Cảm nhận 'Một Sáu Tám'
Hồi cuối năm ngoái, trong lần dự tổng kết năm 2024 của Hội Nhà văn Việt Nam, tôi được một nhà văn ngồi cùng bàn ghé tai hỏi nhỏ: 'Ông thấy cái một sáu tám nó thế nào?'.
Dĩ nhiên tôi hiểu ông bạn nhà văn đang hỏi về Nghị định 168/2024/NĐ-CP ngày 26-12-2024 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Vào thời điểm tôi nghe câu hỏi đó, quả thực tình hình trật tự an toàn giao thông rất… căng thẳng. Thứ nhất là giao thông đô thị ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thường xuyên xảy ra ùn tắc. Thứ hai là có nhiều tài xế bị phạt với mức tiền phạt kha khá. Vậy nên đã có không ít ý kiến tỏ ra không hài lòng với nghị định này, nhưng ngược lại cũng có khá nhiều sự ủng hộ với việc xử phạt nặng.

Nghị định 168 với mức phạt cao đi kèm với phạt nguội đã giúp giao thông được trật tự hơn
Đường ta, ta cứ đi…
Ông bạn nhà văn đưa ra câu hỏi cho tôi chắc là cũng muốn tìm ở tôi câu trả lời theo một trong hai xu hướng trên. Không suy nghĩ, tôi trả lời luôn: “Tôi đồng tình”. Ông bạn hình như hơi ngạc nhiên khi nghe câu trả lời ngắn gọn (thì cứ nhìn thái độ của ông ấy là hiểu) nên tôi nói thêm: “Nhà tôi ở Phan Đình Phùng, con phố nằm giữa quận Hoàn Kiếm và Ba Đình. Buổi chiều tôi thường cùng bà xã đi bộ quanh “thành”, nghĩa là đi bộ dọc phố Phan Đình Phùng, rồi qua Hoàng Diệu, rẽ sang Trần Phú, ngoặt vào Lý Nam Đế, và về nhà. Xưa nay chặng đường ấy tôi thích nhất là phố Phan Đình Phùng vì nó có vỉa hè khá rộng và đường thì một chiều. Cứ ngỡ với con phố và vỉa hè như thế thì việc đi bộ sẽ vô cùng thuận lợi, nhất là cho những người cao tuổi tranh thủ vừa đi bộ thể dục lại vừa ngắm người, ngắm phố. Vậy mà không!”.
Bắt đầu từ ngã ba Phan Đình Phùng - Hàng Bún, đoạn phố này dài chỉ chừng 300m nhưng có nhiều cửa hàng, cửa hiệu và công sở. Do đó, vỉa hè đoạn phố này tuy khá rộng nhưng đã được chiếm dụng một phần làm chỗ đậu xe máy cho khách (và cả số ít bàn ghế cho khách ngồi ăn uống nữa). Việc đi bộ đã không mấy suôn sẻ, lại bị từng đoàn xe máy lao thốc lên vỉa hè, vừa rồ ga, vừa bóp còi inh ỏi. Các ông bà già đi bộ cứ gọi là giật mình thon thót, có cảm giác như xe sắp đâm sầm vào mình. Thế là cho dù bà xã có rủ rê thế nào thì tôi cũng từ chối đi bộ. Tôi ra vườn hoa Hàng Đậu tập thể dục. Mà cũng đâu có yên, cánh xe máy vẫn nối nhau lao lên vỉa hè vườn hoa bất chấp phía trước có đèn xanh, đèn đỏ. Có lần tôi thấy một cậu đi xe máy nhỡ va nhẹ vào một cháu nhỏ đang tung tăng bám theo bà. Cậu bé ngã, rất may không hề hấn gì, thế nhưng trẻ con hễ sợ là khóc toáng lên. Cậu xe máy vẫn rú ga phóng đi và quay lại mắng người bà: “Sao bà không trông cháu?”. Khốn nỗi, vỉa hè là chỗ cho người đi bộ chứ đâu phải cho xe máy mà cứ phóng ầm ầm. Tôi lại thấy nản chuyện đi dạo ở vườn hoa Hàng Đậu.
Từ chuyện ấy, tôi đã không ngại ngần trả lời câu hỏi của ông bạn nhà văn. Tôi luôn cho rằng, xe máy dứt khoát không được leo lên vỉa hè. Nhớ có hôm ngồi uống nước đầu ngõ, câu chuyện vòng vo thế nào lại quay về chủ đề Nghị định 168. Ông bạn già tên Việt sau khi uống một ngụm trà nóng thì có ý kiến khá gay gắt: “Đường phố thì ùn tắc, sao không cho xe đi lên vỉa hè để giúp lưu thông?”. Nghe vậy, tôi đặt vội ly trà xuống và gay gắt không kém: “Đấy là sáng kiến của ông phải không?”. Ông Việt gật đầu bổ sung thêm: “Vào giờ cao điểm thì cũng nên cho xe máy đi trên vỉa hè”. Tôi nhăn mặt vì không hiểu sao ông này có ý kiến kỳ quặc đến thế. Chưa hết, ông Việt nói tiếp: “Chiều qua tôi đi xe máy đến ngã tư Nguyễn Tri Phương - Phan Đình Phùng. Rõ ràng Phan Đình Phùng là đường một chiều, vậy sao không cho xe máy được phép rẽ phải?”. Lại nóng mặt thêm lần nữa.

