Cho cả muôi chè lên miệng và chuyện nết ăn
Video về một phụ nữ cho cả muôi chè lên miệng để nếm ngay quầy buffet tại một nhà hàng đang khiến cư dân mạng xôn xao.
Hình ảnh người phụ nữ thử chè bằng muôi tại quầy buffet khiến người chứng kiến "đứng hình" (ảnh trên internet cắt từ video)
Mới đây, một video ghi lại cảnh một người phụ nữ cho cả muôi chè lên miệng để nếm ngay quầy buffet tráng miệng tại một nhà hàng ở TP Hồ Chí Minh đã khiến "cư dân mạng" xôn xao.
Theo hình ảnh ghi lại, người phụ nữ này sau khi nếm xong còn chép miệng và thuận tay đổ phần nước thừa trong muôi vào âu chè, rồi sau đó mới múc tiếp vào bát của mình. Sau khi thấy người phụ nữ có hành vi này, một số người chứng kiến đã “đứng hình” và bỏ đi ngay lập tức, không dám lấy thức ăn ở quầy ăn chung nữa.
Video được chia sẻ nhanh chóng trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube, TikTok… và nhận được vô số bình luận từ cư dân mạng. Hầu hết mọi người đều tỏ ra bất bình với hành động này, cho rằng đó là hành vi thiếu ý thức, mất vệ sinh, mất lịch sự…
Người Việt mình, khi ăn uống thường bày thức ăn trên mâm và mọi người cùng ngồi chung ăn uống vui vẻ với nhau.
Tuy nhiên, tôi đã không ít lần phải dừng đũa trong bữa ăn vì thói quen ăn uống mất lịch sự của một số người. Chẳng hạn, trong mâm cơm có một bát canh nhưng có người không lấy muôi múc canh vào bát của mình mà dùng đũa sục vào bát canh để vớt phần cái. Thậm chí để thỏa mãn thói quen ăn uống của mình, có người còn đảo cả bát thức ăn để chọn những miếng vừa ý… Hành động này có thể là thói quen nhưng gây phản cảm đối với người ngồi cùng mâm, đặc biệt là với những người không phải trong cùng một gia đình.
Trở lại với câu chuyện người phụ nữ cho cả muỗng chè lên miệng để nếm ngay quầy buffet tráng miệng lại cũng có người cho rằng đó là do thói quen nấu nướng nên khi ra ngoài không kiểm soát được. Mọi người nên thông cảm và nhắc nhở, chứ không nên quay video đăng lên mạng như vậy, ảnh hưởng đến cuộc sống của người ta…
Nếu là thói quen thì đó cũng là một thói quen không tốt, bởi chưa nói đến việc mất vệ sinh mà khi nhìn vào hành động này, nhiều người sẽ không có thiện cảm khi ăn uống cùng. Một số bình luận về video này cùng bày tỏ rõ quan điểm ở nhà khi nấu nướng đa số ai chả nếm thử nhưng khi ra ngoài không ai lại đi nếm thế này. Hoặc ở nhà nấu có nếm xong thì phần nước còn lại trong muôi phải bỏ đi và khi nếm cũng phải dùng bằng những chiếc muôi riêng chứ ai lại làm vậy…
Từ xưa để răn dạy con cháu về cách giữ gìn phép tắc lịch sự trong sinh hoạt cuộc sống hằng ngày, các cụ ta đã dạy: “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”. Nghĩa là khi ăn uống trong gia đình hay ở bất kỳ một nơi nào khác, phải biết quan sát xung quanh và lựa chọn cách ứng xử phù hợp nhất, nhất là khi trong mâm cơm có người lớn tuổi, có khách, ở chỗ tập thể. Người Việt ta, trước khi ăn đa phần vẫn giữ nếp mời nhau rồi mới cầm đũa gắp thức ăn. Đó một nét đẹp thể hiện lễ nghĩa, phép lịch sự trong bữa ăn.
Tôi tin rằng trong bất kỳ gia đình nào, ông bà, bố mẹ cũng đều dạy con trẻ quy tắc “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, mời mọi người trước khi ăn. Thậm chí là trong những tiết học kỹ năng sống ở nhà trường, thầy cô cũng truyền đạt về những điều lịch sự tối thiểu trong cuộc sống như vậy. Vì vậy, nếu là thói quen không đẹp trong hành xử khi ăn uống thì cũng là thói quen do bản thân không chịu rèn luyện mà ra.
Có thể thấy văn hóa trong bữa ăn từ lâu được ông cha ta rất quan tâm. Nếu như những người nội trợ có thói quen nêm nếm thức ăn thì cũng chỉ có thể làm trong căn bếp của mình và dùng riêng muôi, đũa thử thức ăn chứ không nên mang thói quen đó ra chốn tập thể.