Cái khó của doanh nghiệp khi tiếp cận tín dụng xanh
Việc kết nối tín dụng xanh, phát triển xanh không còn là chuyện của tương lai mà đã trở thành yêu cầu cấp thiết hiện tại. Đây là xu thế toàn cầu, và Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc.
Dư nợ tín dụng xanh tăng đáng kể
Việc triển khai các giải pháp nhằm hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 đang được thực hiện quyết liệt hơn bao giờ hết. Hiện nhiều quốc gia đã áp dụng các tiêu chuẩn khắt khe về phát thải và môi trường đối với hàng hóa nhập khẩu. Nếu doanh nghiệp Việt Nam không kịp thích ứng với các yêu cầu này, năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng trở nên nghiêm trọng, việc phát triển kinh tế theo hướng bền vững, xanh hóa sản xuất đang trở thành xu thế tất yếu - Ảnh: IT
Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) Hà Thu Giang cho biết đến ngày 31.3.2025 đã có 58 tổ chức tín dụng (TCTD) phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt trên 704.244 tỉ đồng, tăng 3,57% so với cuối năm 2024, chiếm tỷ trọng 4,3% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Trong đó, tín dụng xanh có phát triển cả về số lượng TCTD tham gia cho vay, quy mô và tốc độ tăng trưởng.
Giám đốc NHNN khu vực 9 Lê Anh Xuân thông tin, tính đến cuối tháng 3.2025, đã có 30 chi nhánh TCTD trên địa bàn khu vực 9 phát sinh dư nợ tín dụng xanh với tổng dư nợ đạt khoảng 10.482 tỉ đồng, chiếm gần 2% tổng dư nợ, trong đó tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm 35,51%).
Ở góc độ ngân hàng, Tổng giám đốc Ngân hàng BIDV Lê Ngọc Lâm cho biết, tính đến ngày 31.12.2024, dư nợ tín dụng xanh của BIDV đạt tới 80.870 tỉ đồng - chiếm hơn 12% dư nợ tín dụng xanh toàn ngành ngân hàng Việt Nam. Ngân hàng cũng đã tài trợ tín dụng xanh cho 1.600 khách hàng với 1.982 dự án/phương án, trong đó dư nợ các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, năng lượng sạch đạt gần 60.000 tỉ đồng, chiếm 74%; dư nợ công trình xanh đạt 6.500 tỉ đồng, chiếm 8%; dư nợ khu công nghiệp xanh đạt 1.736 tỉ đồng, chiếm 2% và dư nợ nước sạch đạt 1.174 tỉ đồng, chiếm 1,5%.
Để doanh nghiệp tiếp cận tín dụng xanh nhiều hơn
Liên quan đến vai trò của ngành Ngân hàng trong thúc đẩy phát triển xanh, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết hệ thống ngân hàng đã chủ động "đi trước một bước", triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh của nền kinh tế.
"Chúng tôi xác định tín dụng xanh phải đi trước, làm nền tảng để thúc đẩy phát triển xanh, đặc biệt là khu công nghiệp xanh. Để làm được điều đó, cần có nguồn vốn ổn định, không chỉ ngắn hạn mà cả trung và dài hạn, đáp ứng nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp và nền kinh tế", Phó thống đốc Đào Minh Tú chia sẻ.
Tuy nhiên, theo Phó thống đốc Tú, đến nay do chưa có danh mục phân loại xanh quốc gia, doanh nghiệp khó chứng minh được "tính xanh" của dự án đầu tư khi muốn tiếp cận nguồn vốn tín dụng xanh từ ngân hàng, trong khi các TCTD chưa có cơ sở kỹ thuật môi trường để nhận diện, thẩm định dự án xanh, quản lý hiệu quả khoản cấp tín dụng xanh.
Trong khi việc phát triển hoặc chuyển đổi các khu công nghiệp sang mô hình khu công nghiệp xanh đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu cao hơn so với các khu công nghiệp truyền thống do: Yêu cầu về điều chỉnh quy hoạch và kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng; hệ thống xử lý chất thải phải phù hợp với yêu cầu hiện đại; ứng dụng khoa học - công nghệ xanh cho toàn bộ quy trình từ xây dựng, sử dụng và bảo trì. Ngoài ra, ý thức tham gia liên kết và cộng sinh giữa các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, hay giữa các địa phương còn có những hạn chế.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, PV Một Thế Giới đã trao đổi với TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng. Ông cho biết tín dụng xanh sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới khi các vấn đề về môi trường ngày càng được chú trọng. Việt Nam sẽ phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn từ cộng đồng quốc tế về việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Với sự phát triển của công nghệ và các sáng kiến tài chính mới, tín dụng xanh sẽ ngày càng trở nên phổ biến.