Vỉa hè, vườn hoa vẫn bị chiếm dụng một phần làm chỗ đỗ xe máy
Lập lại trật tự
Dĩ nhiên là buổi tụ tập uống trà của mấy ông U70 hôm ấy đã thành cuộc cãi nhau to. Mọi người chia thành 2 phe, phe theo ý kiến của ông Việt và phe phản đối. Sau hồi gay gắt thì tôi có ý kiến: “Trước hết, về việc xe máy được phép rẽ phải khi có đèn đỏ, chuyện này không mới nhưng muốn thế thì phải ở những con phố có làn đường rộng, đủ để phân làn cho xe rẽ phải. Còn với những con phố không đủ rộng thì không nên”. Tôi dẫn chứng, có những ngã tư mặc nhiên xe được rẽ phải khi có đèn đỏ, nhưng đường không đủ để phân làn, vậy nên xe máy cứ “vô tư” mà cho rằng mình rẽ phải là đúng luật. Và thế là họ cứ bấm còi inh ỏi, lại còn to tiếng nhắc xe đằng trước tránh sang bên trái để nhường đường cho họ vượt lên rẽ phải. Khổ nỗi, đường đâu còn chỗ để tránh sang trái cho xe khác vượt lên. Thế nên những ai đã dừng xe coi như “không chấp” và vẫn thản nhiên dừng chờ đèn đỏ. Nghe tôi dẫn chứng như vậy có nhiều người đồng tình, vì đâu phải cứ muốn rẽ phải khi có đèn đỏ là được rẽ. Muốn rẽ cũng phải tính đến con phố đó có đủ rộng để phân làn cho xe rẽ phải chứ? Ông Việt nghe giải thích thế thì lặng im. Chuyện ông ấy muốn rẽ phải đâu như ông ấy nghĩ.
Trở lại chuyện vỉa hè bị xe máy lao lên phóng ầm ầm, rất phản cảm với những chiếc xe “hồn nhiên” như thế. Họ mặc kệ sự an toàn của mình và của người khác. Dĩ nhiên va chạm không phải là không xảy ra, may mà chỉ bị nhẹ chứ không nghiêm trọng. Đấy là chưa nói có nhiều người chỉ thích… hơn người. Họ để xe máy lên đè vạch rồi vẻ mặt làm ra mình “anh hùng” lắm. Thái độ này dường như đã “ăn vào máu” những người chuyên thích chuyện hơn thua. Có lẽ họ cho rằng việc dừng đèn đỏ sau xe người khác có vẻ thấp kém hay sao mà cứ phải vượt lên đè vạch mới… xứng tầm.

Vỉa hè bị xe máy lao lên phóng ầm ầm, rất phản cảm với những chiếc xe “hồn nhiên” như thế
Nghị định 168 ra đời vào đúng dịp cuối năm, khi mà ai ai cũng tất bật, vội vã, nên không thể tránh được điều tiếng. Đã thế có người còn đổ tội chuyện giao thông ùn tắc là do nghị định này. Rồi khi vi phạm giao thông và bị công an phạt nặng cũng điều nọ, tiếng kia, cho rằng phạt nặng để… tận thu. Từ Tết đến giờ, chuyện đường sá đã giảm ùn tắc rõ rệt. Điều đó chứng tỏ dịp cuối năm lưu lượng người và xe tham gia giao thông gia tăng trên mức bình thường. Còn bây giờ mọi việc trở lại như cũ, đâu còn thấy ùn tắc nữa. Cũng nói thêm rằng, nhờ có Nghị định 168 với mức phạt cao đi kèm với phạt nguội đã giúp giao thông được trật tự hơn. Bây giờ chẳng mấy khi thấy xe máy lao lên vỉa hè bất chấp người đi bộ (thi thoảng lắm mới thấy một vài trường hợp thiếu ý thức như vậy), vợ tôi lại rủ đi bộ như ngày xưa. Tôi đồng ý ngay vì đi bộ bây giờ không còn nỗi lo xe đâm vào mình. Vào lúc cao điểm, đường phố cũng đông hơn đôi chút, nhưng cánh xe máy vẫn nối nhau mà đi. Chắc hẳn trong đầu họ nơm nớp nỗi lo bị phạt nguội. Ngã ba, ngã tư đèn đỏ cũng vậy, bớt hẳn đi mấy chiếc xe máy “muốn hơn người” lao lên đè vạch.
Hôm qua, tôi sang Sóc Sơn chơi với anh bạn nhà văn, cơm nước xong xuôi thì lên taxi về phố. Giữa trưa, nhưng các ngã tư đèn đỏ ở quanh xã Mai Đình và Quang Tiến mà chúng tôi ngang qua, cho dù là đường “nhà quê” nhưng thấy đèn đỏ là ô tô, xe máy đều tự giác dừng trước vạch. Tôi trêu cậu lái taxi: “Đường vắng tanh ấy mà, xe mình phóng vèo qua đi”. Cậu taxi lắc đầu: “Cháu chả dại! Phạt nguội nặng lắm. Mà đen đủi xảy ra tai nạn thì còn mất nghiệp luôn ấy chứ!”. Mới hay, cái anh “một sáu tám” rất được, đáng ra phải ban hành sớm hơn mới đúng.