Thông điệp của Tổng Bí thư và triết lý cải cách từ nơi gần dân nhất

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa có một phát biểu dứt khoát về vai trò của chính quyền cấp xã trong cải cách hành chính. Một thông điệp ngắn, nhưng đủ sức lay chuyển cả hệ thống nếu được thực thi đến tận cùng: 'Tôi chỉ biết đến chính quyền xã'.

Tại cuộc họp của Bộ Chính trị và Ban Bí thư, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có một phát biểu thể hiện rõ tinh thần cải cách hành chính quyết liệt, dứt khoát và hướng về người dân: “Vận hành bộ máy mới, trăm thứ là xã. Việc gì giải quyết được hết ở xã rồi thì tỉnh, thành phố khỏe lắm. Nếu việc gì thuộc thẩm quyền của tỉnh, thành phố thì xã phải báo cáo, xin ý kiến của các cơ quan, sở, ngành để giải quyết cho dân. Bây giờ lại nói là ông lên sở này, sở kia mà hỏi thì không được rồi. Câu ấy hết sức vô trách nhiệm. Không thể trả lời dân như thế. Tôi chỉ biết đến chính quyền xã. Ông phải giải quyết cho tôi mọi việc”.

Phát biểu của người đứng đầu Đảng đã gửi một thông điệp rõ ràng: cải cách không thể dừng ở cấp trung ương hay cấp tỉnh, mà phải “chạm” đến từng người dân thông qua bộ máy hành chính cấp xã, nơi gần dân nhất.

Những năm qua, không ít người dân ngao ngán với cảnh chạy vòng vòng từ xã lên huyện, tỉnh mà vẫn không được giải quyết dứt điểm thủ tục hành chính. Sự chồng chéo, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm giữa các cấp, các cơ quan đã khiến không ít người bức xúc. Câu nói “cái này phải hỏi cấp trên” từng là lời cửa miệng của không ít cán bộ xã để đẩy khó cho cấp trên, thay vì chủ động giải quyết trong phạm vi thẩm quyền, hoặc hướng dẫn cặn kẽ.

 Cấp xã không chỉ là nơi quản lý dân cư, hộ khẩu, mà còn là nơi định đoạt cảm nhận của người dân về sự minh bạch, hiệu lực và hiệu quả của chính quyền.

Cấp xã không chỉ là nơi quản lý dân cư, hộ khẩu, mà còn là nơi định đoạt cảm nhận của người dân về sự minh bạch, hiệu lực và hiệu quả của chính quyền.

Tổng Bí thư Tô Lâm đã thẳng thắn chỉ ra điều đó là “hết sức vô trách nhiệm”. Và hơn thế, ông đặt ra một chuẩn mực hành xử mới: “Tôi chỉ biết đến chính quyền xã. Ông phải giải quyết cho tôi mọi việc.” Đây không chỉ là yêu cầu chính trị, mà còn là lời nhắc nhở đạo đức công vụ, nơi cán bộ xã không thể đứng ngoài cuộc sống của người dân, không thể “làm quan nhỏ nhưng thờ ơ lớn”.

Ở tầm vĩ mô, những cải cách lớn về thể chế sẽ rất khó thành công nếu điểm tiếp xúc giữa người dân và chính quyền chính là xã, phường vẫn trì trệ, lạnh lùng và vô cảm. Một tờ giấy xác nhận hộ khẩu, một dấu mộc cho vay vốn, một chứng nhận nhà đất… đều bắt đầu từ xã. Nếu cán bộ xã vô cảm hoặc thiếu trách nhiệm, người dân có thể đánh mất niềm tin vào cả bộ máy công quyền.

Từ nhiều năm qua, các chương trình cải cách hành chính đã được trung ương chỉ đạo quyết liệt, với hàng loạt nghị quyết, đề án, cắt giảm thủ tục, đơn giản hóa quy trình. Nhưng nếu bộ máy cấp xã, tuyến đầu của chính quyền, không chuyển động, thì toàn bộ quyết tâm cải cách rất dễ bị “tắc” ở khâu triển khai.

Phát biểu của Tổng Bí thư không chỉ là sự chỉ đạo từ trên xuống, mà còn khẳng định một triết lý quản trị gần gũi: xã là nơi người dân “chạm” vào Nhà nước đầu tiên, và cũng là nơi cần thấm nhuần nhất tinh thần cải cách. Bởi “trăm thứ là xã”, nếu cấp xã vận hành trơn tru, có trách nhiệm, thì cả hệ thống sẽ giảm tải, người dân sẽ tin tưởng, và nền hành chính sẽ “ấm lên từ gốc”.

