Cái kết để ngỏ nhiều câu hỏi

Đối với nhà sáng lập nền tảng công bố tài liệu và thông tin mật Wikileaks Julian Assange (người Australia), việc được trả tự do và hồi hương trong cuộc chiến dài với phía tư pháp của Thụy Điển, Anh và Mỹ, sau 7 năm tị nạn trong Đại sứ quán Ecuador ở London và hơn 5 năm bị tù ở Anh là cái kết có hậu.

Người này cuối cùng đã phải trả cái giá đắt cho chính lý tưởng của mình. Đắt vì bị phía tư pháp của Thụy Điển, Anh và Mỹ truy sát, cùng với tị nạn và tù biệt giam hơn 12 năm trời. Khía cạnh khác của cái giá đắt này là ông Assange phải chấp nhận nhận tội làm gián điệp trước một tòa án của Mỹ để được trả tự do trong khi coi sứ mệnh lịch sử của Wikileaks là đề cao và thực thi tự do báo chí và báo chí điều tra.

Đối với Mỹ, Anh và Thụy Điển, thỏa thuận giữa ông Assange và phía tư pháp Mỹ đưa lại cái kết cho câu chuyện dài đầy kịch tính về số phận của ông Assange giúp họ giữ được thể diện. Người này nhận tội có nghĩa là họ đều đã đúng. Người này được trả tự do và hồi hương có nghĩa là vụ việc đã kết thúc và họ không còn bị khó xử với dư luận trên thế giới.

Thụy Điển và Anh không còn phải tiếp tục bị mang tiếng là áp dụng tiêu chuẩn kép với quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí cũng như nhất nhất phải làm theo Mỹ. Tổng thống Mỹ Joe Biden ghi được thêm điểm trong cuộc vận động tranh cử tổng thống hiện tại ở nước Mỹ bởi đã giải quyết được vấn đề rất nhạy cảm về đối nội cũng như đối ngoại nảy sinh từ thời Tổng thống Mỹ Barack Obama và được người kế nhiệm ông Obama là ông Donald Trump hình sự hóa.

Trong vận động tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016, ông Trump tận dụng, cũng như lợi dụng được rất nhiều từ việc Wikileaks khui ra vụ việc bà Hillary Clinton, đối thủ chính trị khi ấy của ông Trump, sử dụng hộp thư điện tử cá nhân vào việc công, thậm chí còn đến mức ông Trump nhiều lần thốt lên "Tôi yêu Wikileaks". Rồi ông Trump "truy sát" ông Assange với cáo buộc phạm 18 tội.

Mới đây, ông Trump lại tuyên bố sẽ ân xá cho ông Assange nếu làm tổng thống Mỹ. Thỏa thuận vừa rồi giữa phía tư pháp Mỹ và ông Assange giúp ông Biden làm cho ông Trump không còn có thể sử dụng vấn đề ông Assange làm một con át chủ bài vận động tranh cử. Đấy cũng còn là một lý do giải thích vì sao chính quyền của ông Biden thỏa hiệp với ông Assange vào đúng thời điểm hiện tại.

Tuy nhiên, cái kết trên của câu chuyện dài hơn 12 năm này lại để ngỏ nhiều câu hỏi liên quan đến chính trị, tư pháp và tự do báo chí ở các nước phương Tây.

Chẳng hạn như ông Assange là người hùng phất cao ngọn cờ tiên phong của tự do báo chí và báo chí điều tra hay hoạt động gián điệp? Tiền lệ này sẽ dẫn dắt báo chí và truyền thông ở các nước phương Tây đi đến đâu trong tương lai khi hoạt động báo chí rất dễ dàng bị hình sự hóa đến như vậy? Hay như lý tưởng mà ông Assange theo đuổi và hành động mà người này làm trên thực tế có lợi hay lợi bất cập hại đối với tự do báo chí nói chung và tương lai của báo chí điều tra nói riêng?

Cái kết để ngỏ còn có câu hỏi về ranh giới và lằn ranh đỏ nào cần được xác định cho hoạt động báo chí của những người như ông Assange và sự đối phó của phía tư pháp ở các quốc gia phương Tây đối với những người hoạt động báo chí như ông Assange?

Nhìn từ những giác độ khác nhau và với những cách tiếp cận khác nhau sẽ đưa lại những câu trả lời khác nhau cho các câu hỏi hiện còn để ngỏ.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/cai-ket-de-ngo-nhieu-cau-hoi-670538.html
Zalo