Cải thiện môi trường, cảnh quan trong xây dựng nông thôn mới
Với nhiều cách làm sáng tạo, linh hoạt, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) đã và đang tạo dấu ấn đậm nét trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, diện mạo cảnh quan, môi trường được cải thiện, trở nên sáng - xanh - sạch - đẹp hơn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Đường làng, ngõ xóm xã Đồng Ích (Lập Thạch) được vệ sinh sạch sẽ; người dân tích cực trồng hoa, cây cảnh, tạo diện mạo, sức sống mới cho vùng quê. Ảnh: Thế Hùng
Triển khai thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” cùng các phong trào “Toàn dân tham gia cải tạo cống rãnh thoát nước, khắc phục ô nhiễm môi trường ở khu dân cư”, “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng khu dân cư sáng - xanh - sạch - đẹp”, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp và các tổ chức thành viên trong tỉnh tích cực tham mưu cấp ủy, phối hợp với chính quyền vận động và phát huy các nguồn lực xã hội trong nhân dân, đoàn kết, đóng góp công sức, tiền của tập trung hoàn thành các tiêu chí NTM, NTM nâng cao, thôn dân cư NTM kiểu mẫu.
Trong thực hiện tiêu chí về môi trường, tùy thuộc vào điều kiện mỗi gia đình, cá nhân chủ động hiến đất, ngày công lao động, vệ sinh môi trường, trồng mới cây xanh, duy trì vệ sinh, chăm sóc hàng cây, tuyến đường.
Đến nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được hàng nghìn tuyến đường kiểu mẫu sáng - xanh - sạch - đẹp không chỉ giúp người dân đi lại, sản xuất thuận tiện mà còn góp phần tạo diện mạo, sức sống mới cho mỗi vùng quê.
Cùng với Ủy ban MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh, phong trào thi đua “Vĩnh Phúc chung sức xây dựng NTM” đã huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc với các phong trào hưởng ứng, việc làm cụ thể thiết thực.
Chỉ tính riêng từ năm 2021 đến nay, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo các cấp hội tích cực triển khai xây dựng các mô hình “Đường hoa phụ nữ”, "Phụ nữ nói không với túi nilon"...; in ấn và phát hành hơn 2.260 poster về xây dựng NTM gắn với cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch". Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo cơ sở hội xây dựng mô hình “Cánh đồng không rác thải”, “Tuyến đường không rác thải”...

Người dân xã Thanh Vân (Tam Dương) phân loại rác thải tại nguồn, góp phần bảo vệ môi trường, cảnh quan. Ảnh: Thế Hùng
Tỉnh Đoàn đã triển khai 2 mô hình thanh niên xung kích xây dựng thôn làng "xanh - sạch - đẹp", 10 công trình "Ngọn đèn thắp sáng đường quê", 12 mô hình phân loại và ủ rác tại nguồn, 5 mô hình chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa, hơn 50 công trình "Con đường bích họa", 250 công trình "Hàng cây thanh niên”...
Thông qua công tác tuyên truyền, vận động và thực hiện các phong trào thi đua đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh về công cuộc xây dựng NTM; trong đó, nhận thức rõ về vai trò, ý nghĩa công tác bảo vệ môi trường, tập trung huy động nguồn lực tham gia cải tạo, xây mới hạ tầng, nâng cao chất lượng môi trường sống, xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn.
Đến hết năm 2024, tỷ lệ thu gom rác thải khu vực nông thôn của tỉnh đạt hơn 86%, góp phần tạo cảnh quan sạch - xanh - đẹp tại các tuyến đường ngõ, xóm của các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Tỷ lệ trạm y tế có nước và nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 100%; tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch theo tiêu chí đạt hơn 90%. Toàn tỉnh đã thu gom, vận chuyển, xử lý 7,6 tấn vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.
Chất thải rắn và chất thải lỏng trong chăn nuôi được xử lý bằng công trình khí sinh học biogas, ủ phân compost hoặc đệm lót sinh học đạt tỷ lệ hơn 80%, đóng góp tích cực cho vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 29 làng nghề được công nhận; trong đó, có 17 làng nghề đã được phê duyệt phương án bảo vệ môi trường làng nghề.
Thực hiện Nghị quyết số 38 của HĐND tỉnh về hỗ trợ xây dựng, sửa chữa, cải tạo cống, rãnh thoát nước và nạo vét các thủy vực tiếp nhận nước thải, khắc phục ô nhiễm môi trường tại các khu dân cư trên địa bàn, toàn tỉnh đã xây dựng mới được hơn 835 km cống rãnh; 113 thủy vực hoàn thành cải tạo, nạo vét.
Bên cạnh đó, tỉnh đã hoàn thành xây dựng 14 trạm xử lý nước thải phân tán khu vực nông thôn (dọc sông Phan) thuộc hợp phần 2, Dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc, hiện nay các công trình xử lý nước thải này đang trong quá trình vận hành thử nghiệm.
Những tuyến đường hoa, bích họa rực rỡ; con đường bê tông trải dài, sạch sẽ, khang trang; cống, rãnh được được xây mới; rác thải từng bước được phân loại tại nguồn... là những minh chứng rõ rệt trong công cuộc Nhà nước và nhân dân cùng chung tay tham gia cải tạo cảnh quan, cải thiện môi trường sống ở các địa phương.
Xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và không có điểm dừng, các địa phương trong tỉnh đã và đang tiếp tục xây dựng đạt chuẩn xã, huyện NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, nhất là trong việc thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu về môi trường, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tiếp tục trồng hoa, cây xanh phân tán; xây dựng, nhân rộng các mô hình thôn, xóm "Sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn", thôn NTM kiểu mẫu; đồng thuận với việc triển khai các dự án xây dựng nhà máy xử lý rác tập trung trên địa bàn...
Qua đó, tạo nên những miền quê giàu đẹp, đáng sống, giúp mọi người dân đều được hưởng thành quả từ chương trình xây dựng NTM.