Cấm học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học

Điện thoại di động có rất nhiều tiện ích, nhưng sử dụng không đúng cách, khi 'ghiền' sẽ dẫn đến nhiều tác hại, nhất là đối với học sinh.

Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT, ngày 15/9/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học. Theo đó, “học sinh không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”. Trong đời sống thường ngày, điện thoại di động có rất nhiều tiện ích. Với trường học và học sinh, điện thoại hỗ trợ các em trong quá trình học tập, như trao đổi bài vở, tìm kiếm thông tin, tài liệu, tham gia các nhóm hỗ trợ kỹ năng, nâng cao kiến thức… Bên cạnh lợi ích, việc “ghiền” điện thoại sẽ gây ra nhiều tiêu cực.

Ở góc độ phụ huynh, ông Phan Tùng Vân (ngụ ấp Sơn Hòa, xã Vọng Đông, huyện Thoại Sơn) rất ủng hộ nội quy nhà trường cấm học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học. Ông cho biết: “Gia đình tôi cùng một số bà con không cho con đem điện thoại vào trường, vì rất khó kiểm soát. Con em đến lớp để học, dành thời gian tham gia các hoạt động của lớp, của trường, cũng như vui chơi, trao đổi với các bạn. Nếu cứ “dán mắt” vào điện thoại thì làm sao tập trung cho việc học. Mặt khác, nhiều em sử dụng điện thoại di động chủ yếu để lên mạng xã hội. Bên cạnh những yếu tố tích cực, mạng xã hội có nhiều tiêu cực, nhất là hình thành hội nhóm, dễ thực hiện các hành vi sai trái. Không cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học là cần thiết”.

Đồng tình ý kiến này, bà Nguyễn Thị Bạch Xuân (ngụ ấp An Thái, xã Hòa Bình, huyện Chợ Mới) cho biết: “Sử dụng điện thoai di động cho việc học là cần thiết, nhưng phải được sự đồng ý của giáo viên. Nếu không kiểm tra thì không thể biết các em có sử dụng điện thoại để chơi game, xem TikTok, lên mạng xã hội hay không. Trường học không chỉ đưa ra quy định, mà cần có giải pháp để các em “lấp đầy khoảng trống” thay thế thời gian sử dụng điện thoại. Đặc biệt, có chế tài đủ mạnh để học sinh tuân thủ nghiêm quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo”.

Trong một bài viết, ThS Lê Minh Huân (nguyên giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh) thông tin: “Mỗi một thời điểm, một khoảng thời gian, con người chỉ có thể tập trung vào 1 đến 2 vấn đề, tốt nhất là 1 vấn đề. Học sinh tập trung vào việc học, chứ không phải đến trường sử dụng điện thoại để chơi game, xem TikTok. Nhiều năm nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng, đã có nhiều thông tin về bạo lực học đường bắt nguồn từ mâu thuẫn của học sinh trên mạng xã hội. Những xích mích nhỏ, mâu thuẫn qua thời gian cứ lớn dần, lan truyền trên mạng xã hội mà cha mẹ, thầy cô hầu như không hay biết, chỉ đến khi xảy ra mới “tá hỏa”. Tôi ủng hộ việc cấm học sinh sử dụng điện thoại trong lớp, cấm ở mức độ nào tùy thực tế của mỗi trường”.

Trong thực tế, nếu học sinh cần tìm kiếm thông tin phục vụ việc học, thì các trường cơ bản đã có phòng máy kết nối wifi. Ở thư viện nhiều trường đã có tài liệu như tranh, ảnh, sách, máy tính… để học sinh tìm hiểu, tra cứu. Tách điện thoại khỏi học sinh trong thời gian ở lớp, sẽ giúp các em có cơ hội học hỏi từ người khác, không chỉ kiến thức mà còn học được khả năng kiểm soát ngôn ngữ, sử dụng ngôn từ, giao tiếp phi ngôn ngữ, cách sử dụng lời nói khéo léo.

Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên) cho biết, trong các cuộc họp của trường và với phụ huynh học sinh, giáo viên thông báo không cho học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học. Em nào vi phạm sẽ bị nhắc nhở, nếu tái phạm lập biên bản. Trong giờ học, giáo viên và học sinh không được sử dụng điện thoại. Khi có việc bất ngờ, đột xuất, giáo viên phải ra ngoài lớp học tiếp nhận thông tin điện thoại.

Thầy Phan Hữu Chức, Hiệu trưởng Trường THCS Bình Thành (huyện Thoại Sơn) cho biết, trường không cấm học sinh mang điện thoại di động vào trường, lớp, nhưng các em không được sử dụng điện thoại tùy tiện, đặc biệt đang trong giờ học. Khi nào cần điện thoại thông minh để hỗ trợ việc học, giáo viên sẽ thông báo và tổ chức thực hiện. Các em chỉ được sử dụng điện thoại đối với những tiết học giáo viên cho phép. Khi học sinh cần liên lạc với gia đình, giáo viên sẵn sàng hỗ trợ và tạo điều kiện. Học sinh vi phạm lần đầu sẽ bị nhắc nhở, tái phạm sẽ bị lập biên bản, thậm chí làm cam kết. Đồng thời, nhà trường phối hợp phụ huynh để giáo dục, tạo điều kiện giúp học sinh khắc phục.

N.R

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/cam-hoc-sinh-su-dung-dien-thoai-trong-lop-hoc-a408105.html
Zalo