Một bài học quan trọng từ các nước cải cách thành công là: sự thay đổi bắt đầu từ cấp thấp nhất, nơi va chạm trực tiếp giữa công quyền và nhân dân. Cấp xã không chỉ là nơi quản lý dân cư, hộ khẩu, mà còn là nơi định đoạt cảm nhận của người dân về sự minh bạch, hiệu lực và hiệu quả của chính quyền. Nếu cán bộ xã trách nhiệm, tận tâm, biết “cầm tay chỉ việc” thay vì “chỉ tay năm ngón”, thì hàng loạt thủ tục sẽ không cần chuyển tuyến, không cần dây dưa.

 Chính quyền xã phải trở thành “nút gỡ” chứ không phải “điểm nghẽn”.

Chính quyền xã phải trở thành “nút gỡ” chứ không phải “điểm nghẽn”.

Để làm được điều đó, không chỉ cần “cơ chế một cửa” hay “chính quyền số”, mà cần một lớp cán bộ xã có năng lực và bản lĩnh. Họ không chỉ biết luật, biết quy trình, mà còn phải biết lắng nghe và đồng hành cùng dân. Một nền hành chính gần dân là nền hành chính biết chia sẻ trách nhiệm, không né tránh.

Không ít địa phương đã mạnh dạn phân cấp cho cấp xã giải quyết nhiều thủ tục hành chính quan trọng, từ chứng thực đến cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ, xử lý các tranh chấp dân sự nhỏ… Nhưng cũng có nơi cán bộ xã lúng túng vì thiếu hướng dẫn, thiếu năng lực hoặc sợ sai. Trong khi đó, người dân không có nhiều lựa chọn, bởi họ không thể “khiếu nại” chính quyền xã như khi khiếu nại doanh nghiệp. Niềm tin của họ chỉ có thể dựa vào chất lượng phục vụ thực tế.

Do đó, cải cách bộ máy phải đi liền với cải cách trách nhiệm, cải cách lề lối làm việc. Chính quyền xã không thể tiếp tục là nơi “chuyển đơn”, mà phải là nơi “giải quyết việc”. Muốn vậy, cần xác lập một ranh giới rõ ràng về thẩm quyền và cơ chế phản hồi, để người dân biết ai là người cuối cùng chịu trách nhiệm. Không thể để tình trạng “xã nói không biết, tỉnh lại đẩy về xã”, trong khi thời gian, chi phí và niềm tin của người dân cứ thế bào mòn.

Phát biểu trên của Tổng Bí thư Tô Lâm cần được nhìn như một cú hích, không phải để truy cứu trách nhiệm, mà để khơi dậy trách nhiệm. Nó gửi đi thông điệp rằng chính quyền không thể làm “quan” mà phải làm “công bộc của dân”. Và cải cách hành chính, sắp xếp lại chính quyền địa phương hai cấp, không chỉ là chuyện phần mềm, thiết bị, hay thủ tục, mà là cuộc cải cách thái độ phục vụ, từ xã, nơi gần dân nhất cũng là thiết yếu nhất trong toàn bộ hệ thống.

Chính quyền xã phải trở thành “nút gỡ” chứ không phải “điểm nghẽn”. Muốn vậy, cần rà soát lại toàn bộ quy định về phân cấp, ủy quyền, tăng cường tự chủ cho cấp xã nhưng đi kèm với kiểm tra, đánh giá hiệu quả thực thi. Đồng thời, phải có chế độ, đãi ngộ xứng đáng để thu hút người giỏi về công tác ở cấp cơ sở.

Cải cách không có nghĩa là làm lại tất cả từ đầu. Nhưng nếu không thay đổi từ nơi gần dân nhất, thì cải cách sẽ chỉ là những khẩu hiệu tốt đẹp trên văn bản. Tư duy mà Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “chính quyền xã là nơi tôi gửi gắm niềm tin”, chính là bước đi cần thiết để đưa cải cách hành chính đi vào thực chất, đi đến tận cùng và lan tỏa đến từng người dân.

Một nhà nước kiến tạo không thể bỏ qua tầng thấp nhất trong bộ máy. Một hệ thống hiệu quả không thể được tạo lập nếu tuyến đầu trì trệ. Và một cuộc cải cách đúng nghĩa, phải bắt đầu từ nơi dân cần nhất: chính quyền cấp xã. Đó không chỉ là chỉ đạo chính trị, mà là trách nhiệm đạo lý trong một nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Lê Thọ Bình

Lê Thọ Bình

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/thong-diep-cua-tong-bi-thu-va-triet-ly-cai-cach-tu-noi-gan-dan-nhat-post186384.html
Zalo