Cải thiện Chỉ số PAPI của Hà Nội:Nỗ lực để kết quả toàn diện hơn

Theo kết quả công bố về Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2024, Hà Nội đạt điểm số 43,7747 điểm; xếp thứ 29/63 tỉnh, thành phố; giữ vị trí nhóm 2 - nhóm Trung bình - Cao. Với kết quả Chỉ số PAPI 2024, Hà Nội đã hoàn thành mục tiêu nhiệm kỳ - xếp thứ 2/6 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau thành phố Huế, mới bổ sung năm 2024).

Tuy nhiên, bên cạnh các trục nội dung đạt điểm cao vẫn còn những trục nội dung ở nhóm thấp, đòi hỏi thành phố phải có những giải pháp cụ thể để tiếp tục cải thiện Chỉ số PAPI năm 2025.

Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận “một cửa” của UBND phường Đại Kim (quận Hoàng Mai). Ảnh: Thu Hiền

Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận “một cửa” của UBND phường Đại Kim (quận Hoàng Mai). Ảnh: Thu Hiền

Kết quả chưa thực sự khả quan

Năm 2024, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) khảo sát 1.122 người dân tại 24 thôn, tổ dân phố thuộc 12 xã, phường, thị trấn của 6 đơn vị hành chính cấp huyện thuộc thành phố Hà Nội, gồm: Quận Hoàn Kiếm; Đống Đa; Cầu Giấy; Ba Đình; huyện Hoài Đức; thị xã Sơn Tây.

Kết quả Chỉ số PAPI năm 2024 cho thấy: Trục nội dung “Tham gia người dân ở cấp cơ sở” xếp thứ 21/63, giảm 12 bậc, thuộc nhóm 1 (nhóm Cao); “Công khai minh bạch” xếp thứ 8/63, giảm 1 bậc, thuộc nhóm 1 (nhóm Cao); “Trách nhiệm giải trình với người dân” xếp thứ 24/63, tăng 3 bậc, thuộc nhóm 2 (nhóm Trung bình - Cao); “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” xếp thứ 54/63, giảm 22 bậc, thuộc nhóm 4 (nhóm Thấp); “Thủ tục hành chính” xếp thứ 60/63, giảm 23 bậc, thuộc nhóm 3 (nhóm Thấp - Trung bình); “Cung ứng dịch vụ công” xếp thứ 32/63, giảm 18 bậc, thuộc nhóm 2 (nhóm Trung bình - Cao); “Quản trị môi trường” xếp thứ 58/63, tăng 3 bậc, thuộc nhóm 4 (nhóm Thấp). “Quản trị điện tử” đạt 1/63 (giữ hạng), thuộc nhóm 1 (nhóm Cao).

Phân tích cho thấy, kết quả đạt được chưa thực sự khả quan, khi có 2 trục nội dung đạt điểm cao nhất là “Cung ứng dịch vụ công” (đạt 7,5690 điểm) và “Thủ tục hành chính công” (đạt 7,1232 điểm), song chính 2 nội dung này lại đang bị giảm điểm và giảm thứ hạng. Cụ thể, “Cung ứng dịch vụ công” giảm điểm sâu nhất (giảm 0,2796 điểm) và “Thủ tục hành chính công” xếp hạng thấp nhất (xếp thứ 60/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giảm 23 bậc). Hai trục nội dung thuộc nhóm 4 (nhóm Thấp): “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” xếp thứ 54/63, giảm 22 bậc, chỉ đạt 6,6983 điểm; “Quản trị môi trường”, xếp thứ 58/63, chỉ đạt 2,8726 điểm.

Đánh giá về kết quả Chỉ số PAPI của Hà Nội, bà Đỗ Thanh Huyền, chuyên gia phân tích chính sách công của UNDP cho rằng, cái khó của Hà Nội là tính quyết đoán của chính quyền địa phương trong quá trình thực hiện, trong khi việc giải quyết các vấn đề của thành phố liên quan tổng hòa nhiều thứ, kèm theo sức ép về nhiều vấn đề như quy hoạch, dân cư, đô thị lớn…

Thậm chí, ngay ở trục nội dung “Quản trị điện tử”, Hà Nội đang giữ vị trí số 1/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thuộc nhóm 1 (nhóm Cao), song cũng chỉ có nội dung thành phần “Tiếp cận và sử dụng internet” đạt 2,9605 điểm/10 điểm, còn các nội dung thành phần “Sử dụng cổng thông tin điện tử”, “Phúc đáp của chính quyền qua Cổng thông tin điện tử” chỉ đạt hơn 0,5 điểm/10 điểm. Theo kết quả khảo sát, nhiều người dân cho rằng quy trình thủ tục chưa được đơn giản hóa và cổng dịch vụ công chưa thân thiện với người dùng.

Quyết tâm cải thiện chỉ số

Đối chiếu với chỉ tiêu về điểm số đặt ra trong năm 2024, thành phố Hà Nội có 4/28 chỉ tiêu đạt kế hoạch, 24/28 chỉ tiêu về điểm số chưa đạt kế hoạch. Còn đối chiếu chỉ tiêu về thứ hạng đặt ra đầu nhiệm kỳ, kết quả thành phố Hà Nội có 14/32 chỉ tiêu đạt kế hoạch, 18/32 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch.

Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Mai Xuân Trường, các sở, ngành được thành phố phân công cần tiếp tục phân tích sâu hơn về các vấn đề từ kết quả Chỉ số PAPI, chỉ ra nguyên nhân và tham mưu UBND thành phố xây dựng kế hoạch, đề ra các giải pháp cụ thể nhằm khắc phục, cải thiện trong năm 2025 và các năm tiếp theo. Đặc biệt, phần lớn các lĩnh vực Chỉ số PAPI nghiên cứu và công bố gắn bó chặt chẽ với đời sống dân sinh, diễn ra ở cấp cơ sở, thuộc trách nhiệm tổ chức thực hiện của chính quyền cơ sở. Vì vậy, các giải pháp do các sở, ngành tham mưu cho thành phố nhằm cải thiện Chỉ số PAPI cần quan tâm, tập trung đầu tư hơn nữa cho cấp cơ sở, gắn trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra của cấp ủy Đảng, người đứng đầu chính quyền cơ sở.

“Cùng với việc nghiêm túc nhìn nhận, triển khai các giải pháp, Hà Nội cũng sẽ kiến nghị điều chỉnh hệ thống câu hỏi của PAPI sát hơn với đô thị Hà Nội, để có cái nhìn chính xác về suy nghĩ của người dân, từ đó có chính sách điều chỉnh kịp thời”, ông Mai Xuân Trường chia sẻ.

Chỉ số PAPI được xác định trên 8 chỉ số nội dung, 28 nội dung thành phần, hơn 120 chỉ tiêu chính, hơn 550 câu hỏi. Mỗi chỉ số nội dung được xác định 10 điểm, tổng số 80 điểm. 8 chỉ số nội dung gồm: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công; Quản trị môi trường; Quản trị điện tử.

Chuyên gia phân tích chính sách công của Chương trình phát triển Liên hợp quốc Đỗ Thanh Huyền:

Tăng cường kiểm tra công vụ ở các ngành, lĩnh vực

Để cải thiện đối với các trục nội dung về Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) mà Hà Nội còn thấp, tôi cho rằng cần tăng cường công tác kiểm tra công vụ ở từng ngành, lĩnh vực, chứ không chỉ riêng ngành Nội vụ. Đối với vấn đề môi trường cần sớm thực hiện những giải pháp đã đề ra trong việc kiểm soát ô nhiễm không khí, nước thải, nguồn nước. Đối với dịch vụ công cần quan tâm để hệ thống vận hành trơn tru, không để bị đình trệ.

Là những người khảo sát và phân tích Chỉ số PAPI, chúng tôi mong muốn trong thời điểm thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, chính quyền cấp thành phố, huyện và xã vẫn bảo đảm việc giải quyết các thủ tục hành chính liên tục, tránh đứt gãy trong việc cung ứng dịch vụ công cho người dân.

Phó Trưởng phòng Nội vụ quận Hoàn Kiếm Phạm Ngọc Thúy:

Cần nghiên cứu tổ chức lại bảng câu hỏi về Chỉ số PAPI

Những năm qua, quận Hoàn Kiếm luôn vinh dự được lựa chọn là đơn vị được lấy ý kiến khảo sát người dân để đánh giá kết quả Chỉ số PAPI của thành phố. Qua tìm hiểu cho thấy người dân đánh giá bộ câu hỏi PAPI là bộ câu hỏi sát với thực tế, tuy nhiên vẫn có một số câu hỏi mang tính chất ngoài lề và những câu hỏi đi vào từng lĩnh vực chính quyền đòi hỏi người dân rất am hiểu sâu sắc nhiều vấn đề xã hội. Với những câu hỏi này, tâm lý chung của người dân thường e ngại, khó trả lời.

Do đó, có thể nghiên cứu thay thế bằng những câu hỏi về quan điểm, đánh giá của người dân về một vấn đề kinh tế - xã hội nào đó và chuẩn bị sẵn phương án trả lời là “đúng” “sai”… Như vậy vừa tiết kiệm thời gian hỏi, thuận tiện cho người trả lời, tránh ảnh hưởng tới kết quả khảo sát chung.

Phó Trưởng phòng Nội vụ huyện Hoài Đức Ngô Thị Sinh:

Chỉ số PAPI năm 2024 không tương đồng với các chỉ số khác

Kết quả Chỉ số PAPI năm 2024 của Hà Nội không tương đồng với một số chỉ số khác. Cụ thể Chỉ số Cải cách hành chính - Chỉ số PAR Index năm 2024 duy trì vị trí thứ 3/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước - Chỉ số SIPAS năm 2024 tăng 10 bậc mà Chỉ số PAPI lại giảm 14 bậc. Từ chỉ số này, cơ quan đánh giá PAPI cần có cách tính riêng với các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh…, không nên đánh giá chung cùng với tất cả các tỉnh, thành phố khác.

Nên có thêm sự tham góp ý kiến trong quá trình xây dựng câu hỏi và sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc các cấp trong quá trình triển khai lấy phiếu để bảo đảm tính sát thực và độ tin cậy cao của chỉ số.

Hiền Thu thực hiện

Hiền Chi

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/cai-thien-chi-so-papi-cua-ha-noi-no-luc-de-ket-qua-toan-dien-hon-700708.html
Zalo