Cấm sử dụng điện thoại trong trường: Cần thiết nhưng cách triển khai nên phù hợp
'Đi đôi với việc cấm học sinh sử dụng điện thoại trong trường, cần tạo môi trường học tập và vui chơi hấp dẫn' - Tiến sĩ Phạm Thị Thúy cho biết.
Liên quan đến việc Sở GD&ĐT TP.HCM dự kiến cấm học sinh sử dụng điện thoại trong giờ chơi, trong hoạt động giáo dục (trừ khi giáo viên cho phép), Báo Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Phạm Thị Thúy, chuyên viên tâm lý, giảng viên Học viện chính trị khu vực II.

Tiến sĩ Phạm Thị Thúy, chuyên viên tâm lý, giảng viên Học viện chính trị khu vực II tại một buổi trao đổi với học sinh. Ảnh: NVCC
Lợi ích của việc hạn chế học sinh sử dụng điện thoại
. Phóng viên: Sở GD&ĐT TP.HCM dự kiến từ năm học 2025–2026 sẽ cấm học sinh sử dụng điện thoại trong giờ ra chơi và trong các hoạt động giáo dục, trừ khi được giáo viên cho phép. Là một chuyên gia thường xuyên tiếp xúc với học sinh, chị nhận định như thế nào về chủ trương trên?.
+ TS Phạm Thị Thúy: Đây là một chủ trương rất đáng hoan nghênh. Việc cấm sử dụng điện thoại trong trường nhưng không cấm tuyệt đối, chỉ sử dụng khi giáo viên cho phép là hoàn toàn hợp lý.
Thứ nhất, nó giúp học sinh giảm sự lệ thuộc vào điện thoại di động. Các em bây giờ dùng điện thoại quá nhiều, điều này khiến cả phụ huynh lẫn giáo viên đều rất bất lực. Khi giảm sự lệ thuộc vào điện thoại, trẻ sẽ có cơ hội tham gia nhiều hoạt động hơn.
Thứ hai, việc này giúp học sinh nâng cao khả năng học tập. Sự xuất hiện của các công cụ như ChatGPT và các ứng dụng AI khác, nhiều em có xu hướng lười suy nghĩ. Nếu các em sử dụng điện thoại trong giờ học để tìm đáp án thay vì tự động não thì việc học không còn hiệu quả. Do đó, cấm điện thoại trong lớp tăng khả năng tập trung, rèn luyện tư duy và phát triển trí tuệ.
Trẻ vẫn cần được học cách sử dụng điện thoại, cách tìm kiếm thông tin, cách sử dụng AI nhưng những kỹ năng đó nên được rèn luyện khi các em tự học ở nhà. Còn trong giờ học ở trường, trẻ cần tập trung vào bài giảng, tương tác với thầy cô và bạn bè.
Thứ ba, việc cấm học sinh sử dụng điện thoại giúp hạn chế nguy cơ trẻ tiếp xúc các nội dung độc hại trên mạng như lừa đảo, bạo lực, các hành vi không phù hợp và bị bắt nạt trực tuyến.
Nếu cấm điện thoại trong trường, sẽ giảm đáng kể các nguy cơ như vậy. Không thể nói là sẽ hết hoàn toàn, vì các em vẫn có thể sử dụng điện thoại ở nhà, nhưng ít nhất khi ở trường, các em sẽ tránh được nhiều xung đột, mâu thuẫn và cả bạo lực học đường.
Hiện, các trường học tại TP.HCM đang đẩy mạnh mô hình “trường học hạnh phúc”. Đây là xu hướng tích cực. Trường học hạnh phúc nghĩa là nơi đó phải an toàn về thể chất, tinh thần lẫn môi trường học tập. Khi không sử dụng điện thoại trong trường, các em sẽ được an toàn hơn, an toàn trong vui chơi, học tập và đặc biệt là khi tiếp cận môi trường mạng.
Đi đôi với cấm điện thoại, cần tạo môi trường học tập và vui chơi hấp dẫn