Tuy nhiên, ông Hiếu cho rằng việc sử dụng tín dụng xanh còn gặp nhiều khó khăn trong việc đánh giá hiệu quả của dự án, bởi trên thực tế chưa có tiêu chí đánh giá về tính hiệu quả. Vì vậy, việc xác định trả nợ trở nên khó khăn, tạo ra những rủi ro cho các vấn đề liên quan.
Bên cạnh đó còn là vấn đề công nghệ. Các dự án xanh thường đòi hỏi công nghệ cao và nguồn nhân lực có chuyên môn sâu, trong khi đó nguồn lực này ở Việt Nam còn khá hạn chế.
Hơn nữa, vấn đề chính sách cũng cần được rõ ràng và minh bạch hơn. Mặc dù nhà nước đã có một số chính sách hỗ trợ, nhưng chính sách đó vẫn chưa đủ mạnh và đồng bộ để thúc đẩy tín dụng xanh phát triển mạnh mẽ hơn.
Để tháo gỡ những khó khăn trên, vị chuyên gia đề xuất cần có quy định, tiêu chí rõ ràng về việc cho vay với các dự án và phương án trả nợ với các dự án này như thế nào. Đây là yếu tố cơ bản nhất để hỗ trợ tín dụng xanh, tức là phải đo lường được kết quả của việc thực hiện dự án.
Doanh nghiệp cần chú trọng đầu tư vào công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; hợp tác với các tổ chức quốc tế và các trường đại học hàng đầu để có thể tiếp cận được các công nghệ tiên tiến. Đặc biệt, cần có các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ phía chính phủ, chẳng hạn giảm thuế, hỗ trợ lãi suất, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn xanh...
Về phía NHNN, Phó thống đốc Đào Minh Tú khẳng định ngành ngân hàng sẽ hỗ trợ tích cực cho nền kinh tế chuyển sang mô hình kinh tế xanh, phát thải thấp. Để thúc đẩy hoạt động tín dụng xanh, NHNN sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp tại kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia của ngành ngân hàng, đề án phát triển ngân hàng xanh.
Trong đó, ưu tiên một số giải pháp trọng tâm, như tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động tín dụng, trong đó có tín dụng xanh để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn để thực hiện các dự án xanh, bảo vệ môi trường; hướng dẫn các TCTD cấp tín dụng xanh sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục phân loại xanh; chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh huy động nguồn lực; tập trung, ưu tiên bố trí nguồn vốn hợp lý, tăng dần tỷ trọng vốn tín dụng cho các dự án xanh, mang lại lợi ích môi trường...
Tuy nhiên, theo Phó thống đốc Tú, để hỗ trợ tín dụng xanh phát triển mạnh mẽ đặc biệt là trong vấn đề phát triển các khu công nghiệp xanh, ngoài nỗ lực của ngành ngân hàng, cần sự chung tay của rất nhiều bên liên quan. Đồng thời, phải triển khai và tuyên truyền sâu rộng đến các doanh nghiệp để nâng cao nhận thức về giá trị và lợi ích của việc chuyển đổi xanh, xây dựng doanh nghiệp bền vững; đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý môi trường và dòng vốn; tăng cường hợp tác công - tư để đồng hành trong phát triển bền vững.
Về phía các doanh nghiệp, chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp xanh cũng cần minh bạch các tiêu chí môi trường; xây dựng lộ trình chuyển đổi xanh, nâng cao năng lực lập hồ sơ, dự án đáp ứng tiêu chí tín dụng xanh và phối hợp, liên kết hiệu quả với các đơn vị tư vấn, ngân hàng và nhà đầu tư.
Tín dụng xanh là hình thức cấp vốn của các tổ chức tài chính nhằm thúc đẩy các dự án và hoạt động thân thiện với môi trường, giảm tác động tiêu cực đến hệ sinh thái.
Cụ thể, các ngân hàng hoặc tổ chức tài chính sẽ cấp khoản vay với mục tiêu tài trợ cho những dự án năng lượng sạch, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường.
Tín dụng xanh thường là khoản vay, nên yêu cầu trả nợ cả gốc lẫn lãi trong khoảng thời gian nhất định. Tổ chức vay sẽ phải trả lại tiền cho bên cho vay theo điều khoản đã ký.