Cải thiện môi trường kinh doanh bằng tinh thần đổi mới

Năm 2025 được dự báo là các thuận lợi và khó khăn sẽ tiếp tục đan xen nên việc cải cách môi trường kinh doanh vẫn sẽ là yêu cầu cấp thiết để củng cố niềm tin, tạo thêm động lực cho doanh nghiệp.

Cải thiện môi trường kinh doanh bằng tinh thần đổi mới. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN

Cải thiện môi trường kinh doanh bằng tinh thần đổi mới. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN

Năm 2025 được dự báo là các thuận lợi và khó khăn sẽ tiếp tục đan xen nên việc cải cách môi trường kinh doanh vẫn sẽ là yêu cầu cấp thiết để củng cố niềm tin, tạo thêm động lực cho doanh nghiệp; góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế. Như Tổng bí thư Tô Lâm đã nêu: “Thể chế và pháp luật được xác định là trọng tâm cải cách, với các bước đi đồng bộ, mạnh mẽ nhằm nâng cao hiệu lực quản lý, tạo môi trường pháp lý minh bạch, thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội…”

Nền tảng để tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế đến từ những nỗ lực đã được tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận. Nhiều tổ chức quốc tế lớn, có uy tín đánh giá cao kết quả đạt được và nâng hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Moody và S&P đánh giá Việt Nam là một trong hai quốc gia ở Châu Á được ghi nhận cải thiện chỉ số tín dụng dài hạn ở mức ổn định, tích cực. JETRO xếp hạng Việt Nam về địa điểm hấp dẫn đầu tư ở vị trí thứ 2 thế giới và thứ 1 châu Á. EuroCham cũng đánh giá Việt Nam thuộc nhóm 10 điểm đến đầu tư toàn cầu.

Nhờ vậy, năm 2024, chỉ số Phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam được Liên hợp quốc xếp thứ 71, tăng 15 bậc so với xếp hạng trước đó (năm 2022). So với năm 2023, chỉ số Tự do kinh tế cải thiện 13 bậc, lên thứ hạng 59; đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 2 bậc, lên vị trí 44, trong đó có 3 chỉ số đứng đầu thế giới. Ngoài ra, Việt Nam là 01 trong 46 quốc gia được xếp vào Nhóm 1 về chỉ số An toàn thông tin mạng năm 2024.

Ngay từ đầu năm nay, Chính phủ ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 08/01/2025 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025.

Theo đó, mục tiêu tổng quát là tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh theo hướng giảm chi phí tuấn thủ, bảo đảm an toàn và phù hợp với thông lệ quốc tế tốt; thực hiện phân cấp, phân quyền, thúc đẩy tinh thần kinh doanh; khuyến khích đổi mới, sáng tạo; đồng thời, củng cố niềm tin, tạo điểm tựa cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển; qua đó, nâng cao vị thế của đất nước trên các bảng xếp hạng toàn cầu. Riêng về doanh nghiệp, Chính phủ kỳ vọng năm nay sẽ tăng nhanh về lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động; số doanh nghiệp gia nhập thị trường gồm cả thành lập mới và quay trở lại hoạt động cũng sẽ tăng ít nhất 10% và số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng dưới 10% so với năm 2024.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Nghị quyết này được xây dựng trong bối cảnh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, về đích của Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Đồng thời, cũng là thời điểm "bước ngoặt" để nước ta chuẩn bị, sẵn sàng bước vào kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.

No Title

No Title

Theo các chuyên gia, môi trường kinh doanh là một trụ cột quan trọng của cải cách thể chế để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển; đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của ngành, địa phương và của quốc gia. Nghị quyết 02 mang thông điệp cải thiện môi trường kinh doanh, thể hiện mức độ quan tâm và sự đồng hành của Chính phủ đối với cộng đồng doanh nghiệp; góp phần củng cố niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp; khơi dậy động lực, tinh thần kinh doanh và thúc đẩy sự phục hồi phát triển kinh tế. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đề ra là thách thức lớn.

Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, tính cả năm 2024 với 197.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường và 233.000 doanh nghiệp gia nhập thị trường, tương ứng với tỷ lệ trung bình là 1,2 doanh nghiệp gia nhập thị trường thì có 1 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là mức thấp nhất từ trước tới nay, thấp hơn các năm mà nền kinh tế chịu ảnh hưởng của đại dịch. Đây là điểm cần khắc phục trong năm 2025.