Học sinh Trường THCS Trường Thạnh chơi cờ tướng khi ra chơi. Ảnh: NTCC
. Theo chị, vì sao hiện nay, học sinh lại lệ thuộc vào điện thoại?
+ Vì các em chán các hoạt động ở trường, chán tiết học, chán thầy cô. Những tiết học đơn điệu, các hoạt động vui chơi nghèo nàn khiến trẻ không tìm thấy hứng thú.
Do đó, song song với việc cấm dùng điện thoại, tôi mong trường học, giáo viên, hội đồng trường, đoàn - đội cần tổ chức thêm nhiều hoạt động vui, sáng tạo, hấp dẫn. Nếu không có hoạt động thay thế, việc cấm điện thoại sẽ rất vất vả cả với giáo viên lẫn học sinh.
. Vậy nhà trường cần làm gì để giúp học sinh xa rời điện thoại, tích cực tham gia vào hoạt động của trường, tập trung học tập?
+ Trong lớp học, giáo viên nên áp dụng các phương pháp sư phạm tích cực, nghĩa là những phương pháp có sự tham gia chủ động của học sinh. Các em được đóng vai, được thảo luận nhóm, được chơi trò chơi, được tương tác, được “động não” trong giờ học. Khi đó, trẻ cảm thấy được ghi nhận, được thể hiện bản thân, được học hỏi và được kết nối. Giờ học khi đó sẽ trở thành “giờ học hạnh phúc” chứ không còn là “giờ học nhàm chán”.
Ngoài giờ học trên lớp, giáo viên chủ nhiệm cần đặc biệt quan tâm đến đời sống tâm lý, tình cảm của học sinh. Các buổi sinh hoạt lớp không nên là hình thức mà cần trở thành không gian thực sự ý nghĩa.
Giáo viên nên biết học sinh đang quan tâm điều gì. Những gì trẻ đang tìm hiểu, nếu có ích, thầy cô có thể đưa vào các buổi sinh hoạt hoặc lồng ghép vào môn học. Như vậy, các em sẽ thấy nhà trường bắt kịp xu hướng xã hội. Từ đó, thầy cô có thể định hướng về đạo đức, kỹ năng sống, tư duy tích cực cho học sinh một cách tự nhiên.
Ngoài ra, các tiết sinh hoạt dưới cờ, tiết chủ nhiệm cuối tuần cần được đổi mới. Hãy tổ chức trò chơi, các buổi chuyên đề, sân khấu hóa, mời khách mời hoặc học sinh tự tổ chức nội dung. Làm vậy sẽ giúp học sinh yêu thích những tiết sinh hoạt này, thay vì coi đó là “giờ chết”.
Các hoạt động ngoài lớp học cần đa dạng hơn. Một số trường rất sáng tạo trong việc tổ chức góc đọc sách ngoài trời, trang bị nhạc cụ để học sinh chơi. Không phải trường nào cũng có điều kiện về kinh phí quan trọng ở tư duy tổ chức.
Trẻ bây giờ có nhiều sở thích khác nhau. Nếu trường chỉ có vài trò chơi đơn giản sẽ có một bộ phận học sinh không biết làm gì trong giờ ra chơi, đành ngồi trong lớp… và lôi điện thoại ra. Làm sao để thời gian ở trường thực sự trở thành niềm vui đối với các em. Khi các em thấy đi học là vui, là hạnh phúc, thì các em sẽ… quên điện thoại.

Một hoạt động của học sinh tại Trường THCS Trường Thạnh. Ảnh: NTCC
Trẻ nghiện điện thoại không phải vì điện thoại quá hấp dẫn, mà là vì trẻ không nhìn thấy cuộc sống ngoài điện thoại có gì hấp dẫn hơn.
Cần sự đồng thuận của phụ huynh và học sinh
. Theo chị, làm sao để triển khai chủ trương cấm điện thoại này một cách hiệu quả và nhận được sự đồng thuận?
+ Việc phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh rất quan trọng. Trước tiên, trường học cần tuyên truyền để phụ huynh hiểu lợi ích việc cấm học sinh sử dụng điện thoại trong trường, kể cả giờ ra chơi lẫn ngoài giờ học.
Trường cũng phải thống nhất với phụ huynh phương án quản lý điện thoại hợp lý. Ví dụ, học sinh đến trường nộp điện thoại theo lớp, trường sẽ bố trí phòng bảo vệ hoặc tủ khóa an toàn để cất giữ điện thoại, hết giờ các em lấy lại điện thoại liên hệ với phụ huynh. Phương án trên vừa đảm bảo không sử dụng trong giờ học vừa không làm gián đoạn việc liên lạc.
Việc triển khai quy định trên phải thật linh hoạt, tránh cứng nhắc, phải tính toán và lường trước những tình huống khẩn cấp để có sự hỗ trợ kịp thời từ giáo viên, bảo vệ hoặc ban giám hiệu.
Khi triển khai chủ trương này hãy nhớ rằng, chúng ta cấm vì lợi ích của học sinh. Do đó, mọi thứ cần được thiết kế dựa trên quyền lợi, sự an toàn và sự phát triển lành mạnh của các em.

Học sinh Trường THCS Nguyễn Thái Bình liên hệ với gia đình qua điện thoại bàn của trường. Ảnh: NTCC
Biến việc cấm điện thoại thành cơ hội giáo dục
. Vậy việc cấm học sinh sử dụng điện thoại phải chăng là cơ hội để giáo dục học sinh cách sử dụng điện thoại?
+ Đây là cơ hội tốt để giáo dục các em cách sử dụng điện thoại thông minh và có trách nhiệm. Chúng ta không phải cấm là để ngăn cản hoàn toàn, mà để tạo ra môi trường học tập an toàn và hiệu quả, đồng thời giúp các em hình thành thói quen sử dụng công nghệ đúng lúc, đúng chỗ.
Một đứa trẻ được dạy cách dùng điện thoại có trách nhiệm từ sớm thì dù ở nhà, ở trường hay đi đâu, các em sẽ biết kiểm soát bản thân, không để công nghệ chi phối hoàn toàn cuộc sống.
Ngoài ra, trường học cần linh hoạt trong quản lý. Nếu phụ huynh thấy trường có lý, có tình, có phương án cụ thể, rõ ràng, minh bạch, thì họ sẽ ủng hộ. Khi ấy, học sinh cũng sẽ dễ dàng tuân thủ mà không cảm thấy bị ép buộc hay phản kháng.
. Xin cảm ơn bà!