Cảm hứng và thực tế từ giải vô địch xe đạp châu Á

Đội tuyển xe đạp Việt Nam đã vượt khó để tranh tài tại giải vô địch châu Á, điều đó là sự thật. Tuy nhiên, thành tích và những tấm huy chương cần được nhìn nhận đúng đắn, tránh hiện tượng thổi phồng quá đà.

Vượt khó từ tro tàn

Trong những ngày đầu tháng 2, xe đạp bất ngờ trở thành môn thể thao được người hâm mộ Việt Nam quan tâm hàng đầu. Mọi chuyện bắt nguồn từ quá trình chuẩn bị trước giải vô địch xe đạp châu Á 2025, tổ chức tại Thái Lan. Chỉ ít ngày trước nội dung thi đấu đầu tiên, toàn bộ thiết bị, bao gồm xe đạp đua của tuyển Việt Nam đã gặp sự cố lớn.

Hình ảnh và video được các HLV đội tuyển xe đạp Việt Nam chia sẻ cho thấy, chiếc xe tải chở thiết bị của đội gặp tai nạn tại Thái Lan. Cú va chạm mạnh khiến toàn bộ xe đạp đua cháy rụi. Lực lượng cứu hộ có mặt kịp thời, nhưng họ không thể ngăn thiệt hại lớn về mặt tài sản của vụ hỏa hoạn này.

Trong môn xe đạp, những chiếc xe đạp đua được ví như một phần cơ thể của vận động viên. Họ sẽ thi đấu ra sao nếu như xe đạp cũng không có? Oái oăm hơn, tình huống này lại xảy ra 24h trước khi thi đấu. Mọi khó khăn dường như ập tới đội tuyển Việt Nam cùng lúc, theo kịch bản tồi tệ nhất mà các thành viên của đội có thể tưởng tượng đến.

Nhưng thể thao là không ngừng cố gắng và liên tục vượt khó. Trong hoàn cảnh ngặt nghèo nhất, đội tuyển xe đạp Việt Nam vẫn tìm thấy ánh sáng hy vọng. Trên cương vị nước chủ nhà, phía Thái Lan đã lập tức huy động trang thiết bị thi đấu hỗ trợ phía Việt Nam. Trong vòng chưa đầy nửa ngày, Thái Lan đã huy động tới 20 chiếc xe, bao gồm 7 xe chất lượng cao.

Bên cạnh việc tìm được xe đạp chuẩn thi đấu để hỗ trợ phía Việt Nam, Hiệp hội Xe đạp Thái Lan còn hào phóng tặng thiết bị đi kèm. Trên dưới 15 bộ mũ, kính và pedal thi đấu được phía Thái Lan gửi tặng Việt Nam. Một nắm khi đói bằng một gói khi no, và nghĩa cử hào phóng này của phía Thái Lan thực sự là nguồn hỗ trợ đáng giá cho các HLV, VĐV Việt Nam.

Bên cạnh sự hỗ trợ từ phía Thái Lan, đội tuyển Việt Nam cũng tự vượt khó bằng nội lực. Ngay sau khi biết tin xe chở thiết bị của đội tuyển gặp nạn, phía đầu Việt Nam đã chuẩn bị vật tư hỗ trợ nhằm chuyển đến Thái Lan trong thời gian sớm nhất. Số thiết bị này đã kịp giờ cho các VĐV thi đấu nội dung đường trường trong nửa cuối giải đấu.

Lửa thử vàng, gian nan thử thách. Câu nói này đúng với đội tuyển xe đạp Việt Nam trong những ngày đầu năm. Vượt qua những khó khăn ở thời điểm giải đấu còn chưa bắt đầu, các VĐV đã cố gắng tranh tài trong điều kiện ngặt nghèo nhất. Đó thực sự là thông điệp giá trị được thể thao mang theo.

Cũng từ sự cố của đội tuyển Việt Nam tại giải vô địch xe đạp châu Á 2025, người hâm mộ mới phần nào hiểu được khó khăn của người làm thể thao. Mỗi xe đạp đua có giá không hề thua xe máy, ôtô hàng hiệu. Việc trang bị vật tư cho đội tuyển cần những khoản kinh phí khổng lồ, và không ít trong số đó đang được Nhà nước chi trả, chăm lo cho VĐV.

Tuyển xe đạp Việt Nam đã vượt khó tại giải vô địch châu Á 2025.

Tuyển xe đạp Việt Nam đã vượt khó tại giải vô địch châu Á 2025.

