Cải tiến biểu giá điện sinh hoạt, nhiều người dân được lợi

Bộ Công thương mới có đề xuất cải tiến biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt từ 6 bậc còn 5 bậc. Nếu áp dụng biểu giá này, khoảng 98% hộ dân dùng điện được lợi, chỉ 2% hộ dân bị tăng tiền.

Nhân viên Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai kiểm tra kỹ thuật trạm biến áp điện. Ảnh: H.Lộc

Nhân viên Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai kiểm tra kỹ thuật trạm biến áp điện. Ảnh: H.Lộc

Từ năm 2020 đến nay, đây là lần thứ 3 việc cải tiến biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt được đưa ra bàn thảo.

* Đa số người dân được lợi

Trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra đầu tháng 12-2023, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ đã có đề xuất cải tiến biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt với 5 bậc, thay vì 6 bậc hiện hành. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chỉ ra, ưu điểm biểu giá mới là 98% hộ dân sử dụng điện từ 710kWh/tháng trở xuống sẽ được lợi do các bậc được nới rộng khoảng cách. Ví dụ, bậc 1 từ hạn mức 50kWh được nâng lên 100kWh. Chỉ khoảng 2% hộ dân (hộ dùng trên 711kW/tháng) phải trả tiền điện cao hơn.

Liên quan đến biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt, trong năm 2020, Bộ Công thương đã lấy ý kiến dự thảo cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Khi đó có 5 phương án được đề xuất tương ứng 5 bậc thang giá điện, đáng chú ý trong dự thảo này là bậc cao nhất được điều chỉnh từ 401kWh lên 700kWh. Vào thời điểm đó, Bộ Công thương đưa ra thông tin sẽ có khoảng 98% hộ dân không tăng hoặc được giảm tiền điện khi áp dụng biểu giá điện mới. Dự thảo sau đó không được áp dụng vì còn nhiều ý kiến khác nhau.

Năm 2022, Bộ Công thương một lần nữa đề nghị các bộ, ngành, địa phương xem xét cho ý kiến về dự thảo đề án Cải tiến biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt. Ở lần đề xuất này, có 2 phương án được đưa ra. Phương án 1 là cải tiến cơ cấu biểu giá theo hướng rút ngắn từ 6 bậc xuống 5 bậc, giá bán lẻ điện bình quân ở các bậc thấp được giữ nguyên nhưng có thay đổi về cơ cấu giá ở các bậc cao. Phương án 2 là rút ngắn từ 6 bậc xuống 4 bậc, có điều chỉnh giá điện ở các bậc cao. Cũng như lần trước, không có phương án được chọn, đề án không được ban hành.

Biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt hiện hành có 6 bậc và được áp dụng từ năm 2014. Do áp dụng quá lâu, trong khi nhu cầu sử dụng điện của người dân ngày một tăng, chi phí sản xuất điện biến động nên việc đề xuất cải tiến biểu giá là hợp lý và cần thiết. Song thực tế cho thấy, các lần đề xuất cải tiến biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt của Bộ Công thương gần đây không có sự đồng tình cao của cộng đồng, các chuyên gia.

Biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt hiện hành 6 bậc: bậc 1 từ 0-50kWh, bậc 2 từ 51-100kWh, bậc 3 từ 101-200kWh, bậc 4 từ 201-300kWh, bậc 5 từ 301-400kWh và bậc 6 từ 401kWh trở lên. Biểu giá bán lẻ sinh hoạt đề xuất 5 bậc: bậc 1 cho 100kWh đầu tiên, bậc 2 từ 101-200kWh, bậc 3 từ 201-400kWh, bậc 4 từ 401-700kWh và bậc 5 từ 701kWh trở lên.

* Cải tiến cần đảm bảo quyền lợi cho số đông

Việc áp dụng cơ chế biểu giá điện nhiều bậc nhằm chia sẻ với các hộ gia đình còn khó khăn, khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm khi nguồn cung còn hạn chế. Câu hỏi đặt ra là vì sao phương án biểu giá điện 5 bậc dễ tính toán hơn, sát thực tế hơn và có đến 98% hộ dân dùng điện được lợi mà dư luận vẫn khó đồng tình.

Chị Nguyễn Thị Kim (ngụ P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) cho rằng, quyết định điều chỉnh giá bán, biểu giá điện là do Nhà nước tính toán ban hành, người dân chỉ biết tuân thủ. Tuy nhiên, cần có lộ trình cụ thể để người dân biết khi nào điều chỉnh, mức độ điều chỉnh; giá điện có tăng cũng phải có giảm như các mặt hàng gas, xăng, dầu.

Cũng theo chị Kim, nhà chị nằm trong nhóm hơn 500 ngàn hộ dùng điện trên 711kWh/tháng (2% tổng số hộ dân), trường hợp áp dụng biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt 5 bậc trong năm 2023 thì nhà chị bị tăng tiền điện 3 lần/năm (gồm 2 lần điều chỉnh tăng giá bán điện và 1 lần điều chỉnh biểu giá bán lẻ điện).

Điện là mặt hàng thiết yếu, mọi điều chỉnh giá bán, biểu giá dù ít hay nhiều đều tác động đến đời sống, chi phí của từng hộ dân. Để người dân hiểu và dễ dàng chấp nhận, cần đảm bảo tính công khai, minh bạch trong hoạt động sản xuất, kinh doanh điện. Có lộ trình cụ thể 1 năm, 3 năm hoặc 5 năm cải tiến biểu giá/lần. Biểu giá cải tiến mới phải tối ưu hơn biểu giá cũ và đảm bảo quyền lợi cho số đông người tiêu dùng.

Các chuyên gia cho rằng, biểu giá điện 4 bậc, 5 bậc, 6 bậc không quan trọng mà phải điều chỉnh cơ cấu cho hợp lý. Nên nới chỉ số ở các bậc đầu tiên (từ 50kWh lên 100 hoặc 150kWh) và tính giá thấp ở bậc này. Bậc cao nhất có thể tính giá điện gấp 2 lần hoặc hơn để khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm. Khi đó, người dân sẽ bỏ ra số tiền đúng với giá trị sử dụng, không phải bù trừ. Bên cạnh đó, cần khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục cho các dự án phát triển nguồn năng lượng tái tạo, hệ thống truyền tải điện. Khi có nguồn cung tốt hơn, có sự canh tranh trong phân phối thì cơ chế thị trường với ngành điện sẽ dần hình thành.

Hoàng Lộc

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202312/cai-tien-bieu-gia-dien-sinh-hoat-nhieu-nguoi-dan-duoc-loi-3a94ce0/
Zalo