Cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, kết nối nhà đầu tư chiến lược
Sau 2 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm, Kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh Thái Nguyên Khóa XIV đã hoàn thành toàn bộ khối lượng công việc lớn. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Hoàng Sơn đề nghị: UBND tỉnh tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; tăng cường thu hút, đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư, kết nối các nhà đầu tư chiến lược…
Xếp hạng cao nhiều chỉ số cải cách hành chính
Theo đánh giá tại kỳ họp, 2024 được xác định là năm “tăng tốc” thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, trong điều kiện tình hình thế giới có những diễn biến phức tạp, thị trường xuất khẩu tiếp tục gặp nhiều khó khăn; thiên tai, bão lũ, nhất là cơn bão số 3 đã tác động sâu sắc đến phát triển kinh tế - xã hội và mọi mặt đời sống của Nhân dân. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo linh hoạt, quyết liệt, hiệu quả của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên đã đạt được những kết quả quan trọng, tích cực, có nhiều điểm sáng.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 6,5%; kết cấu hạ tầng được tập trung đầu tư nâng cấp, một số dự án, công trình trọng điểm, có quy mô lớn đang được đẩy nhanh tiến độ, trong đó có một số dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, tạo tác động lan tỏa tích cực… Các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm, thực hiện tốt, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 2,1%.
Phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Việt Hùng nhấn mạnh một số kết quả nổi bật: quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tính năm 2024 đạt 162,5 nghìn tỷ đồng, gấp 1,4 lần so với năm 2020; giá trị xuất khẩu năm 2024 ước đạt 27,6 tỷ USD, tăng 12,7% so với năm 2020; giá trị sản xuất công nghiệp năm 2024 (theo giá so sánh năm 2010) ước đạt 1.030 nghìn tỷ đồng, tăng 31,5% so với năm 2020; thu ngân sách nhà nước năm 2024 ước đạt trên 20.000 tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2020.
Các chỉ số về cải cách hành chính tỉnh Thái Nguyên năm 2023 đều được xếp hạng cao: Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) đứng thứ 2 cả nước; Chỉ số hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) đứng thứ 2 cả nước; Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) đứng thứ 6 cả nước...
Công tác phòng, chống thiên tai đã được chỉ đạo quyết liệt, tích cực khắc phục nhanh hậu quả do thiên tai, bão lũ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại; kịp thời thăm hỏi, động viên hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, bảo đảm ổn định cuộc sống cho Nhân dân.
“Đóng góp vào "bức tranh" chung phát triển của tỉnh, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ghi nhận, biểu dương HĐND tỉnh đã hoạt động nghiêm túc, hiệu quả, thể hiện rõ nét vai trò cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Với tâm thế và tầm nhìn mới, năm 2024, HĐND tỉnh đã tổ chức thành công 7 kỳ họp (trong đó có 5 kỳ họp chuyên đề). Nhờ vậy, nhiều nội dung quan trọng đã được kịp thời thông qua để triển khai thực hiện, tạo động lực cho phát triển. Đây chính là điểm nhấn, thể hiện rõ nét tinh thần đổi mới, đồng hành, linh hoạt của HĐND tỉnh - Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Việt Hùng nhấn mạnh.
Dứt điểm các công trình, dự án chậm tiến độ
Tại kỳ họp, các đại biểu HĐND tỉnh đã tập trung xem xét, thảo luận và thống nhất thông qua 30 nghị quyết có ý nghĩa rất quan trọng, đáp ứng kịp thời yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nhấn mạnh 2025 là năm bứt phá thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, chúng ta phải nỗ lực, quyết tâm cao để hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu được đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Hoàng Sơn đề nghị UBND tỉnh tập trung chỉ đạo: kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để "khơi thông" mọi nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án trọng điểm nhằm sớm đưa vào khai thác, tạo không gian phát triển mới. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; tăng cường thu hút đầu tư, đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư, kết nối các nhà đầu tư chiến lược, tập trung vào những ngành, lĩnh vực ưu tiên; thúc đẩy khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh để tạo động lực tăng trưởng mới.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Hoàng Sơn nhấn mạnh việc thực hiện tốt công tác phòng, chống lãng phí, tiêu cực; rà soát, phân loại các công trình, dự án chậm tiến độ, đất đai, trụ sở làm việc không sử dụng hoặc sử dụng chưa hiệu quả, có nguy cơ lãng phí để có giải pháp khắc phục khả thi, hiệu quả, giải quyết dứt điểm, tránh lãng phí, bổ sung nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2025. Khẩn trương hoàn thiện, sắp xếp lại tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương.
Cùng với đó, thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định các chính sách an sinh xã hội, trong đó chú trọng đến các đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn; triển khai Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát bảo đảm ý nghĩa, thiết thực, hiệu quả cao nhất.