Cầm mũ bảo hiểm đánh vào đầu học sinh, cảnh sát bị xử lý như thế nào?
Luật sư cho rằng cảnh sát đánh 2 học sinh ở Sóc Trăng có thể bị xử lý về hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe khi thi hành công vụ.
Chiều 28/9, lãnh đạo Công an thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) làm việc với Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự và Cơ động để làm rõ vụ lực lượng tuần tra giao thông đánh 2 học sinh.
Sự việc được dư luận quan tâm sau khi mạng xã hội lan truyền clip dài hơn 5 phút quay cảnh một CSGT và một cảnh sát trật tự đánh 2 thiếu niên đi xe máy. Sau khi đánh bằng gậy chỉ huy giao thông, cảnh sát trật tự đã dùng tay đánh chân và mũ bảo hiểm đánh vào vùng đầu nam sinh điều khiển xe máy. Một lúc sau, thêm 2 cảnh sát trật tự chạy môtô đến. Một trong 2 cảnh sát này cũng đánh nam sinh điều khiển xe máy.
Theo đại tá Lâm Thành Sol, Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng, vụ việc xảy ra sau khi tài xế xe máy chèn ép môtô của cảnh sát. Nhận định việc đánh người là sai, ông Sol cho biết đơn vị sẽ căn cứ tường trình của người liên quan để xử lý.
Mức độ xử lý phụ thuộc tỷ lệ thương tật
Trao đổi với Zing về vụ việc, luật sư, tiến sĩ Nguyễn Thành Tô (Tạ Quang Huy & Cộng sự, TP.HCM) cho biết cảnh sát chỉ được dùng vũ lực với 2 nam sinh trong trường hợp để ngăn chặn nếu 2 người này tiếp tục chạy xe ẩu, lạng lách và có thể gây nguy hiểm với những người xung quanh. Trong video, 2 nam sinh đã dừng xe và không gây tổn hại gì, cảnh sát chỉ được quyền xử phạt tại chỗ hoặc tạm giữ xe máy để xử lý.
Theo luật sư Tô, hành vi của cảnh sát trong trường hợp này có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật về tội Cố ý gây thương tích theo Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 hoặc tội Gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác khi thi hành công vụ theo Điều 137 Bộ luật hình sự năm 2015.
“Trường hợp cảnh sát gây thương tích khi đang thi hành công vụ phải chứng minh được mình đang thi hành công vụ. Họ được chỉ đạo từ cấp trên hay lịch trực công tác. Trường hợp không thi hành công vụ, cảnh sát sẽ bị xử lý về tội Cố ý gây thương tích. Trong cả 2 trường hợp, kết quả giám định thương tật sẽ là căn cứ để xử lý”, luật sư Tô phân tích.
Căn cứ vào khoản 1 Điều 137 BLHS 2015, luật sư Tô cho biết người nào trong khi thi hành công vụ dùng vũ lực ngoài những trường hợp pháp luật cho phép, gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm.
Trường hợp cảnh sát trật tự ngồi sau đánh cả 2 nam sinh có thể bị xử phạt theo khoản 2 Điều 137 BLHS 2015, hình phạt là 2-7 năm tù. Ngoài ra, theo điều luật này, người phạm tội có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm.
Còn trong trường hợp cảnh sát đang không thi hành công vụ, họ có thể bị xử lý theo Điều 134 BLHS 2015. Mức độ xử lý cũng phụ thuộc vào kết quả giám định thương tật. Người phạm tội có thể bị xử phạt nhẹ nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị phạt tù 12-20 năm hoặc tù chung thân.
Có thể bị xử lý về tội giết người?
Theo đoạn video, khi nam sinh lái xe tháo mũ bảo hiểm, cảnh sát trật tự vẫn cầm mũ bảo hiểm đập vào đầu tài xế này. Luật sư Tô cho rằng hành vi này của cảnh sát trật tự có thể bị xem xét xử lý về tội Giết người.
Theo luật sư, mũ bảo hiểm nếu đạt chuẩn sẽ rất cứng, có thể cản được những vật cứng tác động. Đây có thể coi là hung khí nguy hiểm. Còn đầu là phần trọng yếu của cơ thể, quyết định sự sống chết của con người nếu bị tác động.
“Phải xét đến yếu tố cảnh sát có cố ý muốn gây tổn hại sức khỏe cho bị hại hay không. Nếu hành vi diễn ra liên tục, việc cảnh sát cầm mũ bảo hiểm (hung khí nguy hiểm) đánh vào đầu nam sinh (vùng trọng yếu cơ thể) đã cấu thành tội Giết người”, luật sư Tô phân tích.