Bình luận về tính khả thi trong triển khai thực hiện Nghị quyết 02/2025 của Chính phủ, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chia sẻ, lâu nay, mỗi lần thảo luận về cắt giảm điều kiện kinh doanh, cải cách công tác quản lý chuyên ngành, các cơ quan nghiên cứu thường nhận được nhiều phản biện như “cắt rồi, đơn giản rồi, thì quản lý Nhà nước thế nào?...”. Hệ quả là có những nhiệm vụ, yêu cầu trong các văn bản pháp luật vẫn chưa thực hiện được, nhiều rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh dù đã được chỉ ra, nhưng chưa được tháo gỡ. Thậm chí, có tình trạng chuyển sang các dạng thức khác, khiến nhiều cải cách trở nên hình thức…

Nghị quyết 02 năm nay nhấn mạnh tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, đó là thực hiện nghiêm yêu cầu chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật, từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”, xóa bỏ cơ chế xin - cho... hy vọng rằng, việc thực thi sẽ có bước thay đổi lớn, bà Nguyễn Thị Minh Thảo bày tỏ sự tin tưởng.

Để cải thiện hiệu quả môi trường kinh doanh theo tinh thần của Nghị quyết 02 , bà Nguyễn Thị Minh Thảo cho rằng, cần tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, bên cạnh các chỉ đạo thường thấy, như sửa đổi đồng bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm các quy định, thủ tục hành chính đơn giản, giảm gánh nặng tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp... Theo đó, mở rộng và đảm bảo quyền tự do kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp theo đúng quy định của Hiến pháp 2013; kịp thời tạo lập và hoàn thiện thể chế, chính sách để tháo bỏ rào cản đối với doanh nghiệp, khơi thông đầu tư tư nhân; đồng thời khuyến khích các hoạt động đổi mới sáng tạo, các mô hình kinh doanh mới, phù hợp và thích ứng linh hoạt với xu thế phát triển.

Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng xây dựng chính sách, pháp luật; cải cách thủ tục hành chính, giảm gánh nặng tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp; nâng cao chất lượng thực thi văn bản pháp luật; giải quyết thủ tục hành chính đảm bảo đúng thời hạn và không được đặt thêm các yêu cầu, điều kiện đối với doanh nghiệp. Không những thế, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; theo dõi, chấn chỉnh công tác thực thi, giải quyết thủ tục hành chính; đồng thời, duy trì và nhân rộng các kinh nghiệm chính sách tốt, tiên tiến về quản lý Nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Với mục tiêu tăng nhanh số lượng doanh nghiệp theo Nghị quyết 02/2025, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam cho rằng, việc cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vẫn là yếu tố cơ bản, mang tính nền tảng, dù với những doanh nghiệp siêu nhỏ hay những tập đoàn trị giá nhiều nghìn tỷ đồng. Lúc này, cộng đồng doanh nghiệp cần một sự tự tin của các cơ quan quản lý trong việc hỗ trợ các quyết định đầu tư, phê duyệt các dự án của doanh nghiệp. Khi đó doanh nghiệp cũng tự tin khi quyết định bỏ vốn đầu tư, người lao động có việc làm cũng sẽ tự tin trong tiêu dùng, mua sắm… Tất cả những yếu tố đó sẽ tạo ra sự hứng khởi mới cho nền kinh tế.

Muốn chuyển đổi thành công hộ kinh doanh cá thể lên doanh nghiệp cần phải có các quy định hợp lý, dựa trên bằng chứng từ các nghiên cứu thực tế, số liệu thống kê, khoa học pháp lý cũng như thông lệ quốc tế khi sửa đổi Luật Doanh nghiệp để hình thành một khung pháp lý thực sự phù hợp với hộ kinh doanh cá thể. Bên cạnh đó, các quy định về quản lý thuế, mức thuế cho khu vực doanh nghiệp này cũng cần được điều chỉnh để gần giống như mức hộ kinh doanh cá thể phải đóng như hiện tại. Điều này có nghĩa doanh nghiệp cá thể hay doanh nghiệp một chủ sẽ không phải chịu cùng thẩm quyền, sắc thuế hay chế độ quản lý thuế tương tự như các công ty trách trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có hàng trăm, hàng ngàn cổ đồng như quy định hiện nay. Bằng cách đó, chi phí tuân thủ pháp luật, chi phí thuế của các hộ kinh doanh cá thể sau khi chuyển đổi thành doanh nghiệp sẽ không bị thay đổi quá nhiều, đảm bảo sức sống và khả năng cạnh tranh của họ...

Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn phía trước, đẩy mạnh cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh là điều hết sức quan trọng để doanh nghiệp tư nhân phát huy tối đa tiềm lực và phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/cai-thien-moi-truong-kinh-doanh-bang-tinh-than-doi-moi/361907.html
Zalo