.

Sau khi luật này được thông qua, Chính phủ phải ban hành văn bản để quy định cụ thể đối tượng áp dụng, đối tượng được bố trí, các khoản được bố trí, sử dụng kinh phí, lập dự toán, giao dự toán và quyết toán kinh phí được bố trí trên cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật về NSNN (không phải sửa đổi, bổ sung Luật NSNN) để tạo thuận lợi, thống nhất trong quá trình thực hiện. Ngày 22/6/2024, Chính phủ có Văn bản số 335 đề nghị "Bố trí tương ứng các khoản thu từ tiền xử phạt vi phạm hành chính về TTATGT đường bộ và một phần khoản thu từ tiền đấu giá biển số xe đã nộp vào NSNN năm trước để tăng cường, hiện đại hóa cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị, phục vụ bảo đảm an ninh, TTATGT. Giao Chính phủ quy định chi tiết khoản này". Do vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho phép giữ lại nội dung này và có chỉnh sửa tại khoản 1 Điều 4 của dự thảo luật như đề xuất của Chính phủ.

CSGT kiểm tra kiến thức để phục hồi điểm trừ giấy phép lái xe

Về điểm giấy phép lái xe (Điều 58), có ý kiến cho rằng, trừ điểm giấy phép lái xe là một hình thức xử phạt vi phạm hành chính bổ sung. Khoản 3, một số ý kiến đề nghị giao Bộ Giao thông Vận tải quy định về tổ chức kiểm tra kiến thức pháp luật về TTATGT đường bộ để phục hồi điểm trừ để bảo đảm tính thống nhất trong quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.

UBTVQH thấy rằng, quy định điểm, trừ điểm giấy phép lái xe trong dự thảo luật được tiếp cận là một biện pháp để quản lý việc chấp hành pháp luật của người lái xe sau khi được cấp giấy phép lái xe, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT đường bộ đối với người lái xe, phòng ngừa vi phạm, không có tính chế tài nên không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính bổ sung theo pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Về nội dung kiểm tra kiến thức pháp luật về TTATGT đường bộ tương tự nội dung sát hạch lý thuyết cấp giấy phép lái xe, nên tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh sửa quy định kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về TTATGT đường bộ theo quy định tại khoản 7 Điều 61 của luật này (Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quy định). Còn về thẩm quyền kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về TTATGT đường bộ thì giao cho lực lượng CSGT là phù hợp, vì lực lượng này có trách nhiệm quản lý người sau khi được cấp giấy phép lái xe.

Về bảo đảm TTATGT đối với xe ôtô chở học sinh, trẻ em mầm non (Điều 46), căn cứ tình hình thực tiễn trong thời gian vừa qua, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho bổ sung quy định xe ôtô kinh doanh vận tải chở học sinh, trẻ em mầm non hoặc xe ôtô kinh doanh vận tải kết hợp với hoạt động đưa đón học sinh, trẻ em mầm non phải có thiết bị ghi nhận hình ảnh học sinh, trẻ em mầm non và thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe vào điểm a khoản 1 và khoản 2 Điều 46 của dự thảo luật.

Đối với quy định đấu giá biển số xe (Điều 37), tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo bổ sung việc xác định biển số xe đưa ra đấu giá và chỉnh lý cụ thể tại khoản 1 Điều 37 dự thảo luật. Dự thảo luật đã có quy định biển số xe đấu giá không thành sẽ được đưa ra đấu giá lại tại Điều 38.

Đề xuất mua máy bay phục vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH). ĐBQH Phạm Đình Thanh (Kon Tum) cho rằng, với nguyên tắc lấy phòng ngừa là chính, để thực hiện hiệu quả công tác phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy nổ, sự cố tai nạn và thiệt hại do cháy nổ gây ra, ngoài việc quy định đầy đủ, chặt chẽ về vấn đề thẩm tra, thẩm định, thiết kế, nghiệm thu, kiểm tra, nghiệm thu về PCCC, cần bổ sung vào dự án luật các chính sách cụ thể nhằm ưu tiên và tạo điều kiện thuận lợi nhất trong công tác nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong nước, kết hợp với việc nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến của nước ngoài để phục vụ công tác PCCC&CNCH.

Trước hết là quan tâm đầu tư đúng mức cho việc đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nâng cao năng lực, sức chiến đấu của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH; đồng thời cần phải có sự ưu tiên thỏa đáng về nguồn lực tài chính để mua sắm đầu tư trang bị những phương tiện tiên tiến, hiện đại hiện có trên thế giới nhằm phục vụ tốt nhất và đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất trong việc cứu người bị nạn.

Theo ông, khi có tình huống xảy ra, yêu cầu công tác CNCH là phải nhanh chóng, hiệu quả. Người thực hiện nhiệm vụ phải thể hiện rõ sự dũng cảm, quyết đoán, trong môi trường nguy hiểm, rủi ro cao. "Cần quy định ưu tiên thỏa đáng về nguồn lực tài chính để mua sắm, trang bị phương tiện CNCH tiên tiến, đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất để cứu người, cứu tài sản, dập đám cháy nhanh nhất, kể cả máy bay để phục vụ PCCC&CNCH", đại biểu tỉnh Kon Tum đề xuất.