Nhìn nhận thành tích thực tế

Sau những ngày thi đấu đầu tiên, Việt Nam đã giành 2 HCV tại giải vô địch xe đạp châu Á 2025. Thành tích của họ, bằng một cách nào đó, khiến công chúng hiểu nhầm đây là những VĐV thi đấu ở hạng mục dành cho VĐV nhà nghề (Elite). Tuy nhiên, thực tế diễn ra lại hoàn toàn khác.

Tính đến ngày 12/2, hai tấm HCV giải vô địch châu Á của xe đạp Việt Nam đến từ các hạng mục phân chia nhóm tuổi. Đó là những tấm huy chương dành cho VĐV phong trào, bán chuyên, ở lứa tuổi trên 40 dành cho nữ và trên 60 dành cho nam. Đây là thành tích ấn tượng cho thể thao phong trào, nhưng không có nhiều ý nghĩa với thể thao thành tích cao.

Trong những năm gần đây, nhiều giải thể thao cấp độ châu lục và thế giới thường xuyên gộp hạng mục thành tích cao và phong trào vào một chương trình thi đấu. Việc này được thực hiện nhằm quảng bá môn thể thao đến công chúng nhiều hơn. Nhiều VĐV phong trào là người nổi tiếng, có ảnh hưởng trên mạng xã hội, và họ có thể quảng bá hình ảnh môn thi đấu.

Thành tích của VĐV tại các giải châu lục và thế giới, vì thế, được tính theo các hạng mục riêng. Trong câu chuyện của giải vô địch xe đạp châu Á 2025, hạng mục VĐV nhà nghề (Elite) chỉ có 5 bộ huy chương. Bảng tổng sắp chính thức có thêm hạng mục dành cho VĐV nam, nữ thuộc lứa tuổi trẻ và U23, không tính thành tích của VĐV phong trào.

Không thể phủ nhận 2 HCV vô địch châu Á của xe đạp Việt Nam đã giúp công chúng biết đến môn thể thao này nhiều hơn. Nhưng ở góc độ thể thao thành tích cao, chúng lại không có nhiều ý nghĩa. Trên thực tế, VĐV hiếm hoi của xe đạp Việt Nam vươn đến đẳng cấp quốc tế chỉ có Nguyễn Thị Thật.

Năm 2014, khi mới 21 tuổi, Nguyễn Thị Thật đã sớm cho thấy bản thân sẽ trở thành gương mặt nhiều thập niên mới xuất hiện một lần của xe đạp Việt Nam. Đó là thời điểm cô bất ngờ giành HCB ASIAD. Sau hơn 1 thập niên, cô gái quê An Giang vẫn là người "gánh" thành tích chung của đội tuyển xe đạp Việt Nam tại các giải đấu quốc tế danh giá.

Sau Nguyễn Thị Thật, xe đạp Việt Nam liệu còn gương mặt triển vọng nào khác? Câu trả lời đó dường như vẫn chưa xuất hiện. Minh chứng là tại SEA Games 2023 vừa qua tại Campuchia, xe đạp Việt Nam giành 1 HCV, 1 HCB. Đó đều là thành tích do Nguyễn Thị Thật mang lại.

Dấu ấn xã hội hóa ở môn xe đạp

Bên cạnh bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ và cầu lông, xe đạp là một trong những môn thể thao có mức độ xã hội hóa rất cao tại Việt Nam. Điều này càng đúng với các tỉnh thành khu vực phía Nam, nơi xuất hiện nhiều đội đua chuyên nghiệp. Đó là các CLB trực thuộc doanh nghiệp, nơi VĐV hưởng lương, chế độ từ CLB bên cạnh địa phương chủ quản.

Nguyễn Thị Thật là một trong những gương mặt điển hình cho thấy sự thành công của việc xe đạp được xã hội hóa. Nhiều năm qua, cua rơ này thường xuyên tham dự các CLB châu Âu, thi đấu tại một số giải quốc tế. Điều đó giúp VĐV này có thêm nguồn thu nhập không nhỏ, đồng thời quảng bá hình ảnh thể thao Việt Nam vươn ra thế giới.

Xu hướng xã hội hóa trong môn xe đạp là điều tất yếu, bởi kinh phí dành cho môn thể thao trên không hề thấp. Mỗi chiếc xe đạp đua có giá dao động từ 100-200 triệu đồng, tùy vào chất lượng và loại hình đường đua. Ngoài ra, VĐV lúc nào cũng cần có sẵn xe dự phòng trong trường hợp xe đang sử dụng gặp tai nạn, hỏng hóc giữa đường.

An Khánh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-thao/cam-hung-va-thuc-te-tu-giai-vo-dich-xe-dap-chau-a-i759243/
Zalo