ĐBQH Đoàn Thị Hảo (Thái Nguyên) đề nghị Ban soạn thảo làm rõ cơ chế huy động nguồn lực ngoài ngân sách, nguồn đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân đầu tư cho công tác PCCC&CNCH. Cùng chung suy nghĩ, ĐBQH Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) đề nghị nghiên cứu, bổ sung, quy định rõ trong dự thảo luật về những chính sách ưu tiên, ưu đãi của Nhà nước trong việc xây dựng lực lượng, trang bị phương tiện phục vụ công tác PCCC&CNCH. "Trong đó, cần ưu tiên thỏa đáng nguồn lực tài chính để mua sắm, đầu tư trang thiết bị hiện đại, tiên tiến trên thế giới, đáp ứng yêu cầu CNCH trong những tình huống khó nhất", bà nhấn mạnh.

Đề cập thực tiễn tình hình cháy, nổ ngày càng diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, nhất là ở các thành phố lớn, nơi có các khu đô thị, chung cư mini, tập trung đông dân cư..., đại biểu nhất trí cao với sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật PCCC&CNCH trên cơ sở sửa đổi toàn diện Luật PCCC hiện hành; đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ trong việc chuẩn bị hồ sơ dự án luật công phu, chất lượng...

Quy định trách nhiệm của người dân trong lắp thiết bị báo cháy

Ở góc độ khác, ĐBQH Trần Thị Thu Phước (Kon Tum) đánh giá cao dự thảo luật lần này có nhiều điểm mới nổi bật, như cắt giảm thủ tục hành chính, từ 42 thủ tục xuống còn 13 thủ tục, đã hỗ trợ rất nhiều cho người dân và doanh nghiệp, cũng như tạo điều kiện cho cơ sở tham gia hoạt động PCCC. Dự thảo luật đẩy mạnh xã hội hóa nhiều nội dung trong nghiệm thu PCCC như tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, kiểm định kỹ thuật, thi công, lắp đặt, bảo dưỡng...

Dẫn thực tế vừa qua có nhiều vụ cháy nhà dân gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản mà nguyên nhân chính từ ý thức của người dân trong chính ngôi nhà của mình, nhiều vụ cháy xảy ra trong đêm, khi cả gia đình đang ngủ hay không có người lớn ở nhà, ĐBQH Trần Thị Thu Phước khuyến nghị dự thảo luật bổ sung quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của người dân trong lắp đặt chuông, thiết bị báo cháy, báo khói; khuyến khích lắp đặt hệ thống chữa cháy tự động có thể kích hoạt từ xa thông qua các thiết bị điều khiển thông minh. "Đồng thời, nghiên cứu xây dựng hệ thống dữ liệu, khuyến khích người dân chia sẻ dữ liệu từ các thiết bị báo cháy gia đình lên hệ thống cơ sở dữ liệu chung của cơ quan chức năng để làm tốt công tác cảnh báo, kịp thời chữa cháy...", bà góp ý.

Theo ĐBQH Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị), dẫu biết rằng "nhất thủy, nhì hỏa" là nguy cơ thảm họa luôn rình rập từ ngàn đời nay, nhưng chưa bao giờ "giặc hỏa", cháy lại khủng khiếp và tàn khốc như gần đây. "Nguy cơ cháy vô cùng lớn từ các khu nhà trọ, nhà ở, nhà ống, ngõ hẹp, sâu trong thành phố, từ vũ trường, nhà hàng, karaoke, 1.001 kiểu cháy khó lường... Lâu nay chúng ta ít quan tâm đầy đủ đến việc PCCC đối với nhà ở của người dân, các quy định của pháp luật dường như chỉ dừng lại ở sự khuyến nghị, khuyến cáo, không thấy các quy phạm có tính bắt buộc. Vì vậy, người dân không sẵn sàng trong công tác PCCC, thoát nạn, tư tưởng chủ quan, đơn giản", ông nói.

Đại biểu đề nghị dự thảo luật cần tiếp cận, nghiên cứu kỹ, sâu, đầy đủ, cụ thể hơn về công tác PCCC đối với nhà ở người dân; xác lập các quy định, trang bị cơ sở vật chất, nguyên tắc ứng xử, hành động của người dân về PCCC và thoát nạn một cách cụ thể và có tính bắt buộc. "Đã đến lúc cần có một cuộc cách mạng, một phong trào quần chúng sâu rộng, liên tục, bền vững và hiệu quả, được tổ chức thực hiện bằng hành lang pháp lý quyết liệt hơn về PCCC", đại biểu tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh và đề nghị Điều 17 về phòng cháy nhà ở và khoản 2, Điều 46 về trang bị đối với cơ sở hộ gia đình, phương tiện giao thông cơ giới cần thiết kế xứng tầm hơn theo hướng yêu cầu trang bị đầy đủ phương tiện, phù hợp với tình hình nguy cơ cháy, nổ...

Quỳnh Vinh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/cam-tuyet-doi-nong-do-con-khi-dieu-khien-phuong-tien-giao-thong-i735740/
Zalo